banner 728x90

Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

28/12/2024 Lượt xem: 2626

    Bà Thiên Hậu là một vị nữ thần quan trọng của người Hoa, tiêu biểu cho sự hội nhập văn hóa Hoa – Việt trên vùng đất Nam Bộ. Trong tâm thức dân gian người Nam Bộ, Bà Thiên Hậu không còn là vị thần linh riêng của người Hoa mà đã trở thành vị thần linh có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong niềm tin, tín ngưỡng của người dân vùng đất này. Bà được ví như chị em với các vị thần nữ bản địa nơi đây.

     “Có lẽ, vì Bà là nữ thần nên người ta tin rằng Bà cung “độ mạng” cho chúng sinh, đặc biệt là giới nữ; ngoài thiên chức phù hộ cho người đi biển. Thậm chí, tâm thức dân gian người dân Nam Bộ còn cho Bà là chị em với Linh Sơn Thánh Mẫu và Bà Chúa Xứ, những vị Thánh Mẫu được người dân Nam Bộ sùng kính”.

Tượng Bà Thiên Hậu

     Hình tượng Bà Thiên Hậu trong đời sống của người dân đi biển ở vùng đất Nam Bộ thể hiện ít nhiều những nét tương đồng và sự ảnh hưởng giao thoa Tam giáo và đặc biệt là Phật giáo. Bồ Tát Quán Thế Âm Nam Hải là một trong 32 hóa thân của Bồ Tát và Bà Thiên Hậu đều là các vị thần linh cứu khổ cứu nạn cho cư dân đi biển. Chính vì lẽ đó mà tuy hai hình tượng này là hai vị thần khác nhau nhưng có cùng chung một chức năng và ý nghĩa trong thờ cúng của cư dân. 

Tùy theo nét đậm nhạt của ảnh hưởng Phật giáo nơi người đi biển mà vị nữ thần biển cả có dạng Quan Âm hay một vị thần Đạo giáo: Thánh Mẫu Thiên Phi/Thiên Hậu. Và các thương nhân đi biển Trung Quốc cũng như những người Hoa di cư đời nhà Minh đã mang vị thánh mẫu ấy đến vùng họ ghé bến hay trú ngụ. Chúng ta có thể thấy hình dạng đồng nhất của vị thần biển này dưới những danh xưng khác nhau qua các thời đại… sự phát triển thương mại bằng đường biển, sự cần thiết di chuyển – nhất là về phía nam – thuận lợi hơn bằng đường biển đã nâng cao vị thế các nữ thần biển.

     Sự dung hợp giữa các yếu tố Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Bộ còn được thể hiện rõ trong việc phối thờ tượng Bà Thiên Hậu trên Phật điện ở nhiều ngôi chùa trên vùng đất này. Có thể kể đến một số ngôi chùa, như: Chùa Bắc (Quảng Đông tỉnh hội quán); Miếu Bà Thuận An xã Thuận An, An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; Chùa Tây An cổ tự, Châu Đốc, tỉnh An Giang,…

     Điện thần của Chùa Bắc, tọa lạc tại thành phố Long Xuyên được bài trí theo các lớp thờ (tính từ ngoài vào trong), trước hết là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, kế đến là Thích Ca Mâu Ni. Phía trong cùng là 3 bàn thờ dàn hàng ngang. Ở chính giữa là bàn thờ đức Huyền Thiên Thượng Đế, bên trái ban thờ này (từ ngoài vào) là ban thờ Đức Quan Thánh Đế quân, bên phải là ban thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Pho tượng Bà trong tư thế ngồi, ngự nơi chính giữa. Bên phải Bà có hai pho tượng, pho xếp trước là tượng Cô, pho sau là Ông Thiên Lý Nhãn. Bên trái Bà cũng có hai pho tượng, pho trước là tượng Cô, pho sau là Ông Thượng Phong Nhĩ.

     Sự đan xen hòa trộn giữa lớp văn hóa Phật giáo với tục thờ bà Thiên Hậu còn được phản ánh qua bức khắc Thiên Hậu Cung với nhiều mô hình ghe thuyền đặt theo các hương án tại Miếu Bà Thuận An, ấp An Thuận, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bức điêu khắc thờ tự Thiên Hậu Cung có trạm khắc Thập Nhị Thánh Mẫu và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Thập Nhị Thánh Mẫu trong bức tranh là 12 vị: Quan Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Bồ Tát, Phật Mẫu, Địa Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Cửu Huyền Thiên Nữ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Thiên Hậu, Long Mẫu, Kim Hoa, Hoàng Mẫu. Điều này cho thấy, “Không phải ngẫu nhiên mà Bà Thiên Hậu lại được du nhập vào điện thờ Phật giáo, được đặt thờ phổ biến trong chùa Việt, trong miếu của người Hoa. Lòng hiếu thuận và tinh thần vô úy, xả thân vì mọi người như Bà đáng được làm tấm gương soi sáng cho nhiều thế hệ phụ nữ đời sau, và lại cũng gần gũi với tinh thần vô úy (không sợ hãi), với cái “dũng”, một trong ba yếu tố căn bản của người theo Phật giáo phải có Bi, Trí, Dũng”.

     Việc phối thờ như trên cho thấy, trong tâm thức của người Hoa An Thuận, Thiên Hậu Thánh Mẫu chính là vị thần phù hộ cho họ đến đây định cư thành công, cùng với chức năng độ trì nghề nghiệp liên quan đến biển cả, được ngư dân Hoa lẫn Việt ở đây đều ngưỡng vọng, đã được phối thờ với Thập nhị Thánh Mẫu là mô thức thờ tự của Phật giáo và tín ngưỡng bản địa trước khi có sự du nhập của người Hoa.

     Tại Miếu Thiên Hậu (ấp 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài việc thờ Bà Thiên Hậu, còn phối thờ với Bà Chúa Xứ, Tổ Cô, Phật Bà Quan Âm, Ngũ Hành Nương Nương. Hàng năm, vía Bà Thiên Hậu cũng được tổ chức ngày 23 tháng 3 Âm lịch, chung cho Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành, Bà Cố Hỷ, Phật Bà Quan Âm.

     Bức họa vẽ Bà Thiên Hậu cùng hai ác thần được bà cảm hóa

Trong các gia đình người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc phối thờ Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu chung với thần, Phật là điều phổ biến. Họ rất tin tưởng, thường đi lễ vía Bà và thỉnh tranh kính Bà về thờ tại gia và xem Bà như thần độ mạng cho nữ giới trong gia đình như đối với Bà Thiên Hậu.

     Ở Miếu Ông Lăng Hậu (12 Lão Tử, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu còn thờ Phước Đức Chính thần, Bà Chúa Thai Sanh, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Quan Âm, Bao Công, Thành Hoàng.

     Tại Hội quán Quảng Triệu (122 Bến Chương Dương, Thành phố Hồ Chí Minh) ngoài thờ Thiên Hậu còn thờ thêm 22 thần thánh khác: Kim Hoa Nương Nương, Thiên Địa Phụ Mẫu, Văn Xương, Tề Thiên Đại Thánh, Hoa Ông, Hoa Bà, Thanh Long, Thái Tuế, Bảo Thọ, Quan Thánh, Long Mẫu Nương Nương, Bắc Đế, Quan Âm, Bạch Vô Thượng, Thần Nông, Bạch Hổ, Ngọc Hoàng, Quan Công, Tài Bạch Tinh Quân, Thiên Quan Tứ Phước, Phúc Đức Chánh Thần, Môn Quan Vương Tả, Cửu Thiên Huyền Nữ.

     Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Nam Bộ có xu hướng dung hợp với Phật giáo được bắt nguồn từ lâu đời. Ngay từ thời còn ở Hoa Nam (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Đài Loan) và được du nhập vào Việt Nam, tại Nam Bộ càng được biểu hiện sâu sắc hơn. Miếu Thiên Hậu được gọi là “Chùa Bà”. Trong suy nghĩ của người Việt, Thiên Hậu vừa là Thánh mẫu, vừa là Phật Bà. Điển hình nhất là ngôi Thiên Hậu Tự ở số 21 Lê Trực, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa thờ Thiên Hậu vừa thờ Phật Bà Quan Âm, các nghi thức cúng tế được thực hiện theo cả hai phong cách Phật giáo và tín ngưỡng, và vì thế mới gọi là Chùa Thiên Hậu. Ngôi chùa này vốn dĩ là miếu Thiên Hậu do gia đình người Hoa xây dựng cách đây gần trăm năm. Kiến trúc chùa là sự hỗn dung tín ngưỡng thời Thiên Hậu Thánh Mẫu và thờ Phật, vì thế được đặt tên là chùa Thiên Hậu. Chính điện có thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Quan Âm theo lối “tiền Phật hậu Mẫu.

     Miếu Bà Thiên Hậu chợ Phố (Phong Phú, Cầu Kè, Trà Vinh), Miếu Thiên Hậu ở Cái Răng (Cần Thơ) đều có sự phối thờ Quan Âm Bồ Tát trong Miếu, đồng thời đặt tượng Quan Âm ngay sau cổng chính trước sân. Còn Miếu Thiên Hậu ở Quảng Đông, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Quan Âm được xây dựng trong khuôn viên cổng. Miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội Quán) đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, tượng Quan Âm Bồ Tát cũng được đặt ngay trước chính điện. Miếu Thiên Hậu ở thành phố Trà Vinh ngoài chính điện thờ Thiên Hậu thì bên phải là Quan Âm. Và ngược lại, một số chùa Phật giáo cũng có hiện tượng phối thờ Thiên Hậu, như: chùa Hải Phước An ở Sóc Trăng, không riêng gì Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Bà Đen trong khu vực này cũng có xu hướng tương tự.

     Qua đây cho thấy, trong tâm thức người Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị Hải Thần, vị thần đã giúp đỡ tổ tiên họ vượt biển gian nan đến với vùng đất an toàn. Từ vị trí một vị hải thần, Thiên Hậu trở thành thần bảo hộ cho cộng đồng và mang đầy đủ ý nghĩa của một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, cứu nhân độ thế trong Phật giáo. “Tuy nhiên, trong con mắt của người Việt và người Khmer, Thiên Hậu trước hết là một vị phúc thần, là một Mẫu linh thiêng như các Mẫu khác trong truyền thống, như: Liễu Hạnh, Bà Chúa Xứ,… Với vị trí một phúc thần, Thiên Hậu được người Việt có xu hướng tiếp nhận theo ngả Phật giáo hoặc bằng cặp mắt Phật giáo”.

     Chùa bà Thiên Hậu tại quận 5, Tp.Hồ Chí Minh

Đối với tâm thức người Việt, khi cùng sinh sống trong cộng đồng với người Hoa, quá trình giao thoa văn hóa Việt – Hoa và đặc biệt sự ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo đã hình thành trong tư tưởng của họ việc Việt hóa tín ngưỡng thờ Thiên Hậu, cho nên miếu Thiên Hậu được người Việt gọi với cái tên mang đậm màu sắc, sắc thái Phật giáo là “nhà chùa” (Chùa Thiên Hậu) và Bà Thiên Hậu được hiển linh là hóa thân như hình tượng Bồ Tát vậy. Và “để thể hiện xu hướng dung hòa vào dòng chảy chủ lưu của văn hóa Việt, để thu hút được đông đảo dân chúng tin theo, một số miếu Thiên Hậu ở Nam Bộ có thỉnh tượng Thích Ca hay Quan Âm vào phối thờ, hoặc trang trí theo lối Phật giáo. Trong chính điện miếu Thiên Hậu ở Cái Bè, lối thờ tự được bố trí theo lối “tiền Phật hậu Mẫu”. Lễ vía Thiên Hậu ngày 23 tháng 3 trong Miếu được Phật giáo hóa theo lối nghi lễ nhà Phật, người ta còn mời các nhà sư Phật giáo đến cử hành nghi lễ. Dấu ấn Phật giáo còn thể hiện qua vòng hào quang Phật được đặt sau tượng Thiên Hậu trong hầu hết các miếu thờ hoặc tháp Phật đăng trong chính điện miếu Thiên Hậu Ôn Lăng (của người Phúc Kiến, đường Lão Tử, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh)”.

     Không chỉ dung hợp trong nghi thức phối thờ giữa Phật giáo và tín ngưỡng Mẫu mà trong lễ hội một số miếu thờ Thiên Hậu thánh Mẫu ở Thành phố Hồ Chí Minh còn mang đậm màu sắc, sắc thái Phật giáo. Tại Miếu Thờ Thiên Hậu, số 348/1, đường Cách mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh trong lễ vía Thiên Hậu 23 tháng ba hằng năm, phần nghi lễ nghi Bà, “người ta rước kiệu Bà từ Miếu đến chùa Trung Hòa ở gần đó để lễ Phật rồi đi vòng về Miếu. Bốn lính khiêng kiệu mặc y phục theo kiểu thái thú xưa. Phái nữ chỉ đảm trách công việc thực hiện lễ mộc dục cho Bà, còn cử hành nghi thức cúng bái Bà trong dịp vía này do Ban Quản trị miếu, gồm những cụ ông lớn tuổi trong khu phố thực hiện”.

     Có thể thấy rằng ở nhiều nơi vùng Nam Bộ, trong các Miếu Thiên Hậu (Chùa Bà Thiên Hậu) đều có sự phối thờ Phật giáo với tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

     Sự giao thoa hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ qua hình tượng Thiên Hậu phản ánh quá trình hội nhập thần linh của người Việt trong bối cảnh tiếp thu tín ngưỡng của người Hoa trở thành thần linh phổ biến trong dân gian là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Kim Hoa Nương Nương, Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Quan Âm Bồ Tát, Địa Mẫu… Đó chính là quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Việt – Hoa – Ấn, đồng thời phản ánh thế giới quan của người dân bản địa về sự bao trùm của những vị nữ thần trong vũ trụ, trời đất của cư dân, khiến họ trở nên gần gũi trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo người Nam Bộ./.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top