
Ngày 23 tháng chạp là ngày ông Táo về trời. Vào ngày này, các gia đình Việt luôn chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã để tiễn đưa ông Táo về trời. Vì là phong tục rất quan trọng vào những ngày cuối năm nên gia chủ khi cúng đều rất quan tâm đến những vấn đề kiêng kỵ để không mạo phạm đến thần linh.
Không cúng sau 12 giờ ngày 23
Có một điều cần phải nhớ trong ngày này đó là không cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 bởi sau 12 giờ trưa là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ vì vậy tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp
Tùy theo phong tục và quan niệm dân gian từng vùng, các gia đình thường bày biện mâm cúng ông Công ông Táo ở những nơi khác nhau. Vì nghĩ ông Táo là thần bếp nên một số gia đình chọn đặt mâm cỗ cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, gia chủ chỉ nên đặt mâm cỗ trên ban thờ của gia đình. Đây là nơi kết nối tâm linh giữa hai thế giới âm dương, người trần với tổ tiên, thần linh.
Không cúng tiền âm phủ
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ không nên đốt tiền âm phủ. Hành động này hoàn toàn sai về ý nghĩa. Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Không thả cá chép từ trên cao xuống
Cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh chính vì vậy các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem như là hành động mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.

Không cầu xin tài lộc, sung túc. Ảnh minh họa
Không cầu xin tài lộc, sung túc
Nhiều người theo thói quen thường cầu xin ông Công ông Táo cho làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy nhiên, việc cầu xin như vậy không đúng với ý nghĩa của lễ cúng Táo quân.
Hằng năm, Táo quân lên thiên đình chỉ để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng. Thế nên, các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được.
Không cúng lễ vật cầu kì
Việc cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ thiêng liêng, chủ yếu là ở sự thành tâm của gia chủ, vì thế lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ, xa xỉ, chỉ cần đầy đủ lễ vật là được. Nếu cúng quá cầu kỳ rất tốn kém cho gia chủ, chỉ nên chuẩn bị lễ vật phù hợp với điều kiện của gia đình.
Đưa ông Táo về trời là phong tục truyền thống của người Việt vào những ngày cuối năm. Đây được xem là thời khắc quan trọng mà mọi người mong muốn ông Táo trình báo những vấn đề xảy ra trong năm qua và mong Ngọc Hoàng giúp đỡ nhân dân để một năm mới thuận lợi hơn.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam