banner 728x90

Nhìn nhận lại sự tích đức thánh Liễu Nghị và Thủy Tiên Động Đình Thánh mẫu

23/04/2024 Lượt xem: 3044

Truyện Liễu Nghị là một tác phẩm dạng truyện truyền kỳ phổ biến từ thời Đường kể về con gái vua Động Đình bị Kinh Xuyên ruồng bỏ, rồi được thư sinh Liễu Nghị báo tin cứu giúp. Các nhà Nho nước ta dựa vào truyện này mà cho rằng huyền sử về Kinh Dương Vương là sản phẩm sao chép từ truyện Liễu Nghị truyền thư. Tuy nhiên, di tích và tín ngưỡng thờ Liễu Nghị và Thần Long Thoải phủ ở đất Hải Dương lại cho một nhận thức hoàn toàn khác về ý nghĩa thật sự của truyền thuyết Liễu Nghị, gắn với Tản Viên Sơn Thánh.

Cổng chùa Ông Sộp ở xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương.

Chùa Ông Sộp ở xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương, xưa là xã Ngọc Lạp, là nơi thờ đức thánh Liễu Nghị. Thần tích ở đây kể:

“Ngài là sao Liễu giáng sinh. Đức thánh phụ là Liễu Phong, đức thánh mẫu là Hán Thị Miên. Ngày học ông Hàn Tỉnh tiên sinh. Ngài có phép phù thủy, lúc bấy giờ ngài chưa đỗ, ngài đi chu du sơn thủy, gặp một người thiếu nữ kêu khóc ở trong rừng,vừa khóc vừa lậy nói rằng:

  • Thiếp là con gái vua Động Đình, bị giáng làm người dương thế, lấy Hồ Nghi người Kinh Diên, có vợ bé là Thị Chi. Thị Chi dụng tình làm thư giả nói với chồng là Hồ Nghi rằng thiếp có ngoại tình cho nên người chồng đem đày ở trong rừng này, bắt nuôi dê bao giờ dê đực đẻ mới được về. Thiếp xin viết 1 bức thư nhờ lang quân đem xuống Động Đình, cứ đi đến bên sông Hoàng Giang thấy có cây quất, lang quân đánh vào cây quất 3 tiếng tự nhiên ứng hiện.

Ngài đến bến sông Hoàng Giang cầm thư đánh vào cây quất, quả nhiên thấy đền đài lầu các, đền gọi là đền Hư Linh Đài, chỗ ăn, chỗ ở lạ khác dương trần, thấy vua Động Đình ngồi chỉnh tọa, tay cầm ngọc khuyên. Bấy giờ ngài dâng thư vào. Vua Động Đình xem thư sai Xích Lân Đại tướng đến chỗ sơn lâm đón con gái về, rồi mở tiệc yến. Vua Động Đình cho kết làm vợ chồng nhưng ngài không nghe, từ chối xin để sau này sẽ hay. Vua Động Đình tặng kim ngân châu ngọc cũng không lấy. Bấy giờ vua Động Đình sai Xích Lân Đại tướng tiễn ngài về dương trần. Lúc bấy giờ con gái vua Động Đình tiễn ngài ra ngoài Bích Vân cung, có cầm lấy tay ngài đọc bài thơ lưu luyến.

Thiếp nay thoát khỏi kiếp chăn dê

Nhờ ơn sâu nặng báo Thủy Tề

Đức lớn biết bao giờ đền đáp

Nguyện đem tấm thân theo chàng về.

                Ngài lại đọc một bài thơ rằng:

Bích Vân lời ấy xin nàng nhớ

Mãi với non cao cùng biển xanh

Một dải âm dương chia tách ngả

Chín trời mây nước mộng ba canh.

Thơ rồi đức bà về long cung, đức ông về dương thế.

Một thời gian sau, Liễu Nghị làm quan, nhân buổi thanh nhàn, ra bến Nhị Hà, chu du sông nước, gặp cô lái đò, đúng thực người xưa, kết duyên chồng vợ. Trời đất tối đen, mưa gió bão bùng, người chết của mất, Liễu Nghị tướng quân, lập đàn trị thủy tại xã Ngọc Lạp, nay chính chùa Sộp, Thủy Tiên công chúa, Xạ thư cầu đảo bên làng Nhữ Xá, nay là chùa Dựa, ba ngày linh ứng, trời quang mây tạnh, nhân dân phấn khởi, trở lại cuộc sống, như lúc ban đầu. Ông Sộp bà Dựa, âm dương xung khắc, thủy hỏa không đồng, mỗi người một phương, tu rồi hiển Thánh, hai thôn lập đền, phụng thờ đến nay.”

Sự tích Liễu Nghị ở Thanh Miện, Hải Dương không chỉ dừng lại ở việc Liễu Nghị cứu được người con gái con vua Động Đình mà còn cho biết ông có thuật “phù thủy” và có phép trị thủy chống lũ lụt.

Đôi câu đối ở chùa Ông Sộp nói về thánh Liễu Nghị:

Tác vũ hưng vân thiên hữu hạn

Xạ thư trị thuỷ địa vô hồng.

                                       Nghĩa là:

Khởi tạo mây mưa trời còn hạn

Bắn thư trị thủy đất không tràn.

Câu đối nhắc lại tích Liễu Nghị cùng Thần Long đã viết thư gửi xuống Thủy phủ để làm cạn nước chống lũ lụt. Chi tiết đặc biệt này đã cho phép xác định Liễu Nghị chính là Tản Viên Sơn Thánh, người dùng cuốn sách ước trị cơn hồng thủy thời mở nước.

Liễu Nghị gặp Thần Long bị đày đi chăn dê ở Đồng Dã là chuyện Tản Viên Sơn Thánh cứu con rắn, con của Long Vương Động Đình bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết  bên bãi Trường Sa trong ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh (Tản Lĩnh ngọc ký). Cũng giống như truyện Liễu Nghị, sau khi cứu được con vua Thủy tề, Sơn Thánh đã rẽ nước xuống Thủy phủ gặp Động Đình Đế quân và được tặng một cuốn sách ước thần kỳ. Lúc ra về, Thái tử Long cung tiễn Sơn Thánh tới tận bãi Trường Sa và để lại lời thơ đầy xúc động. Đặc biệt bài thơ này trong Tản Lĩnh ngọc ký lại có 2 câu thơ trùng khớp với bài thơ của Liễu Nghị đọc khi chia tay Thủy Tiên Công chúa:

Không gặp làm sao có kiếp sinh

Khi đi là nghĩa về là tình

Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng

Trở lại cung rồng khách chẳng đành

“Một dải âm dương đôi tách ngả

Chín trời mây nước mộng ba canh”

Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi

Tương tư chốn ấy bởi xa tình.

Xem thêm một đôi câu đối khác ở chùa Ông Sộp:

Thiên độc ký Động Đình, tuyết áng vân cung thuỷ phủ

Thốn thư truyền lạo xứ, ba bình hải đạo Hồng Châu.

                         Nghĩa là:

Thẻ trời gửi Động Đình, tuyết phủ cung mây thủy phủ

Tấc sách truyền vùng ngập, sóng lặng ven biển Hồng Châu.

Câu đối nhắc tới 2 lần truyền thư của Liễu Nghị. Lần thứ nhất là bức thư dạng thẻ được Thủy Tiên Công chúa gửi xuống cho vua cha Động Đình. Lần thứ hai là một đoạn thư thả về Thủy phủ khi ông bà đi chống lụt ở đất Hồng Châu. So sánh với Tản Lĩnh Ngọc Ký có thể thấy rõ “thiên độc” (thẻ trời) và “thốn thư” (tấc sách) trong sự tích Liễu Nghị tương đương với cây Gậy thần và cuốn Sách ước, là 2 pháp khí của Sơn Thánh đã dùng khi trị thủy. “Thư sinh” Liễu Nghị dùng “thư sách” không phải để học hành thi cử, mà là để làm phép “phù thủy” trong công cuộc chống lại thiên tai, an dân lập quốc.

Cách chùa Ông Sộp khoảng 5km là chùa Nhữ Xá, nay là xã Hồng Quang của huyện Thanh Miện. Chùa còn có tên là chùa Dựa, nơi thờ đức Thánh Bà Động Đình Thủy Tinh Công chúa. Sự tích chùa Nhữ Xá còn kể Liễu Nghị được vua Động Đình cho một bầu nước dùng để cứu giúp nhân dân khi thiên tai hạn hán, không có nước cấy cày. Vị Thiên Lôi ở làng An Xá trong cùng xã từng lấy trộm bầu nước này, nhưng không thể sử dụng được như thánh Liễu Nghị. Chi tiết này cho thấy phép thuật của Liễu Nghị còn trên tài phép cả Thiên Lôi, nên Liễu Nghị không chỉ là một thư sinh bình thường.

Gần ngay cạnh chùa Ông Sộp là thôn Thủ Pháp, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh và người mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn Thần Nữ. Thủ Pháp cũng là tên làng quê của bà Ma Thị ở trên núi Tản Viên. Như thế ở Thanh Miện có đủ quê của Thánh Tản và nơi Thánh cùng Thần Long Động Đình trị thủy.

Tới đây đã có thể kết luận, hình tượng Liễu Nghị là một cách kể khác về Tản Viên Sơn Thánh từ góc nhìn của dân gian miền đồng bằng ven biển xưa. Tản Viên Sơn Thánh cũng đã được biết là vị Kinh Dương Vương như công bố trong ấn phẩm “Kinh triều bảo lục Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn” của Nhóm nghiên cứu di sản Đền miếu Việt biên soạn mới xuất bản gần đây. Truyện Liễu Nghị là một dẫn chứng rõ ràng nữa cho nhận định Tản Viên Sơn Thánh là Kinh Dương Vương, vì đều là người đã lấy Thần Long Động Đình.

Trong thư tịch cổ cũng đã từng có việc đồng nhất Liễu Nghị là Kinh Dương Vương. Sách Nam sử, một cuốn sử không rõ tác giả, chép: "Kinh Dương Vương đi tuần thú Nam Hải, gặp một người chăn dê, nói mình là con thứ của Động Đình Quân gọi là Thần Long, bị Kinh Xuyên ruồng bỏ. Kinh Dương Vương bèn lấy Thần Long làm Nguyên phi, một năm sau, sinh hạ được một con trai gọi là Sùng Lãm. Kinh Dương Vương sống hơn trăm tuổi, bèn phong Sùng Lãm làm Lạc Long Quân, nối trị phương Nam. Kinh Dương Vương và Thần Long bèn cưỡi rồng lên trời".

Từ nhận định rõ ràng về thời kỳ Hùng Vương Thánh Tổ khai dân lập quốc thì truyện Liễu Nghị truyền thư, Tản Viên Sơn Thánh cứu Thủy Tinh Động Đình hay Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ lấy mẫu Thần Long nay đã có thể hiểu như sau. Vào thời Đế Nghi, chính dòng Viêm tộc từ Đế Minh, đang làm chủ thiên hạ. Dòng thứ lúc này là Tiên tộc từ bà Vụ Tiên đã gây mâu thuẫn làm cho Đế Nghi đuổi dòng Long tộc Động Đình đi. Thần tích ở Thanh Miện kể thành Hồ Nghi ở Kinh Diên (Kinh Xuyên) nghe lời người thiếp Thị Chi (Thảo Mai) đày Thần Long đi chăn dê (bị nhốt vào cũi trong rừng).

Khi Tản Viên Sơn Thánh, là dòng Lạc tộc (Lộc Tục) lên nắm giữ ngôi chủ thiên hạ, xưng là Kinh Dương Vương, Sơn Thánh - Liễu Nghị đã có chuyến đi xuống Thủy phủ Động Đình ở miền sông biển Hải Dương, kết giao với dòng Long tộc. Từ đó Kinh Dương Vương đã hoàn thành nốt chặng đường hội nhập 4 tộc người thời lập quốc (gồm Viêm tộc, Lạc tộc, Tiên tộc và Long tộc) thành một thiên hạ chung thống nhất. Sơn Thánh với cây gậy thần sách ước được dòng Long tộc gọi là Liễu Nghị truyền thư, kết duyên với con vua Động Đình mà sinh ra Lạc Long Quân.

Khi Kinh Dương Vương cùng Thần Long “cưỡi rồng” đi mất, Lạc Long Quân đã dựa vào thế lực của bên mẹ là Long tộc Động Đình mà chiếm được ngôi vị chủ tể thiên hạ, đánh đuổi và buộc dòng Viêm tộc của Đế Nghi phải di dời đi. Truyện Liễu Nghị kể là Xích Lân Đại tướng đã giết Hồ Nghi ở Kinh Xuyên. Xích Lân là con rồng đỏ, bởi Lạc Long Quân là vị cha Rồng đã nối tiếp làm Xích Đế ở nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương. Truyện Liễu Nghị như vậy cũng có đầy đủ nhân vật lịch sử quan trọng là Lạc Long Quân trong vai là Xích Lân Long thần.

Sự tích và tín ngưỡng thánh Liễu Nghị trị hồng thủy ở Hải Dương là câu chuyện thật sự về Kinh Dương Vương - Tản Viên Sơn Thánh khai mở vùng ven biển, thống nhất 4 tộc người ở bốn phương, lập nên nước Xích Quỷ và khởi đầu thời kỳ cha truyền con nối trong lịch sử Hồng Bàng - Viêm Bang của người Việt.

Chùa Ông Sộp với những câu đối về Liễu Nghị truyền thư.

Chính điện chùa Ông Sộp và chiếc khám cổ thờ Liễu Nghị.

Đắp nề tích Thần Long chăn dê ở chùa Ông Sộp.

Lưỡng ngư chầu nhật ở trên nóc chùa Ông Sộp.

Chùa Dựa (chùa Nhữ Xá), nơi thờ Động Đình Quân nữ Thủy tinh Công chúa.

Ban thờ Mẫu Thoải ở chùa Dựa.

Đắp nề tiên tích ở chùa Dựa.

Trang sách Nam sử về Kinh Dương Vương (ảnh Thư viện Quốc gia).

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, Trưởng ban nghiên cứu lịch sử

 

Tags:

Bài viết khác

Gìn giữ di sản văn hóa qua nghệ thuật múa dân gian Việt Nam

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nghệ thuật múa dân gian chiếm một vị trí quan trọng, không chỉ là hình thức biểu đạt nghệ thuật mà còn là phương tiện chuyển tải những giá trị tinh thần, tín ngưỡng và bản sắc dân tộc. Từ miền Bắc đến miền Nam, mỗi vùng miền đều có những điệu múa đặc trưng, góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa dân tộc Việt.

Khám phá khu di tích lịch sử văn hóa ngàn năm tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Giữa miền đất Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) chan hòa nắng gió, khu di tích lịch sử – văn hóa Bàu Thành sừng sững như một nhân chứng lặng lẽ hàng nghìn năm lịch sử. Nơi đây, từng lớp dấu tích cổ xưa hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại, tạo thành điểm đến độc đáo vừa gợi trí tò mò vừa làm dậy lên lòng tự hào về một vùng biên viễn oai hùng.

Lễ hội chùa Keo và 6 nghi thức độc đáo: Di sản văn hóa tâm linh Việt Nam

Nằm yên bình bên dòng sông Hồng thơ mộng, chùa Keo – tên chữ là Thần Quang Tự – tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, có giá trị lịch sử và nghệ thuật bậc nhất ở Việt Nam.

Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng – Di sản văn hóa của người dân Nam Bộ

Nhắc đến Tây Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến món bánh canh Trảng Bàng trứ danh. Thế nhưng, mảnh đất nắng gió này còn ẩn chứa một di sản văn hóa lâu đời: làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng – nơi kết tinh tinh hoa ẩm thực và tâm hồn người dân Nam Bộ.

Người mở cõi – Vị khai quốc công thần đất Đồng Nai

Cách đây 327 năm, vào mùa xuân năm 1698, theo lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh dẫn binh thuyền xuôi dòng sông Sài Gòn rồi ngược dòng Đồng Nai, đặt chân đến vùng Cù Lao Phố. Với tầm nhìn chiến lược và phẩm chất của một nhà kiến thiết, ông đã nhanh chóng thiết lập dinh Trấn Biên, ổn định trật tự, khai sinh hệ thống hành chính cho vùng đất hoang hóa rộng lớn, mở đầu cho quá trình xác lập chủ quyền của Đàng Trong trên phần đất Nam Bộ ngày nay.

Lăng Văn Sơn: Nét chạm của di sản trong đô thị hiện đại

Giữa nhịp phát triển sôi động của vùng Tây Hà Nội, Lăng Văn Sơn – di tích lịch sử quốc gia tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng – vẫn là biểu tượng văn hóa, điểm tựa tâm linh và niềm tự hào của người dân địa phương. Nơi đây không chỉ gắn với vị tướng Văn Dĩ Thành – người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Minh vào đầu thế kỷ XV – mà còn lưu giữ những giá trị trường tồn của vùng đất Tổng Gối anh hùng.

Hình tượng Dê trong văn hóa thế giới và nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Hình tượng con dê là một biểu tượng phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, với ý nghĩa đa dạng từ tôn giáo, triết lý đến nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Tại Việt Nam, con dê không chỉ là động vật quen thuộc trong đời sống nông nghiệp mà còn giữ vị trí biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình và kiến trúc truyền thống.

Bảo tàng – Thư viện Bà Rịa - Vũng Tàu: Hành trình đưa di sản văn hoá đến gần hơn với du khách

Không chỉ lưu giữ ký ức, di sản văn hóa còn là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người dân và quê hương, giữa du khách và những câu chuyện lịch sử tưởng như đã lùi xa. Ở thành phố du lịch biển Vũng Tàu – hành trình ấy đang được tiếp nối sáng tạo và nhân văn qua nỗ lực không ngừng của Bảo tàng – Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Top