Người dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên nói chung và ở Đăk Lăk nói riêng có đời sống vật chất và tinh thần vô cùng đặc sắc. Trong đó, văn hóa nhà dài của người Ê đê đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của người dân Tây Nguyên.
Nếu như người Ba Na có những ngôi nhà rộng chọc trời thì người Ê đê tại Đăk Lăk lại được biết đến với những ngôi nhà dài. Đây là ngôi nhà sàn được làm bằng tre, nứa, mặt sàn được làm bằng gỗ và bao quanh nhà được làm bằng thân cây bương hoặc thân cây tre già đập dập. Phần mái được che phủ bằng những lớp cỏ tranh. Các cột chống đỡ được làm bằng gỗ tốt và được chạm trổ rất nhiều hoa văn như hình mặt trăng, ngôi sao, ngà voi để thể hiện tín ngưỡng sâu sắc.
Ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê là một nét độc đáo trong văn hóa vật thể
Những ngôi nhà dài này có thể dài đến 100m, là nơi cư trú của nhiều thế hệ, bởi theo truyền thống khi một thành viên nữ trong gia đình lấy chồng thì ngôi nhà lại được nối dài ra và sinh sống tại đó. Điều đặc biệt đó chính là số cửa sổ của ngôi nhà sẽ tương ứng với số người con gái sinh sống trong gia đình đó. Cửa sổ nào được đóng kín sẽ mang ý nghĩa là cô gái ấy chưa lấy chồng và ngược lại cửa sổ được mở có nghĩa là cô gái đó đã lấy chồng.
Bậc thang thường được thiết kế bậc lẻ vì người Ê đê tin rằng số lẻ là số của con người và số chẵn là số ma quỷ. Để vào được nhà, sẽ có hai loại cầu thang, cầu thang đực sẽ cho những thành viên nam trong gia đình đi còn cầu thang cái sẽ cho những thành viên nữ và khách đi.
Nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của những gia đình theo mẫu hệ mà còn là nơi để lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần, nơi gắn bó biết bao thế hệ dòng tộc của người Ê đê. Nhà dài là được xem là một công trình độc đáo, nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên, tranh thú dữ và thiên tai ập đến. Đồng thời, những ngôi nhà dài tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt văn hóa truyền thống trong gia đình.
Ngôi nhà dài theo chế độ mẫu hệ của người dân tộc Ê đê
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử và sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc với nhau đã ngày càng mất dần thể chế mẫu hệ, xu hướng tách khỏi gia đình lớn, vì thế mà số lượng nhà dài không còn được phát triển. Dù vậy, việc bảo tồn một số ngôi nhà dài tại một số buôn làng vẫn được phát huy tạo nên một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một di sản quý của Tây Nguyên.
Ban Nghiên cứu Văn hóa