banner 728x90

Nét đẹp trong trang phục truyền thồng của dân tộc Brâu

09/11/2024 Lượt xem: 2377

Cũng giống như các dân tộc Tây Nguyên, trang phục dân tộc Brâu có 2 màu đỏ và đen làm chủ đạo, không cầu kỳ, không sặc sỡ, mà đơn giản, hoà quyện với khung cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ vẫn toát lên vẻ thanh thoát với màu sắc tinh tế, nhẹ nhàng.

Trang phục của nam giới Brâu làm toát lên vẻ đẹp cơ thể vạm vỡ, khoẻ mạnh, hoang dã. Còn trang phục của nữ giới tôn lên vẻ đẹp mềm mại

Theo truyền thống, đàn ông Brâu khi xưa thường cởi trần đóng khố, đàn bà cũng chỉ quấn váy tấm. Thân váy được xử lý mỹ thuật ở phần đầu váy và chân váy với lối đáp các miếng vải khác màu có các sọc đen ngang đơn giản chạy ngang. Mùa lạnh, người Brâu mặc chiếc áo chui đầu, cộc tay, khoét cổ. Đây là loại áo ngắn thân thẳng, tổng thể áo có hình gần vuông. Thân áo phía mặt trước và sau được xử lý mỹ thuật cũng theo nguyên tắc như váy. Toàn bộ thân trước màu sáng có đường viền đậm trên vai và gấu áo. Lưng áo được xử lý màu sáng có sọc ngang đơn giản nửa phía dưới áo. Trước đây bà con dân tộc Brâu dệt áo bằng vỏ cây rừng. Người ta lấy vỏ cây, đập, vắt lấy nước, nấu với nước sôi để dệt thành áo. Nhưng bây giờ bà con không sử dụng thứ ấy nữa. Bây giờ bà con thực hiện nghề thủ công dệt vải, đan vải.

Điều đặc biệt trong trang phục của người Brâu chính là hoa văn. Họ quan niệm hoa văn trên trang phục của người đàn ông thường gân guốc thường có hình hàng rào, mũi tên, còn hoa văn trong trang phục của phụ nữ thường là hình hoa, thực vật… Trang phục người phụ nữ thường sử dụng các vật dụng làm đẹp như: mã não, hạt cườm, các hình mũi tên, tên lửa máy bay, các ký tự chữ cái, hay hình cột điện… đó là những cái so sánh giữa truyền thống và cái hiện đại trong hoa văn.

Trang phục của phụ nữ Brâu trong cuộc sống đời thường

Hiện nay, trang phục và trang sức của người Brâu đã có những thay đổi nhất định, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống. Trang phục của người Brâu không cầu kỳ, không sặc sỡ, mà đơn giản, hoà quyện với khung cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Trong trang phục truyền thống của cả nữ và nam, người Brâu sử dụng 2 tông màu đỏ và đen làm màu chủ đạo. Bên cạnh đó, còn có một số màu như vàng, xanh, trắng để làm họa tiết. Mỗi màu sắc đều có ý nghĩa riêng biệt. Nghệ nhân Y Dép, người Brâu ở làng Đăk Mế (Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết: “Màu đỏ là màu máu, là màu chiến thắng, màu vàng là màu trang sức của đồng, màu trắng là hoa, màu xanh là màu cây cỏ, màu đen làm nền”.

Đồng bào dân tộc Brâu làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) trong trang phục của mình trong một lễ hội được tái hiện tại “Ngôi nhà chung"

Đàn ông Brâu thường mặc áo ngắn thân thẳng, hình vuông. Trang phục nữ giới cầu kỳ hơn, có thêm hoa văn hoạ tiết được sáng tạo một cách tinh tế. Người Brâu quan niệm, hoa văn trên trang phục của người đàn ông phải gân guốc, mạnh mẽ như phẩm chất nam tính của đàn ông. Vì vậy, hoa văn thường có hình hàng rào, mũi tên. Người đàn ông mặc trang phục truyền thống vẫn toát lên vẻ đẹp cơ thể vạm vỡ, khoẻ mạnh hoang dã. Còn hoa văn trong trang phục của phụ nữ thường là hình hoa, thực vật, tôn lên vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển cho người phụ nữ khi mặc. Phụ nữ Brâu thường sử dụng các đồ trang sức đi kèm để làm đẹp như: mã não, khuyên tai làm bằng ngà voi, hạt cườm, lông chim, hay đồ kim loại mang dấu ấn cổ xưa...Phụ nữ Brâu tự làm đẹp cho mình bằng việc đeo rất nhiều vòng trang sức. Đồng bào quan niệm, càng đeo nhiều vòng thì càng được nhiều người đàn ông ngưỡng mộ. Một số người còn đeo những chiếc vòng như lục lạc ở cổ chân, mỗi bước đi lại phát ra tiếng nhạc vui tai.

Trang phục truyền thống của người Brâu có 2 màu đỏ và đen làm chủ đạo

Trong một thời gian khá dài, người Brâu bị mai một nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, người Brâu đã phục hồi lại nghề dệt thổ cẩm để tự làm ra trang phục truyền thống cho người dân bản mình. Sự hồi sinh của nghề dệt truyền thống đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Brâu.

Theo langvanhoavietnam.vn

 

Tags:

Bài viết khác

Nét đặc trưng trong dân ca dân tộc Mông

Đồng bào dân tộc Mông vốn có văn hóa rất đặc sắc. Trong đó, dân ca là một nét văn hóa đặc trưng không thể không nhắc tới. Những tiếng hát dân ca từ bao đời nay vẫn được cất lên mỗi dịp sum vầy hay chia xa, lúc vui hay lúc buồn, thay cho tiếng lòng vời vợi chất chứa bao nỗi niềm và cảm xúc của mỗi người.

Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm

Vào những ngày tiết trời chuẩn bị sang Đông, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kỹ trong nhà kho, đây cũng là lúc người Rơ Măm làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức Lễ Mở cửa kho lúa.

Ghe ngo trong đời sống của đồng bào Khmer

Trong đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ luôn gắn liền với văn hóa lễ hội; trong đó ghe ngo là sản phẩm văn hóa, tinh thần, có giá trị to lớn đối với đồng bào. Chiếc ghe ngo gắn liền với văn hóa Khmer Nam Bộ, đua ghe ngo cũng vì thế chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tâm linh.

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày ở Cao Bằng là một phong tục có từ lâu đời, gắn kết những người có sự đồng điệu về tâm hồn, tính cách, muốn chia sẻ buồn vui với nhau trong cuộc sống.

Trống, chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc

Trống, chiêng là bộ nhạc cụ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường ngày và văn hóa tín ngưỡng truyền đời của đa phần đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nhạc cụ này gắn liền với mọi nghi lễ truyền thống, được coi là linh hồn trong văn hóa tinh thần.

Cúng việc lề – Nét văn hóa đặc trưng của người Việt vùng Tây Nam Bộ

Cúng Việc lề là nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung.

Những tục lệ trong ma chay của người Việt

Ma chay là phong tục không thể thiếu được ở tất cả các nền văn hóa, quốc gia trên thế giới. Tuy là chung cùng một mục đích là để tưởng nhớ người đã khuất song mỗi nơi lại có cách thể hiện khác nhau. Theo văn hóa ma chay người Việt, khi một người mất tuỳ quan hệ huyết thống và tình nghĩa thân sơ, mà phân ra các mức thọ tang khác nhau để khắc ghi sự thương tiếc.

Lễ hội Cha Kchiah của người Giẻ Triêng

Đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một lễ hội truyền thống rất độc đáo là lễ hội Cha Kchiah (hay còn gọi là lễ hội ăn than). Tiếng dân tộc Giẻ Triêng, từ Cha là ăn, còn Kchiah là than, vừa là tên gọi của một loài cây mà người Giẻ Triêng dùng để đốt lấy than, phục vụ cho lò rèn truyền thống.
Top