banner 728x90

Linh vật trong văn hóa truyền thống Việt Nam

13/03/2025 Lượt xem: 2494

Linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật thuật tạo hình Việt Nam.

Cặp rồng đá khu di tích Thành Cổ Loa, Hà Nội.

Linh vật là những con vật trong huyền thoại hoặc có thật được linh thiêng hóa, bao gồm: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa…

Trong truyền thống văn hóa Việt, linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng… Bên cạnh đó, linh vật cũng góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Những loại linh vật này do người Việt Nam trực tiếp sáng tạo ra hoặc là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa bên ngoài. Trong quá trình đó, linh vật vừa mang những đặc điểm chung, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt vừa có những biển đổi, thể hiện phong cách nghệ thuật đặc trưng của mỗi thời kỳ.

Rồng, sư tử, nghê và phượng là những linh vật xuất hiện phổ biến.

Thời Lý-Trần, Phật giáo là quốc giáo. Bởi vậy, hình tượng rồng thời kỳ này cũng chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo.

Rồng thời Lý-Trần có tính biểu tượng cao và đặc điểm tạo hình đẹp, thống nhất (uốn lượn đều đặn, thắt túi nhỏ dần về đuôi; tùy từng môtíp trang trí lớn hay nhỏ mà con rồng có vẩy hoặc không). Thời kỳ này, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc (dùng để trang trí thành bậc, bệ thờ, ngói…); là điểm nhấn trang trí tạo nên vẻ đẹp của nhiều di tích như Hoàng thành Thăng Long, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chù Phổ Minh (Nam Định)…

Đến thời kỳ Lê sơ, Nho giáo phát triển mạnh. Tạo hình rồng có nhiều thay đổi, rời xa tạo hình thời Lý-Trần. Rồng trở thành biểu tượng cho uy quyền nhà vua. Ví dụ, những con rồng trên bia lăng các vua Lê (Thanh Hóa) có tạo hình đầu to, bờm tóc thô dày, mũi lớn, nhiều sợi ria, sừng vặn xoắn ốc rồi chẻ chạc, chân gân guốc xòe rộng các ngón…

Bảo vật quốc gia Thành bậc thời Lê trung hưng

Tới thời Mạc, Lê Trung Hưng, hình tượng rộng tiếp tục có nhiều biến đổi: đầu cân đối, đường cong trán lớn, hàm mở rộng vừa phải có răng nanh phô diễn uy quyền, bờm được chạm khắc uyển chuyển như đang chuyển động…

Trong các kiến trúc làng xã, đặc biệt là ở xứ Đoài, tạo hình rồng mang nhiều yếu tố dân gian: cặp mắt to tròn, tai xòe rộng, hàm mở rộng…

Hình tượng sư tử trong các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, tượng thờ truyền thống được du nhập vào Việt Nam qua con đường Phật giáo. Sư tử thường được coi là linh vật bảo hộ cho các đền, chùa.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam), thời gian qua, có nhiều người nhầm lẫn trong việc sử dụng hình tượng linh vật này (không phân biệt được sự khác nhau giữa sư tử đá của Việt Nam và sư tử đá của Trung Quốc.

Đôi sư tử đá chùa – đền Bà Tấm, Gia Lâm (Hà Nội).

Ở Việt Nam, sư tử đá là những con sư tử dạng cách điệu, được chạm khắc công phu, trau chuốt với những đường nét mềm mại, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân; biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi, bao dung.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, sư tử đá là linh vật để canh mộ có hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa. Khi du nhập vào Việt Nam theo kiểu sao y bản chính, những con sư tử đá này ngang nhiên “chễm chệ” ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân với ý nghĩa giúp phát tài phát lộc.

Hiện nay, giới nghiên cứu vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về hình tượng linh vật này: có ý kiến cho rằng, đó là một con vật thần thoại (vốn là con của rồng) nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đó là con chó được thiêng hóa để phụng sự các vị thần.

Tạo hình nghê ở Việt Nam có nhiều dạng khác nhau: khi thì uy nghi, lúc lại đùa giỡn thân thiện. Hình tượng nghê phát triển mạnh vào thời kỳ Lê Trung Hưng, được sử dụng để trang trí các công trình kiến trúc, phù điêu, đồ gốm sứ, đứng chầu bên hương án, cửa khám…

Đôi nghê đá (thế kỷ 17)

Với tạo hình gần gũi, ngoài chức năng là một chỉ hiệu về cõi thiêng, nghê còn mang trong mình ý nghĩa biểu tượng về cầu mong mưa thuận gió hòa, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.

Thời Lý-Trần, hình tượng phượng được sử dụng nhiều trong các mảng chạm khắc tại các công trình kiến trúc hay những tác phẩm điêu khắc trang trí, biểu trưng cho yếu tố nữ.

Ở thời kỳ này, phượng có lối tạo hình chung: nhìn nghiêng, hai con đăng đối ứng trong lá đề, phía dưới là một hình mây xoắn, lông đuôi dài bay uốn lượn lên phía trên. Phía trong cốt đuôi được thể hiện thành những chấm tròn chạm thành dải dài lượn sóng và chạy dài nhỏ dần về cuối. Hai cánh phượng dang rộng. Cổ phượng ngắn, mắt tròn, đầu nhỏ, bờm gáy cũng đang bay vút lên phía trên.

Bức điêu khắc gỗ hình phượng tại chùa Thái Lạc, Hưng Yên.

Từ thời Lê về sau, tạo hình phượng có nhiều thay đổi theo lối dân gian gần gũi, hình khối tự nhiên; được dùng để trang trí trên những cấu kiện gỗ ở các công trình kiến trúc, đồ thờ.

Ban Nghiên cứu VHTN

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ đổi gác ở Đại Nội Huế

Đại Nội Huế, kinh thành xưa của triều Nguyễn, không chỉ là một quần thể kiến trúc đồ sộ mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Một trong những nghi thức cung đình độc đáo được tái hiện tại đây là lễ đổi gác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Chùa Đất Sét (Sóc Trăng): Ngôi chùa có công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam

Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn tự nằm ở khóm 1, phường 5, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và nhiều thứ khác đều làm bằng đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

Huyệt đạo linh thiêng trên dãy Ngàn Nưa (Thanh Hoá)

Không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, núi Nưa ở tỉnh Thanh Hóa còn được xem là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Đền Bà Đế - Tìm về chốn linh thiêng và huyền bí

Hải Phòng là vùng đất gắn với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và linh thiêng. Trong đó, không thể không nhắc đến Đền Bà Đế - địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách cả nước đến tham quan và chiêm bái hàng năm.

Ngôi đình cổ gần 300 năm tuổi ở Bắc Ninh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt

Nằm ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đình Đình Bảng là một trong những ngôi đình cổ có công trình kiến trúc đẹp nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Đức Bà (thành phố Hồ Chí Minh)

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một trong những biểu tượng kiến trúc và văn hóa nổi bật của TP. Hồ Chí Minh. Với lịch sử lâu đời, nhà thờ mang đậm dấu ấn của phong cách Roman kết hợp Gothic, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Nhà cổ dân gian tại Bà Rịa, Vũng Tàu

Trên vùng đất Bà Rịa -Vũng Tàu ngày nay, vẫn còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ xưa . Mỗi một ngôi nhà không chỉ là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước mà còn ẩn chứa sâu sắc những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể .

Kiến trúc các ngôi Chùa xưa và nay

Vùng đất Sài Gòn được kể như đã hình thành từ năm 1698, sau khi Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào tổ chức việc quản lý hành chính vì lúc này dân vào định cư cũng đã khá đông. Ngoài lớp người Việt này còn có một số người Hoa gồm cả những quan quân nhà Minh không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh cũng tới xin định cư.
Top