banner 728x90

Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ

22/09/2024 Lượt xem: 2703

Múa hầu bóng là loại múa tôn giáo, múa thiêng, nó kết hợp với âm nhạc, lời hát và các yếu tố nghi lễ tôn giáo khác, thể hiện sự tái sinh của thần thánh trong các thân xác của ông đồng, bà đồng. Múa cũng góp phần tạo nên những trạng thái tự thôi miên (ngây ngất) khi Thánh nhập, cũng như tác động tới những người ngồi dự xung quanh, tạo nên trạng thái say mê, ngây ngất, thậm chí nhập đồng (ốp đồng).

Trừ giá hầu Thánh Mẫu không mở khăn là không múa còn lại các giá hầu khác ít nhiều đều có múa. Gọi là múa đồng, tức múa trong hầu đồng (hầu bóng), nhưng nó lại bao gồm nhiều điệu múa, nhiều động tác múa rất khác nhau. Người ta có thể gọi các điệu múa đó theo tên gọi các vật dùng để múa (nghe múa gọi là đạo cụ), như múa mồi, múa kiếm, múa hèo, múa cờ… Hay cũng có thể gọi các điệu múa đồng theo các giá hầu, như múa giá Quan đệ nhất, múa giá Ông Hoàng Mười, múa giá Cô Bé, múa giá Cô Bơ Thoải… bởi vì mọi giá tương ứng với các vị Thánh như vậy đã có những điệu múa đặc trưng kèm theo.

Nghệ thuật hầu đồng và hát chầu văn mang đậm nét nghệ thuật diễn xướng truyền thống và tính chất tâm linh. (Ảnh: Vietnam+)

Múa trong hầu bóng thường là múa đơn (nam hay nữ). Trong hầu đồng ở các ngôi đền, điện ở Huế thì có hai hình thức hầu, hầu lễ và hầu vui (hay hầu hội đồng). Trong hầu lễ thì chỉ có xác đồng nam hay nữ vừa múa, giống như hầu bóng tại các ngôi đền ở các nơi khác trong nước. Nhưng khi hầu vui thì nhiều xác đồng cùng hầu và cùng nhảy múa, tuy nhiên giữa họ, hầu như không có sự phối hợp nào khi nhảy múa cả.

Theo quan niệm của những tín đồ thờ Mẫu Tứ phủ thì trong hầu bóng, sau khi một vị Thánh nào đó nhập đồng, thì toàn bộ các hoạt động như dâng hương, nghi lễ, múa, phát lộc, phán truyền… đều là Thánh “làm việc quan”. Bởi thế động tác múa chẳng qua chỉ là ước lệ hóa vị trí, tính cách, vai trò hoạt động của các vị Thánh mà thôi. Từ đó, thông qua giới tính của các Thánh, thứ bậc vai trò (văn hay võ) mà ta có thể đoán được sắc thái và tính chất các điệu múa tương ứng.

Múa của các vị Thánh hàng quan lớn đều là múa võ, múa có kèm theo vũ khí nhất kiếm, long đao, kích, cờ hiệu, động tác múa nhanh, mạnh, dứt khoát. Những động tác múa này cùng với y phục, nét mặt của các xác đồng tạo nên trạng thái uy nghi, linh thiêng, có pha chút sợ hãi với những người ngồi xem xung quanh.

Các vị Thánh hàng Chầu (Chúa) đều là các vị Thánh nữ, trong đó phần lớn có nguồn gốc là các dân tộc thiểu số, bởi thế trang phục, đạo cụ, âm nhạc mang sắc thái dân tộc rất rõ. Đó là các điệu múa quạt, múa mồi, múa tay không với các thế tay khác nhau. Quạt múa là quạt lông các màu trắng, đỏ, xanh, vàng phù hợp với màu sắc từng phủ mà các vị Thánh tùy thuộc. Múa mồi gồm đơn hay kép là điệu múa điển hình của các vị Thánh hàng Chầu.

Giá các ông Hoàng thường có các điệu múa hèo, múa bắn cung, múa khăn hay múa tay không. Hèo là cây gậy gần nhạc ngựa, một con vật biểu thị phong thái thong dong, phong nhã của các Ông Hoàng. Chân nhảy theo từng bước nhỏ, hai cây hèo vác vai hay gõ hai đầu vào nhau làm rung lên tiếng nhạc theo từng bước vó ngựa. Các Ông Hoàng cũng ưa dùng cung quỳ bắn mà mũi tên thường là những cây hương thờ.

Giá các Cô thường có những điệu múa đẹp, đạo cụ cũng phong phú hơn, như quạt, múa lang hoa, múa thêu thùa, múa chèo đò… Cùng với nét nhạc du dương, động tác múa mềm mại, uyển chuyển, trang phục đẹp đã tạo cho cho những điệu múa các giá Cô những ấn tượng vừa linh thiêng vừa rất đời thường. Các điệu múa giá Cậu với cây hèo, đầu lân tạo nét vui vẻ, nghịch ngợm, ngộ nghĩnh. Còn diễn xướng các gia Ngũ Hổ, Ông Lốt phần lớn là mô phỏng động tác Hổ vồ mồi, hay Rắn lăn, trườn, tạo thành hàng loạt động tác múa rõ rệt.

Nói chung các động tác múa trong hầu đồng thường là đơn giản mang tính mô phỏng, dễ liên tưởng và thường lặp đi lặp lại nhiều lần. Trước nhất là các động tác múa tay như guộn, lượn (dùng quạt, khăn, mồi), xoay (kiếm, lao, kích), tay ở các tư thế cao, thấp, trung… các động tác của chân, như bước đi xiến (hai bàn chân đuổi nhau), các bước nhảy nhỏ, chân trụ thẳng tại chỗ…; các động tác toàn thân, như nhún, rung người, vươn thẳng… Các tuyến múa theo hướng lên xuống, tuyến ngang như đi ngang, đi nửa vòng cung…

Rõ ràng là múa trong hầu đồng đã tiếp thu và phát triển nhiều động tác cổ truyền, như múa quạt, múa kiếm, múa đèn, múa mồi, múa chèo đò…, tuy nhiên đưa vào khung cảnh tín ngưỡng, lời hát văn và âm nhạc có tiết tấu luôn thay đổi, cũng như trạng thái ngẫu hứng của các con đồng, đã tạo cho múa hầu bóng mang những sắc thái riêng, mà người ta quen gọi là múa đồng hay múa hầu đồng.

Múa và âm nhạc trong hầu bóng không đơn thuần chỉ là những động tác và âm thanh hòa hợp với nhau một cách hài hòa và nhịp nhàng, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, mà vượt lên trên những cái đó, nó tạo nên sự phấn khích đẩy con người tới chỗ hợp nhất với thần linh, mặt khác thần linh cũng thông qua diễn xướng của các con đồng mà tái sinh, sống động lại trong mỗi con người. Đó chính là thời điểm tạo nên sự hợp thể và hòa đồng, một ngưỡng vọng vươn tới của con người.

Còn hơn cả một hình thức diễn xướng tổng hợp, hầu bóng đã hội đủ những đặc tính của một loại hình sân khấu dân gian mang tính tâm linh hay là sân khấu tâm linh.

Trước nhất, loại sân khấu này có người trình diễn và những người thưởng thức trình diễn, tức là có diễn viên (con đồng) và có khán giả (con nhang đệ tử và các tín đồ). Người trình diễn và người thưởng thức đều hướng vào một chủ đề chung là sự tái hiện sự tích và các hoạt động của thần linh, nhằm mang lại sự trợ giúp cho đời sống thực thường nhật của con người. Bởi vậy, sự tích và sự xuất hiện của các thần linh trở thành nội dung của sân khấu trình diễn. Tất nhiên, đời sống của thần linh không được tái tạo dưới hình thức các cốt truyện có kịch tính mà chủ yếu là các hình ảnh, những sự tích. Đặc biệt là Thần Thánh giáng đồng thì giữa thần linh và người đời có sự giao cảm và hòa đồng, có cầu xin (xin lộc, xin những lời phán truyền), có tán thưởng, có đồng cảm, tuy có mang sắc thái tâm linh nhưng thực chất không khác gì giữa người biểu diễn và người thưởng thức của sân khấu chèo, tuồng truyền thống…

Loại hình sân khấu này đã khai thác những phương thức khác nhau của ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, như âm nhạc, hát, múa, diễn kỹ, mỹ thuật tạo hình… với mục tiêu là tái hiện hình ảnh của các thần linh. Để đạt được hiệu quả nghệ thuật và tâm linh của hình thức sân khấu tổng hợp này thì yếu tố quyết định là tài nghệ của những cung văn trong tấu nhạc và hát, cũng như tài diễn xuất và hóa thân của con đồng. Nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ đã so sánh loại sân khấu tâm linh này với các hình thức diễn xướng và sân khấu dân gian khác của người Việt. Theo ông, việc Hầu bóng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đã đánh dấu một bước phát triển so với hát bỏ bộ, ca trù, hát xẩm cũng như một số phương tiện đã gần với chèo. Điểm khác là hầu bóng còn dừng ở minh họa hình ảnh của thần linh, còn chèo đã đi vào khắc họa tính cách nhân vật.

Cũng giống như nhiều loại sân khấu khác, sân khấu hầu bóng cũng lấy phương pháp ước lệ biểu trưng làm nguyên tắc kịch thuật, lấy cách điệu hóa cao là ngôn ngữ nhằm tái tạo lại những bóng thánh, những siêu nhiên. Về không gian diễn ra các trình diễn mang tính linh thiêng có nét đặc thù so với các loại hình sân khấu khác. Trước nhất đó là bàn thờ Thánh Mẫu và điện thần Tứ phủ mang tính tượng trưng cho vũ trụ, với các đồ bày biện bên tả tượng trưng cho bên dương và bên hữu tượng trưng cho bên âm. Nơi các ông đồng, bà đồng hầu thì thường rất hẹp, rộng nhất cũng không quá một chiếc chiếu, thế mà mọi nghi lễ động tác đều diễn ra trên đó, do vậy, các động tác hầu bóng thường phải mang tính ước lệ và cách điệu. Với lại, loại hình sân khấu tâm linh này, từ người trình diễn đến người ngồi chiêm ngưỡng đều có ước nguyện chung là truy tìm những ảo giác thần thánh, diễn xướng càng phi thực, càng biểu trưng và cách điệu thì càng dễ đạt tới hiệu quả tâm lý hòa đồng giữa thế giới con người và thần linh. Đỉnh cao cả trạng thái đó là hiện tượng “ốp đồng” , tức là người ngồi dự bị kích thích thôi miên, rúng lên cùng nhảy múa hay lăn ra đất mê man bất tỉnh.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top