Bao nhiêu năm nay, kể từ ngày cậu Tư hy sinh, tất niên năm nào của gia đình tôi cũng rơi vào ngày 29 Tết, từ thuở ông bà ngoại còn sống cho đến giờ mẹ tiếp nối. Bởi đó là ngày giỗ của cậu Tư, như mẹ nói thì “lấy tất niên làm giỗ”. Với riêng mẹ, tất niên năm nay trở nên thiêng liêng hơn, ý nghĩa hơn, bởi sau mấy mươi năm nằm lại ở tận nước bạn Lào xa xôi, nay cậu đã được về với vùng đất mẹ, về với quê hương thân yêu, với gia đình ấm cúng của mình.
Làm mâm cơm, cúng kiếng xong, mẹ bảo chúng tôi mở máy tính để xem lại những hình ảnh, thước phim được các cậu quay và sao chép cho mỗi người một đĩa về cái ngày làm lễ truy điệu và an táng cậu ở nghĩa trang của dòng họ ở quê. Xem mà nước mắt mẹ cứ thế trào ra. Giọt nước mắt như giải tỏa bao ẩn ức, nỗi niềm. Gần 70 chục tuổi, ngoại mất sớm, thế nên mẹ - người chị cả mà cũng tựa như người mẹ của 5 đứa em trai. Ở tuối ấy, những nỗi lo toan gia đình và những đứa em đã vợi đi nhiều, chỉ có niềm mong mỏi tìm được mộ cậu Tư chẳng thể nguôi ngoai. Những năm đầu 70, cùng với nhiều người lính tình nguyện Việt Nam khác, cậu hăng hái lên đường tham gia chiến đấu tại Lào. Chỉ có điều, không ai trong gia đình nghĩ rằng sẽ phải xa cậu mãi mãi, bởi chỉ 2 năm sau khi sang chiến trường nước bạn, cậu đã hy sinh khi mới 18 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ. Đó là một nỗi mất mát lớn cho cả nhà. Nỗi mất mát ấy cứ dằn vặt mọi người hơn khi cậu không được an nghỉ tại quê hương mình. Cho đến khi qua đời, ông bà ngoại vẫn chưa trọn tâm nguyện tìm được mộ cậu. Trước khi mất, điều mong mỏi nhất của ngoại khi nói với mẹ và các cậu là cố gắng tìm thấy cậu Tư, đưa cậu trở về. Trong ba mươi mấy năm đằng đẵng ấy, mẹ và các cậu không ngừng việc tìm kiếm mộ cậu Tư bằng mọi cách nhưng đều vô vọng.
Giờ thì mẹ đã an lòng với niềm mong mỏi khi còn sống của ngoại là tìm được mộ cậu, đưa về an nghỉ tại quê hương. Mỗi hình ảnh, thước phim như chầm chậm tái hiện một ngày tháng 5. Một buổi tối, mẹ mừng đến rơi nước mắt khi cậu Ba báo tin đã tìm thấy mộ cậu Tư và nói ngày giờ cả 4 chị em lên đường ra Quảng Trị đưa cậu về quê hương sau bao năm xa cách. “Thế là tìm thấy em tôi rồi” - Khi đó mẹ đã thốt lên như thế.
Đợt ấy, nước bạn Lào đã tìm kiếm, phát hiện và quy tập mấy mươi bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào, sau đó bàn giao cho tỉnh Quảng Trị để tổ chức lễ truy điệu, an táng long trọng. Thật may mắn, một người đồng đội cũ của cậu cũng dự lễ truy điệu hôm ấy. Sau khi xác minh, ông đã cho người đến tận quê báo tin rồi hướng dẫn các thủ tục để mấy chị em chia nhau liên hệ, xác minh. Nhờ vậy, chuyến đi của mẹ và các cậu không gặp chút trở ngại nào. Bởi cậu là liệt sĩ duy nhất trong số 26 hài cốt đã xác định được danh tính và quê quán, thủ tục đầy đủ và được địa phương bàn giao hài cốt cho người thân đưa về quê an táng ngay trong hôm ấy.
Khi cả nhà quây quần bên bàn ăn, mẹ mới nói với chúng tôi rằng, trước đó mẹ đã nằm mơ tìm thấy mộ cậu Tư. Đó như một điềm báo thì phải, nhưng mẹ không dám nói trước.
Tôi chẳng biết có thực mẹ đã nằm mơ như thế hay đó chỉ là ý nghĩ luôn thường trực trong tâm tưởng mẹ bao nhiêu năm đằng đẵng. Nhưng chuyện đó cũng chẳng còn quan trọng nữa, bởi niềm mong ước cuối đời của mẹ và các cậu đã được vẹn toàn. Để Tết này sẽ là cái Tết đoàn viên nhất, viên mãn nhất trong đời mẹ và các cậu. Và rồi đều đặn mỗi năm, mẹ sẽ lại lấy bữa tất niên 29 Tết làm giỗ như một cách để con cháu nhớ mãi ngày thiêng liêng ấy - Cái ngày một người thân trong gia đình đã ngã xuống vì một lý tưởng cao cả.
Phúc Nguyên