banner 728x90

Độc đáo ngôi miếu Nổi 300 tuổi giữa sông Sài Gòn

23/09/2024 Lượt xem: 2632

Miếu Nổi (Phù Châu miếu) nằm giữa một nhánh của sông Sài Gòn

Miếu Phù Châu hay còn gọi là miếu Nổi (thuộc phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM) được xây dựng trên một cù lao giữa dòng sông Vàm Thuật – một nhánh của sông Sài Gòn.

Ngoài địa thế giữa bốn bề sóng nước và những nét kiến trúc độc đáo, ngôi miếu cổ bậc nhất đất Gia Định xưa này còn gắn liền với những câu chuyện ly kỳ.

Miếu Phù Châu nằm trên cù lao có diện tích khoảng 2.000m2, giữa dòng sông Vàm Thuật, một bên là quận Gò Vấp, bên kia quận 12. Ngôi miếu ước chừng có tuổi đời trên dưới 300 năm, tuy nhiên được xây dựng vào thời điểm nào thì không ai biết rõ. Liên quan đến nguồn gốc hình thành miếu cổ, có 2 câu chuyện lưu truyền trong dân gian.

Câu chuyện thứ nhất, vào khoảng thế kỷ 18, một người đàn ông đánh lưới trên đoạn sông này đã chài phải một xác chết phụ nữ. Lúc bấy giờ tại vị trí ngôi miếu nổi vốn dĩ là một cù lao hình bàn chân, cây cối um tùm. Thuyền chài đem người phụ nữ lên chôn ở cù lao rồi lập một miếu nhỏ để thờ oan hồn. Ban đầu là một miếu nhỏ bằng tre lá, do các nhà buôn đường sông cùng người dân trong vùng dựng thành, thờ Ngũ Hành, Long Mẫu để cầu mong được thuận buồm xuôi gió.

Từ cổng vào đến các công trình của miếu được đắp nhiều tượng rồng

Lưu truyền khác kể rằng, cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên dòng sông Bến Cát (thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định) đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề. Từ đó, dân chúng trong vùng lập ngôi miếu thờ Bà trên cù lao bỏ hoang để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an.

Tuy nhiên, theo một cao niên xứ này vốn là thành viên Ban quản lý ngôi miếu khẳng định, ở cù lao miếu không chôn xác ai cả. Và theo các bậc tiền nhân kể lại, ngôi miếu được dựng từ thời vua Gia Long, nghĩa là trong khoảng cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19.

Giai đoạn lúc bấy giờ, tàu thuyền trên sông Sài Gòn nói chung và sông Vàm Thuật nói riêng diễn ra tấp nập. Những nhà buôn người Hoa khi đi qua khúc sông, thường ghé nghỉ đêm trên cù lao bỏ hoang này. Trong những giấc ngủ, nhiều người đã có những giấc mộng lạ. Sau nhiều lần như thế, các nhà buôn đường thủy đã cùng với các bô lão sống trong vùng lập nên một cái miếu, để cầu thượng lộ bình an.

Mái miếu màu xanh ngọc giữa bốn bề cổ thụ rợp bóng

Ban đầu, ngôi miếu được dựng tạm để có nơi hương khói, dần về sau những nhà buôn ghé lại sửa sang, xây dựng thành ngôi miếu kiên cố, hoàn chỉnh. Do nằm trên cồn đất giữa sông, ẩn hiện theo con nước nên người dân gọi tên là miếu Nổi. Trước năm 1975, miếu Nổi nằm ngoại thành thành phố, là một điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn.

Trong sách “Gia Định xưa và nay” xuất bản trước 1975, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh miêu tả về vẻ đẹp của miếu nổi: “Phía bên kia cồn và miếu nổi này là xã An Phú Đông. Cảnh trí của cuộc đất nhô lên giữa dòng sông rất nên thơ mộng. Chung quanh có cây cao bóng mát. Khách thừa lương mến cảnh tịch liêu, trong những ngày rảnh rỗi thường đến đây du ngoạn. Vì chốn này vắng vẻ, xa thành thị, riêng biệt một khu vực trời nước bao la. Phải là nơi lý tưởng cho những tâm hồn trầm lặng”.

Tác giả Huỳnh Minh cho rằng, ngay cái tên “miếu Nổi” và gốc gác bí ẩn đã làm nên sự quái đản của cổ miếu này. Cách thờ Tề Thiên Đại Thánh và Ngũ Hành ở miếu cũng có nhiều câu chuyện thêu dệt, hư thực. Tuy nhiên, điều khiến người ta ấn tượng hơn cả chính là cảnh trí thiên nhiên khả ái nơi này. Tạo vật đã khéo léo đắp nên cồn đất nổi giữa lòng sông, vừa thơ mộng mà lại vừa mong manh trong sự biến thiên không ngừng của đất trời.

“Tương truyền cách nay mười mấy năm về trước, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu thường có cặp cá bông lớn nổi lờ đờ trên mặt nước, mọi người cho đó là cặp cá thần của bà cậu, đồng bào quanh vùng không ai dám đá động, mỗi lần cá nổi lên thì trong làng có chuyện lục đục không an, hoặc có người chết đuối dưới sông”, trích sách “Gia Định xưa và nay”.

Sau năm 1975, miếu bị bỏ hoang, hư hỏng nặng. Năm 1992, có người dân đứng ra vận động sửa sang, khôi phục lại các hoạt động. Ông Lục Câu, Trưởng Ban quản lý miếu Nổi đã tự tay phác thảo và đảm nhiệm công việc trùng tu để miếu có diện mạo khang trang, vững chãi như hiện nay. Cũng trong giai đoạn tu sửa, cái tên miếu Phù Châu ra đời, được sử dụng cùng với cái tên miếu Nổi.

 

Chính điện miếu thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bà Chúa Xứ, mẹ Cửu Thiên

Miếu Phù Châu có kiến trúc đặc sắc mang đậm nét văn hóa Việt – Hoa, gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi hai sân. Mái được lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, bên trên nhìn xuống, bên ngoài nhìn vào tràn ngập hình rồng.

Trên nóc các tòa miếu và cổng chính là tượng rồng chầu theo thế lưỡng long tranh châu, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư… Sảnh miếu cũng có hai con rồng lớn được đắp sứ, theo thế “lưỡng long hí thuỷ”.

Trong miếu rất nhiều phù điêu hình rồng, theo như ước tính, có đến trên dưới 100 con rồng lớn, nhỏ, được ốp bằng các loại mảnh sứ nhiều màu sắc bắt mắt. Ngoài ra, hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng và các họa tiết hoa cúc dây, lá nho, sông nước... cũng được thiết kế tỉ mỉ, trang trí tinh xảo, sống động trên nhiều kết cấu của miếu Nổi.

Tiền điện được bố trí thờ Phật Di Lặc

Về tín ngưỡng, điện được bố trí thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Ở trung điện, chính giữa thờ Tề Thiên Đại Thánh. Sau cùng là chính điện, chính giữa thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong đặt năm tượng gỗ thờ Kim, Thuỷ, Hỏa, Thổ, Mộc. Trước điện kê bàn hương án, thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Bên phải chính điện thờ Quan Công, bên trái thờ Bao Công.

Đối diện điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ pháp. Được biết, thời gian đầu, Miếu chỉ thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh, theo văn hóa Trung Hoa đây là những vị anh minh, giúp đỡ mọi người. Về sau, miếu thờ thêm Phật Di Lặc, Quan Âm, Thập Bát La Hán và những vị thần dân gian Việt Nam như Bà chúa xứ Châu Đốc, Cửu Huyền Thất Tổ...

Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, miếu Phù Châu còn gắn liền với những câu chuyện ly kỳ nhuốm màu huyền hoặc. Các cao niên trong vùng kể lại, những năm trước 1975, nhắc đến miếu Nổi là người ta nhớ đến chuyện một thương gia cầu cơ bị… “quỷ nhập”.

Miếu Nổi là địa chỉ tâm linh để cầu tình duyên, tài lộc nổi tiếng ở Sài Gòn

Chuyện rằng cách nay gần trăm năm, thời mà đôi bờ sông Vàm Thuật mồ mả la liệt, miếu Nổi giữa sông nổi tiếng là nơi linh thiêng. Bấy giờ, rất nhiều tay chơi cờ bạc và cả giới nhà buôn rủ nhau đến đây cầu cơ nhờ người âm chỉ dẫn. Các nghi thức thường diễn ra vào ban đêm, với nhang đèn và các món đồ cúng. Kẻ cầu cơ thường thắp nhang rồi khấn vái để cầu xin âm hồn vạch đường chỉ lối, tìm kiếm vận may trong cờ bạc, làm ăn buôn bán.

Có một thương gia nọ, sau một lần cầu cơ đã có được thành công nên tiếp tục quay lại đặt bàn cầu cơ với hy vọng vận may sẽ đến với mình lần nữa. Nhưng lần đó, nhà buôn chẳng những cầu cơ bất thành mà còn bị “quỷ ám” đến hóa điên, tán gia bại sản.

Tuy nhiên, theo một thành viên Ban quản lý miếu Nổi khẳng định, không có chuyện người thương nhân nào đó bị hóa điên do cầu cơ tại miếu Nổi. Câu chuyện kỳ quái đó, có thể bắt nguồn từ việc ông Phan Thành Lợi, người đã từng trông coi miếu Nổi, cuối đời bị bệnh tâm thần.

Từ thời miếu Nổi còn là ngôi miếu bỏ hoang, ông Phan Thành Lợi, cháu cụ Phan Thanh Giản (quan đại thần triều Nguyễn) đã từng có thời gian ở tại đây. Ông Phan Thành Lợi ở ẩn ở miếu, sống qua ngày nhờ đồ cúng của người dân, sau một thời gian sau thì đầu óc nửa tỉnh nửa mê rồi đi đâu không rõ.

Từ đó có nhiều đồn đại ly kỳ rùng rợn về những oan hồn chết đuối không được siêu sinh, vất vưởng ở miếu Nổi, trêu ám người ta đến khùng điên. Những câu chuyện ma mị ấy đã khiến nhiều người hoang mang, dẫn đến chuyện có quãng thời gian ngôi miếu thưa người lui tới vì sợ.

Sau khi được trùng tu và hương khói, miếu Nổi lại thu hút người dân đến tham quan, đi lễ. Ngày nay, người ta tin rằng ngôi miếu gắn với những huyền tích trăm năm này là nơi linh thiêng, cho những ước nguyện thành hiện thực. Thế nên dù nằm chơ vơ giữa sông nước và muốn đến miếu phải đi đò, dòng người đến cổ miếu vẫn nườm nượp, đặc biệt là những ngày Tết, lễ trong năm.

Ngoài người dân đến dâng lễ cầu tài lộc, cầu bình an, sức khỏe, công việc, tình duyên... thì cũng rất nhiều du khách đến đây chỉ để trốn nhịp sống quay cuống phố thị, tìm cảm giác bình yên trên sông nước, lánh mình trong không gian tĩnh lặng nơi miếu cổ. Năm 2010, Phù Châu miếu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

Theo baophapluat.vn

 

Tags:

Bài viết khác

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập (Tp.Hồ Chí Minh)

Di tích Dinh Độc Lập tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích là 12ha, bốn mặt là 4 trục đường bao quanh - phía Đông Bắc giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa; phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du.

Di tích bến Vàm Lũng - đường Hồ Chí Minh trên biển

Bến tiếp nhận vũ khí Vàm Lũng (thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nằm theo rạch Chùm Gộng hướng về trung tâm huyện Ngọc Hiển, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3996/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2010.

Thờ Tứ Bất Tử, tín ngưỡng độc đáo của người Việt

Trước khi các tôn giáo lớn định hình trên mảnh đất hình chữ S, người Việt đã phát triển tín ngưỡng của riêng mình. Ngoài thờ gia tiên, tổ nghề, các anh hùng chống ngoại xâm…, tục thờ bốn vị Thánh bất tử là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà Chúa Liễu có nhiều nét vô cùng độc đáo.

Hình tượng ‘Lưỡng long chầu nguyệt’ trong văn hóa Việt

Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Ngôi chùa Phật giáo Bắc tông ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa cổ sở hữu một kiến trúc Phật giáo Bắc tông nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh an yên giữa lòng Sài Gòn tấp nập.

Linh vật trong văn hóa truyền thống Việt Nam

Linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật thuật tạo hình Việt Nam.

Chantarangsay: ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Chantarangsay hay còn có tên gọi khác là chùa Candaransi, tọa lạc tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Gò tháp An Lợi: Dấu ấn kiến trúc cổ

Ẩn mình trong khung cảnh yên bình của ấp An Lợi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), Gò tháp An Lợi là một trong những di tích đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo, từng rực rỡ trong lịch sử Đông Nam Á.
Top