banner 728x90

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi

30/12/2024 Lượt xem: 2852

Trong buổi đầu khẩn hoang, lập nghiệp tại phương Nam, những cư dân của đất Đồng Nai vẫn không quên tạo lập nên những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh. Mỗi thôn, ấp đều có một ngôi đình, tọa lạc ở khu trung tâm, ở đầu làng - một dấu ấn xác định sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt từ hơn ba trăm năm trước.

Kể từ thế kỷ thứ XVII hoặc có thể sớm hơn, đất Đồng Nai đã xuất hiện những nhóm di dân Việt từ xứ Ngũ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Đức) cũng như số ít người Hoa đến khai khẩn. Trong buổi đầu lập nghiệp, cùng với lao động để xây dựng cuộc sống, họ không quên tạo lập nên những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh.

Đình làng: Thiêng liêng và gần gũi

Đình làng là một dấu ấn xác định sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt. Dù địa lý hành chính thay đổi, công cuộc mở mang và cả chiến tranh làm xô lệch thì ngôi đình vẫn tồn tại. Thông thường, mỗi thôn, ấp đều có một ngôi đình, tọa lạc ở khu trung tâm, ở đầu làng. Đó là những nơi theo quan niệm phong thủy xưa, có long mạch quý, phong cảnh minh quang, tỏa xuất ra các hướng.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã trải qua 326 năm hình thành và phát triển (1698-2024).

Theo tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đất Đồng Nai, điều đặc biệt ở các di tích đình ở Đồng Nai bắt nguồn từ các miếu (miễu), đền. Ví dụ: miếu Mỹ Khánh thành đình và sau đó là đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền Lễ Công thành đình Bình Kính.... Trên vùng Biên Hòa - Đồng Nai có hàng trăm ngôi đình, hầu hết là thờ Thành Hoàng bổn cảnh. Có những ngôi đình có sắc phong hoặc không, nhưng trong tâm linh của cộng đồng người Việt, đình là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Tại đất Đồng Nai từ xưa đến nay, đình liên tục được trùng tu, nâng cấp trong quá trình phát triển, hội nhập. Những ngôi đình lớn dần, tỷ lệ thuận với sự mở mang thịnh vượng của cộng đồng. Phần lớn các ngôi đình ở Đồng Nai được dựng theo thức kiến trúc kiểu nhà tứ trụ. Tùy nơi mà qui mô và các nếp nhà khác nhau nhưng cơ bản vẫn giữ được dạng thức kiến trúc truyền thống này và một số dạng thức kiến trúc nhà rường.

Trong tập khảo cứu “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” xuất bản năm 1998, đánh giá: Những di tích đình ở Đồng Nai được xây dựng rất sớm và được thay đổi nhiều lần. Vì vậy, việc bảo lưu kiến trúc ban đầu là không thể được, nhất là do thiên nhiên, chiến tranh.

Những di tích đình hiện tồn đã được sửa chữa, xây dựng, trùng tu vào các khoảng thời gian sau này mà đặc biệt là đầu thế kỷ XX khi mà các vật liệu như xi măng, sắt thép phát triển; hay vào những năm sau của trận lụt 1952 (năm Nhâm Thìn) - hầu hết các di tích bị phá hủy được xây dựng lại.

Dẫu vậy, trong kiến trúc đình ở Đồng Nai với chất liệu bằng gỗ chiếm đa số thì việc trang trí mỹ thuật thể hiện dưới dạng phù điêu, chạm khắc, chạm lộng trở thành những giá trị tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật của di tích.

Di tích đình An Hòa (nay là phường An Hòa – TP.Biên Hòa) là một nơi tiêu biểu cho mỹ thuật kiến trúc cổ ở Đồng Nai.

Di tích đình An Hòa (nay là phường An Hòa – TP.Biên Hòa) là một nơi tiêu biểu cho mỹ thuật kiến trúc cổ ở Đồng Nai. Hầu hết các bộ phận tạo thành bộ khung kiến trúc cộng với các khuôn đố trên xà ngang lên đòn tay, xiên, kèo, lá dung... được chạm khắc tinh vi và sắc sảo. Các nghệ nhân thể hiện hài hòa và sinh động các đề tài truyền thống, như: lưỡng long nhật nguyệt, cúc liên chi, dơi ngự lâm môn, cá chép hóa rồng...

Đây là những biểu tượng của ước mơ, thịnh vượng, tốt lành bằng các đường nét tinh tế, uyển chuyển. Những bộ phận kiến trúc được chạm trổ tinh tế, nhuần nhuyễn này đã làm tăng thêm tính chất trang nghiêm nơi thờ tự và làm cho di tích đình An Hòa trở thành một công trình điêu khắc có giá trị nghệ thuật hiếm thấy ở đất Nam bộ.

Nơi thờ tự các bậc công thần nước Việt

Điều đặc biệt nữa trong di tích đình ở Đồng Nai là một số ngôi đình thờ những nhân vật kiệt xuất, có nhiều công lao với nhân dân, xứ sở. Họ được tôn vinh trở thành những vị phúc thần của làng xã. Có thể điểm tên như: đình Mỹ Khánh thành đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền Lễ Công thành đình Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Trần Thượng Xuyên...

Đình Bình Kính (còn gọi là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) là di tích lịch sử đã được nhà nước xếp hạng ngày 25/3/1990.

Đình Bình Kính (còn gọi là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) là di tích lịch sử đã được nhà nước xếp hạng ngày 25/3/1990. Nơi đây, hàng trăm năm nay, nhân dân Biên Hòa thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh - một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam tổ quốc.

Theo tập khảo cứu “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” năm 1998, ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, tức khoảng sau thời gian Nguyễn Hữu Cảnh mất (năm 1700). Trước đây di tích là một "miếu võ trang nghiêm" và được các chúa Nguyễn quan tâm. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã cho trùng tu, cắt cử 10 phu trông coi, hằng năm đều xuất quỹ công tế lễ vào ngày giỗ. Đến năm 1851, triều Tự Đức cấp 400 quan tiền để di dời, sửa chữa. Sau đó, vào các năm 1923, 1960 đình được tái thiết. Kiến trúc nội thất của di tích còn được bảo lưu với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự. Đặc biệt, các bàn hương án, nghệ thuật chạm khắc với bao đề tài dân gian sinh động. Tại đình còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh thuở sinh thời.

Người dân Biên Hòa tôn kính vị anh hùng Nguyễn Hữu Cảnh nên đã cải tên thôn từ Bình Hoành sang Bình Kính (vì kiêng tên húy của ông là Cảnh nên thường gọi là Kính). Ngày giỗ ông, người dân các nơi đến dự, viếng rất đông đảo và khắc ghi công lao bằng đôi câu đối: "Dẹp Chiêm Thành, sắp đặt Cao Miên, làm tướng, làm thần vinh sống thác. Dân Ngũ Quảng mở mang Lục tỉnh, dày công, dày đức tạc non sông".

Đình Mỹ Khánh thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương.

Đình Mỹ Khánh thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương. Nguyên trước đây, di tích này là ngôi miếu thờ Thành hoàng bổn cảnh làng Mỹ Khánh. Sau này, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công di dân lập ấp, kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, nhân dân Biên Hòa đã tạc tượng và thờ ông tại đình. Từ đó, đình Mỹ Khánh có tên gọi đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Nhìn từ xa, đình tọa lạc trên khu đất rộng bằng phẳng bên bờ sông Đồng Nai, được xây theo kiến trúc hình chữ công gồm ba phần tiền điện, chánh điện và nhà khách. Từ ngoài nhìn vào, ta nhận thấy sự uy nghi của ngôi đình. Mái đình có cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt đối xứng. Trên đỉnh có gắn lưỡng long chầu pháp lam, đôi chim phụng... tất cả đều bằng gốm men xanh của Biên Hòa.

Chánh điện, có các tấm bao lam bằng gỗ được điêu khắc đề tài hoa điểu, tứ linh rất công phu. Các bức liễn, hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo khắp các cột và xà ngang. Trên hương án thờ thần, sự hiện diện của bộ áo mão tương truyền của vua ban khi Nguyễn Tri Phương kinh lược phía Nam, cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính. Bàn hương án được chạm khắc rồng chầu mặt trời với những dây hoa lá cách điệu tinh tế. Tượng ông được tạc bằng gỗ, thể hiện một sắc diện uy nghi, lẫm liệt với chiếc ngai khảo tả long vân làm tăng sự trang nghiêm của di tích.

Bộ áo mão tương truyền của vua ban khi Nguyễn Tri Phương kinh lược phía Nam.

Vào các ngày lễ, nhân dân nhiều địa phương tụ họp về dâng hương cầu phúc. Hằng năm, tại đình có tổ chức lễ Kỳ yên (gọi là lễ vía thần, nhưng thực là lễ hội nông nghiệp để cầu an) vào trung tuần tháng 10 âm lịch. Lễ tiến hành trong ba ngày với những nghi thức túc yết tiến thần, diễu hành lễ bộ, tống phong... sôi nổi. Dân làng các nơi xa gần tham dự đông đảo với không khí lễ hội náo nhiệt. Sống oai hùng, chết oanh liệt, người dân Biên Hòa đã tôn vinh Nguyễn Tri Phương như một vị phúc thần với niềm tin son sắt, chính ông làm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thịnh vượng cho quê hương.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được nhà nước xếp hạng di tích ngày 21 tháng 01 năm 1992.

Đậm nét văn hóa Việt - Hoa

Đình Tân Lân thuộc phường Hòa Bình, TP Biên Hòa là nơi in đậm nét giao thoa văn hóa, tín ngưỡng của hai dân tộc Việt – Hoa trong hành trình mở cõi. Tương truyền, nguyên thủy của đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời triều vua Minh Mạng để tỏ lòng ngưỡng vọng Trần Thượng Xuyên - người có công lớn trong việc mở mang thương mại vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Trần Thượng Xuyên tên là Trần Thắng Tài, ông người gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Khi sang thần phục nhà Nguyễn, ông được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép cùng gia quyến, binh lính thân tín đến lập nghiệp ở Biên Hòa.

Đình Tân Lân thuộc phường Hòa Bình, TP Biên Hòa là nơi in đậm nét giao thoa văn hóa, tín ngưỡng của hai dân tộc Việt – Hoa.

Di tích bề thế và uy nghiêm, với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hóa Trung Hoa. Kiến trúc đình xây theo lối chữ tam. Bên trong được bài trí điện thờ, hoành phi, câu đối... được chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Các đề tài được thể hiện tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc công hầu... theo quan niệm của người Á Đông. Hệ thống phối tự trong đình cũng rất phong phú: thờ bà Thiên Hậu, thờ Quan Công, Tả Ban, Hữu Ban, Thái Giám, Bạch Mã.

Đặc biệt ở di tích Đình Tân Lân là sự thể hiện một công trình nghệ thuật độc đáo trên mặt tiền của mái đình.

Đặc biệt ở di tích là sự thể hiện một công trình nghệ thuật độc đáo trên mặt tiền của mái đình. Đó là một tập hợp tranh tượng gốm do những nghệ nhân gốm Biên Hòa tạo dựng, phối cảnh tạo nên một công trình nghệ thuật đích thực. Những tranh tượng gốm tùy cụm, nhân vật, thú với những sắc thái riêng, lột tả những nội dung cần biểu tả. Những sự tích về "Bát Tiên quá hải", "Quan Công phò nhị tẩu", những tích thời Chiến quốc, các đề tài dân gian "Lý ngư hóa long", "Lưỡng long tranh châu", nhật nguyệt, long phụng... vẫn sống động với thời gian.

Vừa là di tích, vừa là một công trình nghệ thuật, đình Tân Lân là minh chứng cho truyền thống trọng nghĩa của người dân Biên Hòa, đồng thời thể hiện sự tài hoa của các thế hệ nghệ nhân gốm, điêu khắc đá, gỗ của xứ sở này.

Nguồn: baophapluat.vn

 

Tags:

Bài viết khác

Nhà thờ Cái Bè – Di sản kiến trúc độc đáo và tráng lệ của miền Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những dòng sông hiền hòa, cảnh vật yên bình và nền văn hóa đặc sắc. Trong bức tranh sông nước đó, những công trình kiến trúc cổ kính như nhà thờ Cái Bè không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Chùa Mèo và sự tích ‘miêu thần' cứu thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn

Chùa Mèo ở huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) có lịch sử lâu đời với sự tích “miêu thần cứu chúa” đầy ý nghĩa.

Dinh Cô Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) – Dấu ấn kiến trúc và tín ngưỡng dân gian vùng biển

Nằm nép mình dưới chân núi Thùy Vân, hướng mặt ra biển khơi, Dinh Cô không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng của ngư dân Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) mà còn là công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Linh Sơn Cổ Tự – Trầm mặc lịch sử và tinh thần Phật giáo giữa lòng Vũng Tàu

Linh Sơn Cổ Tự, tọa lạc tại số 104 Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu, không chỉ là ngôi chùa cổ nhất của vùng đất này mà còn là biểu tượng văn hóa – tâm linh mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời. Với gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Linh Sơn Cổ Tự ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết tinh tinh thần Phật pháp cùng kiến trúc truyền thống độc đáo.

Những ngôi chùa đặc biệt ở Trường Sa

Trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa của quần đảo Trường Sa đều có màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng trong những tán cây xanh.

Hành trình tâm linh qua ba ngôi chùa cổ trăm tuổi tại Cần Thơ

Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc sông nước hữu tình mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc qua các ngôi chùa cổ.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TP.Hồ Chí Minh

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.Hồ Chí Minh, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Ngôi chùa hơn 300 tuổi ở Bình Định

Thập Tháp Di Đà là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính.
Top