banner 728x90

Chùa Bửu Sơn: Nét đẹp cổ kính và yên bình giữa thành phố biển

09/12/2024 Lượt xem: 2652

Chùa Bửu Sơn ở Phan Thiết còn có tên gọi khác là Chùa Tháp với lịch sử khá lâu đời từ cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỷ 19. Chùa Bửu Sơn được Vua Gia Long ban “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự”, cách thành phố 6km về hướng Đông Bắc. Đứng từ sân chùa, du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn toàn cảnh thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp và thơ mộng. Cảnh trí xung quanh chùa vẫn giữ được nét hoang sơ và cổ kính vốn có của vùng đất đầy nắng và gió.

Sách Đại Nam nhất thống chí, một bộ sách địa chí văn hóa nổi tiếng do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn, ở quyển số 12 viết về tỉnh Bình Thuận, đã có những dòng về chùa Bửu Sơn của ngày xưa: “Chùa ở trên đỉnh núi, phía sau có 2 ngôi tháp, nên tục danh chùa Tháp. Thuở đầu Nguyễn trung hưng, vua Cao Hoàng (Triều Nguyễn) đến viếng, mới đặt cho tên là Bửu Sơn tự, ban cấp tiền và sai làm tấm biển. Nay trong chùa có biển khắc chữ: “Ngự tứ Bửu Sơn tự””. (Vua đã đến, ban cho tên chùa Bửu Sơn). Vua Gia Long trị vì nước ta từ năm 1802 – 1820, đến nay đã trên 200 năm. Như vậy, chùa cổ Bửu Sơn đã được xây dựng từ trước đó.

Trải qua mưa nắng theo thời gian, năm 1961, chùa được xây dựng lại trên nền cổ tự ngày trước. Và từ 1961 đến năm 2000, đã có nhiều vị sư đến tu, trụ trì.

Từ cầu Phú Hài theo đường Nguyễn Thông, nội thành Phan Thiết đi Mũi Né, nhìn lên: Trước mắt du khách là một ngôi chùa đẹp, nằm chếch cao trên lưng chừng đồi, dáng mái cong thanh thoát, tượng Quan Thế Âm hiền từ, bảo tháp uy nghiêm, giữa tầm nhìn theo hướng tháp Pô Sah Inư trầm mặc.

Con đường lát bê tông đưa du khách lên con dốc cao, đi ngang qua vườn lộc uyển, với tượng Đức Phật và 5 anh em Kiều Trần Như (theo sự tích Đức Phật), để bước lên cổng tam quan. Cổng tam quan của chùa là 4 trụ đá to, được chế tác, chạm khắc từ đá hoa cương nguyên khối. Qua cổng tam quan, bên phải là tượng Quan Thế Âm Bồ tát cao 10m, cũng được tạc bằng đá nguyên khối nặng 50 tấn, dáng thật sinh động, đứng trên tòa sen, giữa một hồ nước trong vắt. Tiếp tục bước theo những bậc cấp được lát bằng đá hoa cương, du khách sẽ thấy 2 bên: 1 lầu chuông, 1 lầu trống; cả 2 lầu bề thế, uy nghi. Mỗi lầu là 2 tầng mái, dáng các góc cong mềm mại.

Chánh điện của chùa với diện tích gần 400m2, 2 tầng mái, mặt trước dáng bằng với những đường cong uốn lượn các góc. Giữa 2 tầng mái, tên chùa được khắc theo tên được vua ban ngày xưa: “Chùa Ngự tứ Bửu Sơn”. Bảo tháp uy nghiêm, màu hồng cánh sen, 5 tầng, cao 10m, nằm bên trái của chánh điện, trước tăng đường, nhà chúng.

Khung cảnh chùa Bửu Sơn rực rỡ dưới ánh nắng ban chiều

Chùa Bửu Sơn ngày nay, đã có đầy đủ các công trình theo lối kiến trúc chùa Việt (tam quan - chánh điện - tăng đường - bảo tháp). Những công trình, hạng mục của Bửu Sơn tự hiện nay, được xây dựng theo thế triền đồi, với độ cao từ nền chánh điện so với mặt đường Nguyễn Thông bên dưới là 27m.

Đại đức Thích Nguyên Sắc về chùa Bửu Sơn từ năm 2000, theo đơn thỉnh nguyện của Ban Hộ tự chùa ngày ấy và được sự chấp thuận của Giáo hội. Khi ấy, Bửu Sơn còn là một ngôi chùa cổ, kiến trúc đơn sơ, xung quanh là rừng cây u tịch.

Khó có thể liệt kê hết những nhọc nhằn, vất vả của biết bao việc mà Sư thầy trụ trì đã làm cùng với tăng chúng, phật tử, bổn đạo và bà con phường Phú Hài cùng một số phường, xã khác trong thành phố suốt 19 năm qua: bạt đá, gánh từng gánh đất, san lấp mặt đường, làm đường lên chùa. Rồi làm việc với các cơ quan chức năng để kéo điện, nước về. Lần lượt, những hạng mục công trình của chùa được xây dựng trên nền diện tích 6.000m2, thế triền đồi; để Bửu Sơn tự có được diện mạo uy nghiêm như ngày nay. Những mốc thời gian xây dựng các công trình đã được những trang sử quý báu của nhà chùa lưu lại: Năm 2001 làm đường lên chùa; năm 2004 xây nhà chúng (nơi tăng chúng ở); năm 2006 xây bảo tháp; năm 2008 – 2010 xây tăng đường (nhà lớn); năm 2013 xây chánh điện cùng 2 lầu chuông, trống; năm 2014 dựng tượng Quan Thế Âm; năm 2015 xây cổng Tam quan (mới), vườn lộc uyển, vòng thành… Do vị trí chùa ở thế triền đồi, chỉ riêng việc tạo được mặt bằng bằng phẳng để xây dựng từng hạng mục công trình đã tốn lắm công sức của sư thầy cùng tăng chúng, phật tử, bổn đạo và thợ xây.

Tượng Quan Âm đặt uy nghi ngay đầu cổng chùa

Việc cung kính dựng tượng Quan Thế Âm bằng đá nguyên khối, nặng 50 tấn an vị tại địa điểm hiện nay thật sự là một kỳ công. Bởi tượng Quan Thế Âm thật lớn và nặng, lại đưa lên đồi cao. Chỉ có lòng thành tâm, tính toán thật tỉ mỉ, khéo léo của sư thầy trụ trì, cùng với sự hỗ trợ tốt của kỹ thuật, mới có thể dựng tượng thành công.

Phật tử, khách thập phương đến vãn cảnh chùa, từ nhà chúng, chánh điện nhìn ra trước mặt sẽ thấy một quang cảnh rất đẹp, một không gian mở, trải rộng nhiều hướng trước tầm mắt du khách: Bên trái là biển xanh xa xa, những ghe chài nhấp nhô theo gợn sóng; trước mặt, hướng Tây là TP. Phan Thiết nhộn nhịp với những mái nhà, những công trình xây dựng vươn cao; bên phải là đường Nguyễn Thông, liên tục xe ra vào Mũi Né; sau lưng là tháp Pô Sah Inư uy nghiêm. Toàn cảnh chùa là những công trình đẹp, nằm lẫn với những hàng cây xanh mát.

Khoảng sân rộng tràn ngập cây lá xanh ngát và ánh nắng vàng dịu êm

Quan sát được khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tươi đẹp, hữu tình như vậy thật sự là một trải nghiệm thú vị, điều mà du khách chỉ có thể cảm nhận được khi đến với chùa Ngự tứ Bửu Sơn. Du khách đón nhận những làn gió mát lành khi vãn cảnh chùa, với bao bậc cấp phải vượt qua, với 3 tầng sân để lên chánh điện lễ Phật, để thấy lòng thầm phục công sức của sư thầy trụ trì cùng tăng chúng, phật tử, bổn đạo và bà con đã toàn tâm xây dựng chùa Ngự tứ Bửu Sơn trong những năm tháng qua. Một cổ tự được lưu tên trong những trang sách quý của cha ông ta ngày xưa, nay xứng đáng là một danh lam xứ biển.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

Tags:

Bài viết khác

Nhà thờ Cái Bè – Di sản kiến trúc độc đáo và tráng lệ của miền Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những dòng sông hiền hòa, cảnh vật yên bình và nền văn hóa đặc sắc. Trong bức tranh sông nước đó, những công trình kiến trúc cổ kính như nhà thờ Cái Bè không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Chùa Mèo và sự tích ‘miêu thần' cứu thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn

Chùa Mèo ở huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) có lịch sử lâu đời với sự tích “miêu thần cứu chúa” đầy ý nghĩa.

Dinh Cô Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) – Dấu ấn kiến trúc và tín ngưỡng dân gian vùng biển

Nằm nép mình dưới chân núi Thùy Vân, hướng mặt ra biển khơi, Dinh Cô không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng của ngư dân Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) mà còn là công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Linh Sơn Cổ Tự – Trầm mặc lịch sử và tinh thần Phật giáo giữa lòng Vũng Tàu

Linh Sơn Cổ Tự, tọa lạc tại số 104 Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu, không chỉ là ngôi chùa cổ nhất của vùng đất này mà còn là biểu tượng văn hóa – tâm linh mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời. Với gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Linh Sơn Cổ Tự ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết tinh tinh thần Phật pháp cùng kiến trúc truyền thống độc đáo.

Những ngôi chùa đặc biệt ở Trường Sa

Trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa của quần đảo Trường Sa đều có màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng trong những tán cây xanh.

Hành trình tâm linh qua ba ngôi chùa cổ trăm tuổi tại Cần Thơ

Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc sông nước hữu tình mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc qua các ngôi chùa cổ.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TP.Hồ Chí Minh

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.Hồ Chí Minh, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Ngôi chùa hơn 300 tuổi ở Bình Định

Thập Tháp Di Đà là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính.
Top