Chợ nổi là văn hóa đặc trưng khi nói đến miền Tây sông nước
Vùng Nam bộ nói chung và Tây Nam bộ nói riêng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ lâu hình ảnh chiếc ghe, cây cầu, dòng sông, bến nước, con đò... đều hết sức quen thuộc với người dân nơi đây. Ngay từ thuở nhỏ, người dân đã được tắm mình giữa dòng nước bao la, khi lớn lên, họ phải đi qua những chiếc cầu tre hay những khi buông câu, thả lưới, những lúc chở hàng hóa ra chợ... tất cả như gắn chặt đời mình trên sông, tạo nên nét văn hóa của người Nam bộ.
Vẻ đẹp người lao động thể hiện rõ tại chợ nổi Cái Bè
Từ Tiền Giang, Cần Thơ, về đến Cà Mau, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân bận rộn với cuộc sống lênh đênh trên sông nước như: Chợ Cái Bè (Tiền Giang); chợ Phong Điền, Phụng Hiệp (Cần Thơ); chợ Thới Bình trên sông Trẹm (Cà Mau)... lúc nào cũng tấp nập ghe xuồng đi lại giao thương buôn bán. Những ngày giáp tết, chợ họp gần như suốt ngày, những xuồng, ghe chở đầy ắp trái cây, rau, củ, các vật dụng gia đình, hàng nông sản, các loại hoa ngày tết... Trên mũi ghe, họ cắm một cây sào dài, trên đó có treo các loại sản phẩm hàng hóa, đó là hình thức giới thiệu sản phẩm, người mua biết được ghe bán những gì. Tại đây còn có các loại dịch vụ ăn uống mang đậm chất Tây Đô như: hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi và thưởng thức những điệu hò, tiếng đờn ca tài tử hứa hẹn làm say đắm lòng người...
Nhiều ghe xuồng trong những dịp Tết, mải buôn bán cho hết số lượng hàng hóa không kịp về nhà. Ngày 30 tết, nhiều gia đình làm mâm cơm, đặt trước mũi ghe, khấn vái ông bà và cùng các đồng nghiệp tổ chức đón tết trên sông thật đầm ấm. Các ghe thuyền cùng giao lưu thưởng thức những món ăn ngon. Với người dân nơi đây, đâu cũng là quê hương, đâu cũng là gia đình. Tình cảm trên sông làm họ thấy ấm lòng.
Bán các mặt hàng mây tre
Không gian văn hóa Chợ nổi miền Tây Nam bộ không chỉ là hoạt động mua bán hàng hóa mà còn giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của đồng bào miền Tây Nam bộ.
Mùa nhãn Nam Bộ
Bán hoa quả trên sông
Ban Nghiên cứu Văn hóa