banner 728x90

Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia tại Quần thể Di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

08/10/2024 Lượt xem: 2412

Quần thể Di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những Bảo vật Quốc gia quý giá của triều Nguyễn.

Khi đến thăm Quần thể Di tích Cố đô Huế, ngoài việc chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đền đài, lăng tẩm nổi tiếng, du khách còn có cơ hội khám phá kho tàng hiện vật lịch sử vô cùng quý giá. Những cổ vật này không chỉ mang giá trị văn hóa và lịch sử to lớn mà số nhiều trong đó còn được vinh danh là Bảo vật Quốc Gia.

Quần thể Di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những Bảo vật Quốc gia quý giá của triều Nguyễn. Ảnh: Sưu tầm

Là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Cố đô Huế lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế không chỉ thu hút hàng triệu du khách mỗi năm mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Quần thể Di tích Cố đô Huế hiện đang thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Ảnh: Vietnam.vn

Ngoài những di tích nổi tiếng như Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng và Đại Nội, các bảo vật quốc gia tại đây cũng là những điểm nhấn không thể bỏ qua. Với sự đa dạng về hình thái và chất liệu - từ đồng, gỗ đến vải lụa - hệ thống hiện vật tại Cố đô Huế phản ánh rõ nét văn hóa triều Nguyễn. Nhiều trong số đó đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

8 bộ hiện vật là Bảo vật Quốc gia quý giá

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý 8 bộ hiện vật (tương ứng với 33 hiện vật đơn lẻ) đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bao gồm:

Cửu vị thần công - 9 khẩu súng thần công bằng đồng, biểu tượng cho sức mạnh quân sự của triều Nguyễn.

Cửu đỉnh - 9 chiếc đỉnh đồng lớn đặt tại sân Thế Miếu, tượng trưng cho sự trường tồn và quyền lực của vương triều.

Bảo vật quốc gia "Cửu Đỉnh" được đặt tại Thế Miếu, Đại Nội Huế. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Bộ sưu tập vạc đồng - Những chiếc vạc lớn tại nhiều địa điểm trong Kinh thành Huế.

Ngai vua triều Nguyễn - Ngai vàng biểu tượng cho quyền lực của các vua nhà Nguyễn.

Áo tế Giao - Bộ trang phục mang ý nghĩa nghi lễ, tôn giáo trong các buổi tế giao của triều đình.

Bia Khiêm Cung Ký - Bia đá ghi chép về lăng của vua Tự Đức.

Đại Hồng Chung - Chiếc chuông lớn tại chùa Thiên Mụ.

Bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự - Bia đá ghi dấu sự thành lập của chùa Thiên Mụ.

Trong số các hiện vật này, chỉ riêng Áo tế Giao được lưu giữ trong kho của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, còn lại đều được trưng bày tại các địa điểm khác nhau trong Quần thể Di tích. Không chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt, các bảo vật còn được số hóa 3D nhằm phục vụ công tác quản lý và quảng bá.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý 8 bộ hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Để nâng cao trải nghiệm cho du khách, tại mỗi điểm trưng bày Bảo vật Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trang bị các biển giới thiệu kèm mã QR code. Khách tham quan có thể quét mã để truy cập thông tin chi tiết về từng hiện vật, mang lại trải nghiệm tham quan toàn diện và sinh động hơn.

Ngoài ra, Trung tâm còn xuất bản ấn phẩm “Bảo vật Quốc gia thời Nguyễn tại Huế” nhằm giới thiệu sâu rộng hơn đến công chúng và du khách. Công tác số hóa 3D không chỉ giúp việc quản lý hiện vật hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện để quảng bá rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại.

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” tại chùa Thiên Mụ được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020. Ảnh: Vietnam.vn

Các Bảo vật Quốc gia tại Huế không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng câu chuyện và giá trị tinh thần vô giá về lịch sử, văn hóa của triều đại nhà Nguyễn. Du khách như chị Nguyễn Thị Minh Tâm (TP. HCM) khi đến tham quan Kinh thành Huế đã bày tỏ sự ấn tượng trước quy mô và tính lịch sử của các bảo vật. Chúng không chỉ là những hiện vật đẹp mắt mà còn là biểu tượng cho quyền lực, sự phồn vinh của triều Nguyễn.

Bảo vật quốc gia Đại hồng chung được đặt tại chùa Thiên Mụ. Ảnh: Internet

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng để số hóa thêm nhiều hiện vật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và quảng bá. Chiến lược truyền thông cùng các bộ phim tư liệu về Bảo vật Quốc gia sẽ được phát triển nhằm thu hút thêm sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Bên cạnh 8 bộ hiện vật đã được công nhận, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục xây dựng hồ sơ để đề nghị công nhận thêm 4 bộ hiện vật khác như Ngai vua Duy Tân, Cặp rồng chầu thời Thiệu Trị, Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng và Bức phù điêu thời Minh Mạng. Đây sẽ là những bổ sung quý báu, tiếp tục khẳng định vai trò của Cố đô Huế như một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam.

Theo Chất lượng và Cuộc sống

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Khám phá các di sản văn hoá độc đáo tại núi Bà Đen, Tây Ninh

Tại núi Bà Đen, các di sản văn hoá lâu đời mỗi ngày đều được gìn giữ và phát huy, đưa Tây Ninh thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại Nam bộ.

Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw tạm dịch là Lễ tế trâu tôn chức ông Kadhar. Trong các chức sắc người Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp và các nghi lễ của dòng tộc, ông Kadhar đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành nghi lễ và hát thánh ca. Từ khi nhập môn, ông Kadhar trải qua các giai đoạn tấn phong rồi mới được phép làm chủ lễ và được mặc tấm chăn có đính hoa văn thổ cẩm. Diễn trình nghi lễ Lang Ndaw có các nghi lễ hiến tế con vật, cúng cơm, hát lễ và múa mừng.

Lễ hội Lam Kinh năm 2024: Di sản văn hóa phi vật thể vô giá

Trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh được ví như một viên ngọc quý với nhiều giá trị vô giá, đặc trưng. Lễ hội không chỉ lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, mà còn là dịp để người dân đất Việt ôn lại và tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân.

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.

Ngôi chùa Khmer xây bằng đá granit nằm ở độ cao 45m, được ví như chốn ‘bồng lai tiên cảnh’ giữa núi rừng

Đây là ngôi chùa có lối kiến trúc chứa đựng nhiều huyền tích của đồng bào dân tộc Khmer.

Sống động di sản văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu dịp lễ 2/9

Gần 400 hình ảnh, hiện vật, di sản văn hóa Óc Eo đang được trưng bày sống động tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thể hiện góc nhìn khái quát, giá trị quý về một trong ba nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Nghề đan võng ngô đồng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một di tích tại Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp hạng cấp quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với "Di tích lịch sử địa điểm trận chiến ngày 6.6.1969 tại Bình Ba" trên địa bàn.
Top