Nhiều nhà xã hội học cho biết: Hiện ở các nước Phương Tây, đang xảy ra tình trạng các cặp nam nữ thanh niên sống chung không cần hôn thú. Họ xem đó như là một thời kỳ thử nghiệm cho độ bền vững của hôn nhân.
Ở nước ta cách đây hơn 50 năm về trước, phần đông các đôi nam nữ lấy nhau là do bố mẹ sắp đặt, cá biệt còn có trường hợp ép buộc gả bán, song họ vẫn chung sống với nhau đến già và càng về già họ càng gắn bó với nhau hơn.
Vì sao vậy? Qua tìm hiểu suy nghĩ của các cụ ông, cụ bà trong một số gia đình chúng tôi ghi nhận được như sau:
Cụ ông N.V.A. năm nay 82 tuổi và cụ bà Đ.T.C. năm nay 81 tuổi ở huyện Xuyên Mộc đều thống nhất nói với chúng tôi rằng, họ chẳng nhớ là đã lấy nhau ra sao, chỉ biết là cả 2 người đã từng chơi đùa với nhau từ thủa chăn trâu cắt cỏ, họ ở cạnh nhau. Thế rồi lớn lên họ thành vợ chồng sau một lần nhà ông mang trầu cau sang nói chuyện với nhà bà. Họ không quan tâm đến cái gọi là “yêu nhau” vì điều đó được coi là hiển nhiên kể từ khi họ sống chung trong một căn nhà. Hơn 50 năm chung sống cũng có lúc va chạm, cãi cọ nhau song ý nghĩ về một sự thiếu vắng nhau thì họ không hề biết tới. Càng về già cụ ông và cụ bà càng quấn quýt với nhau hơn và chăm sóc nhau hơn.
Cụ P.N.H (75 tuổi) lấy cụ bà N.H.B (78 tuổi) ở huyện Châu Đức có khác hơn. Cụ ông là con trai độc nhất nên gia đình cụ bắt phải lấy vợ sớm từ năm 16 tuổi. Cụ chống lại quyết định này của gia đình và trốn khỏi nhà nhưng cuối cùng thì vẫn bị bắt trở lại và vẫn bị phải lấy vợ, mặc dù trước đó vài hôm cụ đã vài lần khóc lóc van xin…
Thế nhưng quá trình chung sống đã như một thứ keo đặc biệt gắn bó họ lại với nhau và nhanh chóng lấp đầy khoảng cách trước đó. Hiện tại cụ ông và cụ bà đều rất hạnh phúc. Cụ ông nói rằng: “Nếu hồi đó tôi chẳng may trốn thoát thì tôi đã để mất một người bạn tốt nhất trên đời này mà không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy được – Đó chính là bà nhà tôi bây giờ”.

Trường hợp của cụ T.V.T (78 tuổi) và cụ bà N.T.N (75 tuổi) có vẻ lãng mạn hơn. Theo lời cụ ông thì ngày ấy cụ yêu một cô gái ở làng bên nhưng bố mẹ cụ bắt cụ phải lấy bà ấy bây giờ. Nể lời, cụ đành chấp nhận. Thời trẻ trung cũng có những điều trăn trở nhưng khi già thì tất cả đi vào bổn phận cụ thể và cụ bằng lòng với hiện tại.
Còn cụ bà thì gọi tôi ra một chỗ thì thầm to nhỏ. Cụ cho rằng nói trước mặt ông không tiện chứ cái việc ngày xưa bà phải chịu đựng ai mà chẳng biết. Bà kể rằng hồi còn trẻ, bà yêu khá sớm, người yêu bà tất nhiên không phải là ông. Đến khi bị gia đình ép buộc bà phải làm vợ ông thì bà chỉ biết thở ngắn than dài chứ trong lòng bà vẫn không nguôi tơ tưởng đến người tình cũ. Khi đã làm dâu rồi bà đành cam chịu. Tất cả tình cảm bà dồn cho các con. Sở dĩ sống với nhau đến tận bây giờ là vì ông ấy chẳng có sai phạm gì với bà. Bà cho biết, càng về già bà càng yêu thương ông hơn và nghĩ lại mới thấy chuyện hồi còn trẻ của bà là lãng mạn, vớ vẩn.
Cá biệt cũng có trường hợp như gia đình cụ ông P.K.M và bà L.K.A. cả 2 ông bà năm nay đã bước sang tuổi 70 hiện đang sống ở thị xã Bà Rịa. Gần 50 năm chung sống với nhau nhưng năm nào 2 ông bà cũng cãi nhau ít nhất là một, hai lần. Mỗi lần cãi nhau là ông hoặc bà bỏ nhà đi nhưng chỉ được một thời gian ngắn là họ không chịu nổi vì nhớ nhau và thế là ông đi tìm bà hoặc bà đi tìm ông. Và để rồi lại cãi nhau… và chỉ đến bây giờ ông bà mới nhận ra rằng họ không thể sống thiếu nhau được.

Những trường hợp trên, ở thời điểm xuất phát hầu như không thuận lợi hoặc giữa đường trục trặc nhưng họ vẫn đi với nhau đến hết đường. Tuy rằng họ không có khái niệm về tình yêu như những đôi lứa ngày nay nhưng rõ ràng tình yêu của họ đã ẩn náu bên trong. Vả lại khi đã già, khi người ta đã đi với nhau gần hết cuộc đời với bao buồn vui sướng khổ thì cái nghĩa lúc này còn nặng hơn cả tình.
Càng nhiều tuổi càng đủ độ chín chắn thì trách nhiệm gia đình càng lớn. Khi đã gần đất xa trời thì tình cảm của họ càng sâu lắng hơn và họ càng thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Lúc đó người ta thấy những chuyện hồi trẻ chỉ là những chuyện của thời non dại. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân để họ sống với nhau đến già?./.
Đào Quốc Thịnh