Học xong, anh cưới vợ rồi ở lại thành phố, còn mẹ vẫn ở quê. Cuộc sống, công việc nơi phố thị luôn tất bật và hối hả. Đêm về, anh thường nghĩ: Mẹ tảo tần nuôi anh khôn lớn. Bây giờ mẹ già rồi, sống một mình nơi quê nhà, nửa đêm trở gió, ai lo (!?)
Thương mẹ quá! Lúc vợ chồng mới cưới nhau, anh có bàn: “Hay là mẹ lên thành phố ở với tụi con...”. Mẹ anh khăng khăng không chịu, nói: “Mẹ sống ở quê có bạn bè, chân lấm tay bùn, quen rồi. Mẹ không muốn xa quê hương, mồ mả, ông bà tổ tiên! Ai lo...”. Mẹ nhất quyết không lên thành phố, anh thì không muốn về quê, mỗi thế hệ một quan điểm, chẳng biết tính làm sao. Anh tính đợi lúc nào đó sẽ lựa lời khuyên nhủ mẹ. Vừa rồi, nhận được điện thoại của mẹ nói là sẽ lên thăm, anh vui mừng lắm, nghĩ đây là cơ hội lo cho mẹ phần nào.
Anh đến bến xe đón mẹ, mẹ con lâu ngày gặp nhau, vui mừng lắm. Thím Ba (tên mẹ anh thường gọi ở quê) cầm tay con, nắn nắn như ngày còn bé, lo lắng: “Trời đất, sao con ốm thế này, ở thành phố chắc con khổ lắm phải không?”. Anh thấy mẹ mang rất nhiều quà quê, nào bánh tráng, gà vịt, khoai lang, ổi, có cả ớt xiêm... Đường xa, thấy mẹ mang đồ cồng kềnh, anh thương quá, gắt: “Ở thành phố đâu có thiếu những thứ này, mẹ mang theo làm chi cho khổ (!?)”. Thím Ba bảo: “Mẹ nhớ hồi ở quê, mỗi lần ăn cơm, con thường chạy ra sau hè hái ớt xiêm. Mẹ sợ con thèm ớt, nên...”. Tuy chưa ăn ớt của mẹ cầm lên, nhưng anh thấy mắt mình cay cay...
Nhìn quanh căn nhà chật chội, chỉ hai mươi mét vuông, thím Ba hết đi xuống rồi lại đi lên, rồi bảo: “Con mua nhà thì phải mua lớn lớn một chút, khỏi mất công đổi đi đổi lại cho khổ sở. Căn nhà bé tẹo như thế này, sao mà ở được?”. Anh thành thật: “Dạ! Con thuê của người quen. Ở thành phố mua đất, mua nhà đâu có dễ!...”. Thím Ba hỏi: “Mỗi tháng bao nhiêu?”. Anh Quận nói: “năm triệu đồng”. Thím Ba la lên: “Trời đất, căn nhà bé tẹo mà những 5 triệu đồng. Số tiền này bằng ở quê làm mướn, cắt lúa nhổ mì khổ sở, ăn nín nhịn thèm, chắt chiu mấy tháng chứ ít gì... Thôi thôi, vợ chồng con về quê ở với mẹ, nhà cửa ruộng vườn có sẵn, rộng rãi, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, sướng hơn...”.
Mấy ngày sau đó, vợ chồng anh bàn tính đưa mẹ đi ăn hoặc đi đâu đó chơi, nhưng thím Ba than mệt, không chịu đi đâu cả. Ở nhà, thím cứ loay hoay dọn dẹp hết thứ này đến thứ khác... Vợ chồng anh thương mẹ, muốn đưa mẹ đi chơi nhưng có được đâu!
Chỉ có một lần, mẹ anh ngẫu hứng ra phố đi dạo một mình. Lúc về nhà, thím cầm theo một xấp tờ rơi quảng cáo, có hình nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh Quận nhớ lại hồi còn nhỏ xíu, có lần mẹ dẫn anh đi xem cải lương. Sáng hôm sau, mẹ và mấy bà hàng xóm ngồi bên nhau vẫn còn thích thú, bàn tán về vở diễn. Anh hỏi: “Mẹ có thích xem cải lương không, tối vợ chồng con đưa đi?”. Mẹ anh lắc đầu: “Thời buổi giờ, ai mà thèm coi thứ ấy!...”.
Một tuần sau, mẹ anh về quê. Hay tin thím Ba lên thành phố thăm con về, thím Hai ở nhà bên cạnh sang chơi.
- Bà lên thành phố có vui không?
- Vui lắm...
- Thế thằng Q có đưa bà đi chơi, ăn uống gì ngon không?
- Nó dẫn tôi đi ăn hết nhà hàng này đến nhà hàng nọ. Rồi thím Ba lấy xấp tờ rơi quảng cáo ra khoe: “Nó còn dẫn tôi đi xem cải lương trong cái rạp sang trọng, có máy điều hòa, mát lạnh, chẳng như ở quê...”.
Nghe thím Ba nói, thím Hai chép miệng:
- Số bà có phước nhờ con, sướng thiệt!
Mãi sau này, có dịp về quê, nói chuyện với thím Hai, anh mới hiểu tấm lòng của mẹ. Thì ra, mẹ thương anh, sợ anh tốn kém nên mới làm vậy... Càng nghĩ, anh càng thương mẹ nhiều hơn.
Phúc Nguyên