- Ông cẩn thận đấy nhé!
Bà Thân vừa khẽ nhắc vừa cố ghì tay vào hai bên thành chiếc thang tre. Đôi tay gầy với những đường tĩnh mạch chằng chịt, chen những nốt đồi mồi khẽ run run khi cố giữ cho nó khỏi đung đưa.
- Thì bà đừng nói nữa. Lo giữ thang đi.
Ông Thân vừa cố vươn tay lia chiếc chổi lông gà lên trần nhà vừa nói vọng xuống.
- Trông hai bác tình cảm thế?
Tiếng người rổn rảng từ ngoài cổng. Bà Thân rời mắt khỏi tấm lưng gầy của chồng, quay ra, đon đả:
- Chú Nam đấy à? Nhà chú đã xong chưa?
- Chưa! Em bận quá, mà vợ em vẫn mải miết ngoài chợ, tụi nhỏ thì chưa về!
Ông Thân vứt cái chổi xuống sân, khẽ bước xuống khỏi chiếc thang. Mảng lưng gầy gò lấp rấp mồ hôi.
Ông thở phù phù, lau mặt bằng chiếc khăn vợ vừa đưa cho:
- Mời chú vào uống nước với tôi. Có ấm chè xanh, bà ấy mới hãm. Thơm lắm!
- Vâng! Em xin bác!
Đã gần hết hai ly nước chè, Nam đằng hắng mấy lần mà chưa biết nói sao. Ông Thân nheo mắt nhìn làn khói thuốc lá mỏng mảnh vừa ân cần:
- Thế chú hôm nay sang có việc gì vậy?
Nam gãi đầu, xoa tay:
- Dạ, em muốn sang nói với hai bác một việc... Phiền hai bác quá... Em hơi ngại...
- Có gì mà chú rào đón kỹ vậy? Bà Thân giục.
- Dạ, chuyện là sắp hết năm cũ, sang năm mới, em muốn sang nói với hai bác chuyện cái Thắm nhà em.
- Ôi, thôi thôi... Chú đừng nói nữa. Tôi quên chuyện ấy rồi!
Bà Thân nguây nguẩy xua tay và đi vào buồng. Ông Thân rít mạnh điếu thuốc đang cháy dở. Mãi sau, ông mới nói:
- Chuyện ấy... Tôi thì chả sao, bà nhà tôi thì... Chú đừng chấp. Phụ nữ mà.
- Dạ, em biết. Mà chuyện thì đúng là “tình ngay, lý gian” nên bác gái hiểu lầm bác, khiến hai nhà mất vui. Hôm nay, em muốn hai bác thông cảm cho cô nó nhà em. Nó cũng tội.
- Ời, chuyện ấy chú không nói tôi cũng biết. Cô ấy nhỡ nhàng, sống có một mình. Nhiều lúc thấy thui thủi, cũng tội. Khổ nỗi, thấy tội vậy nhưng chẳng ai dám giúp gì, vì mấy bà phụ nữ nhà chúng tôi rắc rối lắm, cứ làm như cô ấy là mối nguy cho chồng mình vậy.
Ông rít mạnh điếu thuốc, rồi dụi đầu mẩu thuốc còn lại vào cái gạt tàn, nói tiếp: “Hôm ấy, lúc cái áo đồ nhỏ gì đó của cô ấy bay sang sân nhà tôi, tôi chưa kịp gọi cô ấy sang lấy về thì nhà tôi vừa đi chợ về đến sân, thấy thế, cứ bù lu bù loa lên. Tôi nói mãi vẫn không chịu tin là chỉ tại cơn gió thổi bay bên nhà cô ấy sang. Đến khổ”.
- Thế sao em nghe nói bác gái lu loa vì thấy bác định giấu “nó”?
- Thì tôi mới cầm lên, mà nói thật công nghệ dệt bây giờ đẹp và hiện đại thật. Màu hồng phấn, vải mát rượi, chứ chả bèo nhèo như của bà nhà tôi vẫn dùng.
- Ấy... bác như thế thảo nào bác gái chả bực... Nam hóm hỉnh nháy mắt.
Ông Thân cười.
- Thì mình cũng chỉ thấy thế, nghĩ đến thế thôi, chứ nào có dám nghĩ gì xa hơn đâu. Chỉ là bà ấy lo xa quá. Vợ chồng mà không hiểu nhau, tin nhau thì sao mà bền chặt được. Hơn nữa, cô ấy cũng đâu có ý gì. Nghĩ vậy, tội chết.
- Tội gì, tội lội xuống ao ấy!
Bà Thân vừa bước ra, vừa đủng đỉnh nói, nhưng nếp nhăn trên trán đã giãn bớt ra, và giọng nói có vẻ bình thản hơn - Ai khiến ông cứ suốt ngày thắc thỏm lo cho “người ta” tội, người ta đơn côi.
- Ờ, thì đúng vậy còn gì? Mà mấy lần, đồ của bà cũng bị gió thổi bay qua nhà cô ấy đấy thôi.
- Vâng, tôi biết rồi. Ông nói nhiều quá. Bà khẽ nguýt ông và cười hơi ngường ngượng.
- Vâng! Đúng vậy! Tóm lại vẫn chỉ là tại cơn gió, hai bác nhỉ? Thôi, em xin phép về, lo cho vợ mâm cỗ cúng, lát giao thừa, bác nhớ sang xông đất nhà em rồi mình đi chúc Tết trong xóm, bác nhé.
Bà Thân lúi húi sửa lại lư hương trên bàn thờ. Ông Thân cho thêm củi vào nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc nhà. Bóng hai người vấn vít trong làn hơi nước mỏng mảnh, ngầy ngậy mùi nếp, mùi lá dong. Trời đêm 30 mịn màng, và làn gió tinh nghịch vẫn đang rào rào trên tán lá.
Nguyễn Khánh Vân