“Má mắn đẻ, mười tám tuổi lấy chồng, sinh liền chín đứa con”, có lần cả nhà tề tựu đông đủ, má cười và nói như vậy. Con gái của má bây giờ đã là mẹ của một đứa con, đã hiểu tấm lòng của người mẹ mênh mang dường nào nên càng kính yêu má.
Với tôi, má tôi là hình mẫu của vẻ đẹp người phụ nữ thuần đức. Má đẹp chân phương, mộc mạc nhưng mặn mà. Tôi thích mái tóc luôn bới cao thơm mùi bồ kết của má. Ba tôi chữ nghĩa nhiều, lấy má vì mến cái nết. Người trong xóm trầm trồ: “Má tụi bây làm lở núi lở non”, tôi mỉm cười hãnh diện và học ở má bài học về sự chịu thương chịu khó...
Má mồ côi lúc còn nằm trong bụng mẹ. Từ nhỏ, sống thiếu thốn với bà cố, má trầy trật làm thuê làm mướn, bôn ba đồng xuôi đồng ngược kiếm cơm. Má không đi học, không biết chữ nhưng má thuộc làu làu những câu ca xưa. Má hay đọc cho chị em tôi nghe: Khi con tát cạn biển Đông / Thì con mới hiểu tấm lòng mẹ cha.
Sau ngày đất nước giải phóng, ba tôi đi học tập cải tạo, một nách mấy con, má hết sức chở che, bao bọc, song vẫn chịu nỗi đau mất hai đứa con. Ngày giỗ anh Ba, chị Bảy, má nấu cháo thịt băm, xay nước đậu nành. Má bảo “tụi nó chỉ ăn được từng đó”. Má khóc... Ba từ trại cải tạo về, mấy đứa con đã lớn tồng ngồng.
Ngày còn nhỏ, mấy chị em tôi ngủ dậy đã không thấy má đâu. Má dậy sớm, ăn cơm nguội rồi vào rừng, trưa về sẽ là một gánh củi to và một bịch nào sim, nào chim chim, dúi dẻ... Vừa rời gánh củi khỏi vai, má vội vàng vào bếp lo cơm trưa, ôm thau đồ ra giặt...
Có lần, tôi khóc lóc, đòi đi kiếm củi cùng má hòng kiếm sim, ổi rừng... Má không cho, tôi vẫn lấy cái đòn xóc nhỏ, lẽo đẽo đi theo... Má cầm rựa đi trước dọn đường, tìm chỗ có nhiều củi khô, dọn hết gai để tôi đứng nhặt. Đến trưa, má cởi chiếc áo ngoài quấn dưới đòn xóc, tôi lon ton quảy gánh củi nhỏ theo má, đi được một đoạn thì đứng khóc. Má đưa tay nhấc gánh củi của tôi bỏ chồng lên gánh củi to của má, nặng nhọc bước... Một hôm vào rừng, vì ham tìm sim nên tôi lạc má, sa vào ổ ong đất. Bị chích một mũi, tôi khóc ré, má hối hả chạy lại, dặn tôi nằm im, bẻ lá bỏ lên lưng và lấy tay che. Tay má sưng tấy vì ong chích...
Trong mấy chị em, út Mười biếng nhác nhất, mỗi lần làm đồng về thấy nhà cửa bề bộn, chị Sáu bảo: “Lớn rồi, phải làm phụ má chớ. Có thấy vai má lệch không?...”. Đúng rồi, má tôi gầy guộc, vai má như lệch hẳn, chắc vì nặng gánh gồng, vậy mà có bao giờ chị em tôi nghe tiếng thở dài nào của má. Sau đám cưới chị Hai, lấy tấm ảnh chụp hai họ ra ngắm nghía, má bảo, má già hơn ba nhiều dù ba lớn hơn má một giáp... Chị em tôi nghe má nói mà im lặng nhìn nhau, nghe nghèn nghẹn...
Nhà tôi nghèo nhưng êm ấm. Chưa một lần tôi thấy ba má to tiếng với nhau, có chăng những lần bực dọc, ba át cả tiếng má nhưng má vẫn chọn cách im lặng. Những lần ba cầm roi đánh anh vì nghịch, má giật cái roi bảo, có gì từ từ nói, lúc giận không được đánh con.
Má dặn chị em tôi, mai mốt lớn, lấy chồng sinh con, cố gắng vun vén. Vợ chồng nào cũng có lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, lúc chồng giận thì vợ nhường, lúc vợ nóng thì chồng xuống nước, cơm sôi bớt lửa. Dạy con cũng dễ cãi nhau, chồng đánh thì vợ bênh, con nó sợ là được rồi, đừng đánh lúc giận, lỡ có bề gì làm sao sống nổi!...
Má tôi hiền nhưng nghiêm lắm khi dạy con. Có lần, anh Năm thấy người ăn mày trong xóm. Anh te te về kiếm cái gậy, lấy bị chạy khắp xóm, giả vờ ăn xin, mấy đứa nhỏ cười ngoặt nghẽo. Má phát hiện, lấy roi đe anh:
- Ăn xin cũng là người. Người ta vai cha vai chú, mình nghèo, có ít cho ít, có nhiều cho nhiều. Cho bao nhiêu không quan trọng bằng cách cho, tuyệt đối phải lễ phép, tôn trọng...
Chị Hai lấy chồng xa. Mẹ chồng nghiêm khắc, chị khó xử giữa chồng và mẹ, nhiều lần bị mẹ chồng mắng mỏ. Anh rể thương vợ nhưng trước mặt mẹ, đành lơ... Chị tôi ấm ức, ẵm con về khóc than, nói sẽ ở luôn với má. Má nghiêm mặt bảo: “Con gái hư má không chứa, mẹ chồng cũng là mẹ vậy. Cứ hết lòng với chồng con, hiếu thảo với bề trên, rồi người ta cũng thương thôi”. Chị khóc tức tưởi bỏ về... Mấy hôm sau, anh rể về xin lỗi và cảm ơn má.
Tôi đi dạy, lấy chồng xa. Rồi những biến cố ập đến, tôi một mình nuôi con. Má lo tôi hay bệnh, một mình nuôi con sẽ vất vả nên bảo mẹ con tôi dọn về sống với má, má sẽ chăm con cho tôi đi làm. Tôi vì thích sống gần nơi công tác nên đành xa má. Hàng tháng, má đều nhắc đem gạo về ăn, tôi bảo má cứ bán hết đi, lấy tiền chi tiêu, má bảo: “Nhà làm nông, gạo nhiều... Con mua gạo ăn, thật không nên”.
Ngày mùa, mẹ con tôi chở nhau về thăm ngoại, thấy nhà cửa vắng hoe, hỏi ra mới biết má đi mót lúa. Tôi đứng chết trân, nghẹn ứ!...
Mỗi lần về thăm nhà, tôi thường đem theo lon sữa, bịch bánh và nói: “Để ba bồi dưỡng!”. Có lần, thằng con tôi lí lắc:
- Ông ngoại uống sữa, ăn bánh khỏe ghê!
Ba tôi cười bảo:
- Ông ngoại uống cùng bạn mà!
- Ai vậy ông?
- Thì bà ngoại chớ ai!
Tôi nghe, sững người!... Lần nào về thăm nhà, mới bước đến ngõ là đã hỏi: “Má đâu ?” thế mà chưa một lần nào đem quà về và nói: “Để má bồi dưỡng!...”.
Má ơi! Chúng con thấy trống trải lắm khi mỗi lần về nhà mà không thấy má. Thật ấm áp, bình an khi nhà có má. “Má ơi! Các con yêu má nhiều lắm”...
Kim Phụng