Để tiếp tục tôn vinh tổ nghề thêu của làng, năm 1992 người dân Quất Động cúng lập bài vị đưa ông Lê Công Hành về thờ ở đình làng cùng với các vị Cao Sơn Đại Vương, Minh Lang Nhạc Bộ Đại Vương. Vào thời nhà Nguyễn nhiều thợ thêu Quất Động đã được triệu vào kinh đô Huế làm việc. Họ lập phường thêu ở phố Cẩm Tú và cũng dựng nhà thờ tổ nghề Lê Công Hành. Bài khấn tổ sư có đoạn: “Tiên sư tài cao xuất loại, trí mại tiên tri, Nam triều oanh nguyệt, Bắc địa thiện tinh, tú khẩu cẩm tâm, ký dĩ văn chương minh thành thế, đạt châm ti tuyến, phục truyền tinh xảo dẫn ly phương năng thuật vi minh, đẩu sơn tại vọng, hữu công tác tụ, tang hải bất vong, thích phỏng xuân tiết, kính thiết phỉ nhi, nguyệt giám đơn thổn, tích dĩ hồng hy, phục duy thưởng hưởng” – Tạm dịch: “Tiên sư tài cao xuất chúng, trí vượt người trước, là vầng trăng sáng Nam triều, là ngôi sao làm đất Bắc. Lòng tựa gấm, miệng như thêu, đã lấy văn soi sáng đời thịnh trị. Mũi kim sợi chỉ lại truyền tinh xảo đến phương Nam. Tài khéo sáng tỏ như thấy sao Bắc Đẩu, thấy ngọn Thái Sơn. Có công đáng thờ phụng, dù dâu biển cùng không quên cầu xin phúc lớn. Kính mong thượng hưởng”.
“Văn tế tổ nghề truyền thống Việt Nam” trong đó có đoạn: “Tổ phụ nghề thêu Lê Công Hành đi sứ thần, bị nhốt trên lầu cao, không lương ăn, nước uống, sống nhờ pho tượng Phật bằng bột tẩm đường… Uống nước cúng, ngắm trời xanh, ngắm lọng vàng, nghi môn thêu hình rồng, hình phượng. Nghề thêu buổi đầu từ Ngũ Xã miền quê. Trải mấy trăm năm, nhờ tổ phụ mọi thị thành thôn xóm, đâu đâu cũng học được nghề. Dân bớt khổ, ngày ba tháng tám, trẻ già có công việc làm vui, làng trên xóm dưới đỏ đèn, đỏ đuốc…”
Mặc dù nghề thêu đã có từ trước đó, nhưng có lẽ chỉ rất ít người biết nghề và có thể sau đó cũng không còn ai làm nữa, dẫn đến có khả năng mất nghề hẳn trên đất nước Việt Nam. Nên đến khi ông Lê Công Hành hoàn thành nhiệm vụ đi sứ trở về, vì thương dân, lo kiếm việc làm ăn cho người lao động trước hết là truyền nghề cho năm xã xung quanh quê hương ông, để rồi sau đó nghề thêu được phát triển rộng khắp ra mọi miền đất nước. Từ thế kỷ XV, nghề thêu đã phát triển rộng ra khắp cả nước, do vậy ông tổ nghề thêu ở làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu chung của cả nước.
Trải qua hàng trăm năm, sự cần cù, tỉ mỉ và chăm chỉ của người Việt đã khiến cho nghề thêu không chỉ phát triển mạnh ở nơi khai sinh ra nó mà còn tỏa đi khắp dải đất hình chữ S, nhưng nhiều nhất tập trung ở phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Có thể nhắc đến những vùng quê phát triển mạnh nghề thêu như các làng: Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Đại Đồng, Nam Phú, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Văn Lâm (Ninh Bình), Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng) ...vv.
Với chất liệu (chỉ, vải) ngày một phong phú, với ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã dần biến tranh thêu vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật. Để tạo được một bức tranh thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên. Đặc biệt là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các bức tranh, nhất là tranh phong cảnh những màu sắc tự nhiên nhất. Người thêu tranh vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn của bức tranh mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ.
Từ những bức tranh thêu đơn giản, khổ nhỏ về cảnh vật, cuộc sống hàng ngày, các nghệ nhân và người thợ lành nghề đã cần mẫn sáng tạo, học hỏi để phát triển lên, mỗi làng lại có một nét độc đáo riêng của mình như chuyên về thêu phong cảnh, thêu truyền thần hay chỉ chú trọng vào thêu trên trang phục, nhất là trang phục hoàng cung ngày xưa. Từ Bắc, Trung, Nam ở đâu cũng có những nghệ nhân giỏi, giàu sáng tạo và yêu nghề. Chính niềm yêu nghề, sự cần mẫn của những người nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu tay ngày càng trở lên độc đáo, tinh xảo và phá cách hơn.
Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm của người Việt Nam… Các tác phẩm nổi bật của ngành thêu là tranh thêu phong cảnh như: Cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như: Chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế, hay những bức tranh mang đậm tích xưa như: Đám cưới chuột, Vinh quy, Hứng dừa, Cá chép trông trăng…, những bức tranh được “dệt” lên từ những đường kim, mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật.
Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh như: Đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời hay hình ảnh bóng nước, mái chùa, cây đa in trên mặt nước… Những bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của những người nổi tiếng được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh.
Trải qua những biến thiên của lịch sử và nhu cầu phát triển của thị trường, bên cạnh mảng tranh thêu truyền thống, nghề thêu hiện nay đã phát triển thêm phân khúc thêu hàng thời trang, áo dài, khăn trải bàn, chăn, gối... Bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống như: Đột, lướt vặn, bó bạt, đâm xô, nối đầu, chăng chặn, sa hạt, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép… thì nghề thêu hiện nay còn phát triển thêm nhiều kỹ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng… Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu.
Hàng tranh thêu nói riêng và sản phẩm thêu nói chung của Việt Nam từ lâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, không chỉ được tiêu thụ khắp cả nước mà còn được xuất khẩu sang hàng chục thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu ... Thêu đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và trở thành ngành nghề thủ công quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nghề thêu Quất Động dùng các kỹ thuật thêu gồm thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến… Trong các kỹ thuật đó thì thêu độn nổi và kim tuyến công phu nhất, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi, gần gũi với cuộc sống…Tùy vào nội dung bức tranh mà người làm nghề sử dụng nhiều hay ít màu chỉ.
Công việc của nghề thêu không đòi hỏi nhiều về sức lực nhưng cần có nhiều kỹ thuật, đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo với sự trau chuốt trong từng mũi kim và sự cảm nhận tinh tế về màu sắc, một tâm hồn nhạy cảm, rung động trước cái đẹp và chuyển tải cái đẹp đó vào từng chi tiết để tạo ra một tác phẩm sống động, tinh tế, hài hòa. Tùy vào độ khó và kích thước mà một sản phẩm có thời gian hoàn thiện từ vài ngày đến vài tháng. Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200- 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai. Tình yêu nghề của người Quất Động đã được đền đáp khi nghề dần được khôi phục, phát triển trở lại, khẳng định được uy tín trên thị trường, giúp cuộc sống của người dân thêm ổn định. Với người dân Quất Động, công việc thêu tranh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Bên những khung thêu, người già, trẻ nhỏ cần mẫn làm nghề. Kế thừa và phát triển nghề truyền thống, Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính (đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), Nghệ nhân Nhân dân Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu này. Ông chính là tác giả bức tranh thêu nhà vua Thái Lan Phu Mi Bon A Đun Da Dệt, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn trong bộ sưu tầm của hoàng gia Thái Lan. Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp. Thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông. Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường. Nó không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ, bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.
Nghề thêu hiện nay có nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú: Thêu tranh (phong cảnh, hoa, động vật, địa danh…) – Thêu chân dung (vua, chúa, nhân vật lịch sử, nguyên thủ quốc gia…) – Thêu phục vụ các bậc vua chúa, quan lại trong cung đình; phục chế trang phục cổ (long bào, áo mão, mũ, hia, đai, dầy... cho các vương triều vua chúa, hoàng hậu, quý tộc phong kiến Việt Nam và nước ngoài đặt), thời trang, khăn chầu, áo ngự phục vụ các loại hình diễn xướng sân khấu…
Nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho các tầng lớp vua quan trong thời phong kiến. Nghệ thuật thêu điêu luyện được thể hiện qua những bức tranh tinh xảo, hoạ tiết hoa lá trên bộ trang phục. Tùy theo địa vị của mỗi người mà các nghệ nhân thêu sáng tác hoạ tiết theo trang phục thượng triều đến trang phục thường ngày của vua chúa, đại thần, của hoàng hậu, hoàng gia. Mặc dù nghề thêu tay truyền thống có giá trị vô cùng lớn như vậy nhưng những nghiên cứu ứng dụng thêu tay truyền thống vào ngành may mặc thời trang chưa được nhiều người chú trọng. Mới chỉ có một số nhà Thiết kế Thời trang sử dụng thêu tay truyền thống kết hợp với với lụa để tạo ra sản phẩm thời trang như nhà thiết kế Minh Hạnh, Lan Hương, Đỗ Trịnh Hoài Nam… và các hãng thời trang nổi tiếng như thời trang fiona, thời trang mivaly, thời trang Amy…Thêu: Có rất nhiều khái niệm về thêu xong được hiểu một cách khái quát: Thêu là dùng những mũi kim thêu lên vải qua các sợi chỉ hoặc sợi len. Sử dụng kim và chỉ thể hiện sản phẩm, nghệ thuật thêu đã phát triển từ xa xưa khi con người biết đến cái đẹp, biết đến giá trị thẩm mĩ. Theo Bùi Văn Vượng (1995) Thêu Quất Động, Tạp chí công nghiệp nhẹ (300). “Thêu còn được hiểu là cách trang trí lên bề mặt vải hoặc trên một bề mặt khác muốn trang trí”. Tuy nhiên để thông thạo và thêu được những sản phẩm có độ khó và tính thẩm mĩ cao thì cần những thợ lành nghề mới thêu được.
Thời nghề thêu phát triển rầm rộ nhất (1972-1986), riêng ở huyện Thường Tín vốn là quê gốc nghề thêu từ làng Quất động xã Thắng Lợi đã được nhân rộng ra hầu khắp các xã trong huyện và các vùng lân cận. Các nghệ nhân thêu cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng: Câu đối, y môn, lọng, cờ, phướn, trướng, màn che, khăn trải bàn, khăn tay, ga trải giường, thời trang, phục chế “long bào của vua, chúa, hoàng hậu, cung phi, hoàng thái tử, mũ mão cân đai… của các triều đại phong kiến Việt Nam và nước ngoài đặt”, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến các tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung các nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, Hồ Gươm, chân dung Lê Nin… Ngoài nghệ thuật thêu các nghệ nhân còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi sách.. trên sản phẩm thêu. Mọi nhà đều làm trên đơn đặt hàng với các mẫu mã cho sẵn hoặc tự sáng tác sáng tạo.
Trong thực tế, sự tôn vinh những vị Tổ nghề là một việc làm phổ biến của người dân các làng nghề ở Việt Nam, việc làm này ngoài việc ca ngợi những người lao động giỏi, còn là sự tri ân của nhân dân đến các vị tiên hiền đã có công gây dựng ngành nghề. Đúng như nhận định của tác giả Kiều Thu Hoạch: “Việc thần thánh hóa những người thợ thủ công tài giỏi, những ông Tổ sư các nghề vốn là một đặc điểm phổ biến của truyền thuyết ở nhiều nước. Về ý nghĩa, nó thể hiện nguyện vọng của nhân dân muốn biểu dương, ca ngợi những thành quả lao động, lý tưởng hóa nó, nâng nó lên thành những mẫu mực đẹp đẽ. Nhưng riêng ở Việt Nam nó lại mang một màu sắc khác: Đó là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống ghi nhớ công ơn của tổ tông, gần là ông bà, cha mẹ mình, xa hơn chung hơn là tổ tiên của dân tộc mình”. Thế mới biết dù đi đâu, ở đâu, người thợ thêu Quất Động vẫn nhớ đến tổ nghề với lòng thành kính vô bờ.
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội – Đất nghìn năm văn hiến – Miền của đất trăm nghề truyền thống – Gần như ở xã nào cùng có nghề truyền thống – Nghề thêu truyền thống đã tạo ra được những tác phẩm thêu “hớp hồn” bao du khách trong nước và quốc tế. Gặp mặt các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam của Hà Nội – Chúng tôi không khỏi xúc động khi được chứng kiến gần chục nghệ nhân ở Thường Tín được phong tặng có: NNND thêu Thái Văn Bôn (sinh 26/12/1935 – Nay đã 88 tuổi ở 48 Trần Cao Vân, Hai Bà Trưng, Hà Nội); NNND thêu Nguyễn Quốc Sự (sinh ngày 1/5/1942 – Nay đã 81 tuổi ở Khoái Nội, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội); NNND thêu phục chế Vũ Giỏi (sinh 28/2/1969 – Còn rất trẻ, tài cao đặc sắc ở Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín Hà Nội); NNUT thêu Nguyễn Xuân Dục (sinh 24/4/1957 ở Khoái Nội, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội); NNUT thêu Nguyễn Đức Khoa (sinh 24/4/1965 ở Khoái Nội, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội); Đặc biệt cả 2 vợ chống: NNHN thêu Lê Văn Nguyên hiện làm Chủ tịch Hội Thêu huyện Thường Tín sinh ngày 15/12/1969 và vợ là NNHN thêu Lê Thị Xuân cùng ở gần cổng làng Khoái Nội, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội – Hiện có 3 phòng tranh rất phong phú có giá trị kinh tế rất cao – Thật xứng danh “Thường Tín Đất Danh Hương”./.
Hội thảo Khoa học - Danh nhân Văn hóa lịch sử Lê Công Hành
Thạc sĩ Phùng Quang Trung