Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Phú Mỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng về sức người, sức của, trực tiếp tham gia chiến đấu và che chở nghĩa quân kháng chiến. Điều đó phần nào nói lên sự đoàn kết chiến đấu ngoan cường, quyết không cho kẻ thù xâm lược tấc đất cha ông của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau khi chiếm được Sài Gòn và Mỹ Tho, vì địa bàn rộng, lính thiếu, mệt mỏi lại phải giãn quân để đối phó với các hoạt động chống trả của quân và dân ta ở phía Đông (Biên Hòa Và Bà Rịa), thực dân Pháp phải tạm ngừng các cuộc hành quân lớn. Vào thời điểm này, ở vùng Bà Rịa, chúng chỉ xây dựng một đồn duy nhất ở làng Phú Mỹ, gần đường sông đi Sài Gòn, làm nơi trấn giữ cửa ngõ quan trọng và đầu mối thông tin để điều binh khi hữu sự.
Cũng tại đây, ngày 3 tháng 7 năm 1862, Trưởng thôn Phú Mỹ, vì có hành động phản kháng đã bị các lính Pháp giết chết. Cái chết của một vị trưởng thôn có thể là sự kiện không lớn, nhưng tiêu biểu ở Bà Rịa, được sử sách nhắc lại nhiều lần. Trong hoàn cảnh đó, nó chứng tỏ tinh thần, thái độ cương quyết chống Pháp của nhân dân vùng đất thị xã Phú Mỹ trước kia.
Tháng 8 năm 1864, lãnh tụ Trương Định, vốn rất ảnh hưởng ở miền Đông Nam bộ bị hy sinh. Phong trào chống Pháp ở phủ Phước Tuy nói riêng và Nam bộ nói chung suy yếu dần
Sau này, khi phong trào Cần Vương phát triển (1885-1896), Tân Thành là địa bàn dừng chân, đi về kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp của những người một lòng cứu nước. Khi phong trào Cần Vương bị vỡ, nhiều sĩ phu yêu nước không hợp tác với giặc đã lên núi Dinh mai danh ẩn tích, tu chí chờ thời cơ. Những người yêu nước đó đã để lại trên núi Dinh nhiều địa danh, dấu tích chùa chiền còn lại đến hôm nay.
Đời sống người dân Tân Thành vốn hết sức khổ cực. Họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, khai thác củi, gỗ, múc dầu chai trên núi. Mùa mưa vào rừng trồng tỉa, mùa khô lấy cũi, đánh bắt cá. Nhận xét về vùng đất này, sách Chuyên khảo về Bà Rịa và thành phố Cap Saint Jacques viết: Chỉ có cây đước là sống được ở môi trường nước lợ này với những chùm rễ rậm rạp như lưới giữ lại bùn đất phù sa… nhưng công việc này của thiên nhiên chưa hoàn thành và còn biết bao năm nữa đất các làng Thạnh An, Hội Bài và Phước Hòa có thể trồng gì khác ngoài cây đước lấy gỗ đốt than.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù dân số thị xã Phú Mỹ trước kia không đông như những địa phương khác ở Bà Rịa –Vũng Tàu, nhưng tuyệt đại đa số là dân lao động, rất cần cù và một lòng một dạ theo cách mạng.
Cuộc sống bình thường vốn đã quá khó khăn, huống chi người dân Tân Thành phải chịu ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp.
Tóm lại, trong quá khứ thị xã Phú Mỹ là vị trí đầu mối, là con đường quan trọng trong quá trình mở đất về phương Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, vùng đất Phú Mỹ là vị trí quân sự chiến lược quan trọng. Nhân dân các xã vùng lộ 15 (nay là Quốc lộ 51) đã đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tích của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước phong tặng cũng chính là thành tích chung của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã của vùng đất thị xã Phú Mỹ trước kia.
Trong tương lai, thị xã Phú Mỹ sẽ là khu vực giãn dân cho các đô thị lớn ở miền Đông Nam bộ. Phú Mỹ sẽ trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển các khu công nghiệp tập trung. Khi các dự án thành phần trong dự án tổng thể liên hiệp khí - điện-đạm hoàn thiện, Phú Mỹ sẽ là trung tâm điện năng lớn nhất Đông Nam Á. Tương lai tươi đẹp đó được bắt nguồn từ quá khứ và hiện tại./.
(còn nữa….)
Đào Quốc Thịnh (biên soạn)