banner 728x90

Huyệt đạo linh thiêng trên dãy Ngàn Nưa (Thanh Hoá)

21/04/2025 Lượt xem: 2559

Không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, núi Nưa ở tỉnh Thanh Hóa còn được xem là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Núi Nưa hay còn gọi là Ngàn Nưa, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, tọa lạc tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Quần thể di tích này bao gồm ba địa danh quan trọng: Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 100ha.

Quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên rộng gần 100ha. Ảnh minh họa

Trên đỉnh Ngàn Nưa là đền Am Tiên, nơi có độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Vào mùa hè, không gian nơi đây trong lành, quang đãng, còn mùa đông lại chìm trong làn sương mờ huyền ảo, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, u tịch, nhuốm màu huyền bí.

Theo truyền thuyết, nước ta có ba "huyệt đạo" linh thiêng, trong đó huyệt đạo Am Tiên trên núi Nưa được xem là linh thiêng bậc nhất. Đây là nơi nhân dân địa phương thờ Bà Triệu và được coi là nơi giao hòa năng lượng vũ trụ giữa trời và đất.

Núi Nưa là một địa danh nổi tiếng ở Thanh Hóa. Ảnh: Dân Việt

Minh chứng về ngọn núi thiêng này được ghi chép rõ ràng trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn:

“Ở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống (nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) có tên gọi là khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi có nhiều ma quỷ nhưng rồi một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần ma quỷ biến mất đi nên có tên gọi như thế. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân) đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm. Nơi đây có 4 ngọn nước đổ dồn, nhà phong thủy nói bảy phiến long, bảy phiến hổ tức là nơi này. Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên…”.

Không chỉ vậy, nơi đây còn lưu truyền nhiều dấu ấn lịch sử và tích xưa ly kỳ. Năm 247, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ luyện tập võ nghệ, khởi nghĩa chống quân Đông Ngô.

Dù cuộc khởi nghĩa không thành công và bà phải tuẫn tiết tại núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), nhưng câu nói của bà vẫn trường tồn với hậu thế: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng quỳ gối làm tì thiếp cho người".

Đền Am Tiên nhìn từ trên cao. Ảnh: TTV

Tương truyền, trên ngọn cao nhất của dãy Ngàn Nưa có một ngôi chùa cổ - Am Tiên, bên cạnh là một động sâu thẳm, tối tăm và hiểm trở. Tương truyền, vào thời nhà Hồ, Hồ Hán Thương - vị vua thứ 2 và cũng là vị vua cuối cùng của vương triều Hồ từng đi săn tại đây và tình cờ gặp một người tiều phu hát bài ca cổ.

Nghi ngờ đó là bậc hiền tài ở ẩn, ông sai thị thần mời ra nhưng người này từ chối. Lần thứ hai, vua Hồ Hán Thương sai lính dùng kiệu lớn (an xa) đến ép người tiều phu về triều, nhưng khi đến nơi, cửa động đã phủ đầy rêu phong, lối vào bị chặn kín. Tức giận, nhà vua ra lệnh đốt núi, nhưng bất ngờ thay, từ trong động một con hạc đen bay vút lên trời, lượn múa giữa không trung rồi biến mất.

Ghi chép cổ đều mang hàm ý rằng nơi đây từng là chốn tu hành của một ẩn sĩ thời Trần - Hồ, người đã ẩn mình trong rừng sâu, núi thẳm để tu tiên, đắc đạo.

Huyệt đạo Am Tiên. Ảnh: Vietnamnet

Trên đỉnh Ngàn Nưa, ngoài Am Tiên - nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật… còn có nhiều địa danh kỳ bí gắn liền với những truyền thuyết huyền thoại. Một trong số đó là bàn cờ Tiên, nơi các tiên ông xưa kia thường ghé thăm, cùng nhau chơi cờ giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, ngắm nhìn núi non trùng điệp và làng mạc thanh bình. Đến nay, dấu tích của bàn cờ Tiên vẫn còn in đậm trên đỉnh núi, như một minh chứng cho những huyền thoại được lưu truyền qua bao thế hệ.

Bên cạnh đó, giếng Tiên cũng là một địa điểm linh thiêng với câu chuyện huyền bí: dù trải qua bao mùa hạn hán khắc nghiệt, nước trong giếng vẫn không bao giờ cạn mà luôn trong xanh, mát lành. Tương truyền, ai đến giếng xin nước uống sẽ gặp nhiều may mắn.

Nước giếng Tiên trên đỉnh ngàn Nưa quanh năm trong xanh, không bao giờ cạn. Ảnh: Kinh tế Nông thôn

Không chỉ vậy, trên đỉnh Am Tiên còn có vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên, huyệt đạo thiêng… tất cả đều gắn liền với những giai thoại thần tiên. Dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện kỳ bí về các tiên ông xuống chợ hay về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi từng được dùng để cột voi chiến.

Lại có chuyện chép rằng, vào thời nhà Đường, khi nhận thấy Ngàn Nưa sở hữu địa thế linh thiêng, long mạch mạnh mẽ, tướng giặc Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng bất thành.

Nhiều người tin rằng, huyệt đạo nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa, nơi được xem là điểm giao hòa giữa trời và đất. Đây là một gò đất bằng phẳng, rộng chừng vài chục mét vuông, thu hút đông đảo người hành hương đến chiêm bái.

Trải qua hàng nghìn năm biến thiên lịch sử, dấu tích trên Ngàn Nưa dần bị thời gian xóa mờ, nhưng những câu chuyện huyền bí về vùng đất này vẫn thấm đẫm trong từng phiến đá, từng gốc cây, ngọn cỏ. Đã có thời điểm, người dân trong vùng phải nhặt nhạnh từng viên gạch, viên đá từ những phế tích đổ nát để dựng lên một gian thờ nhỏ, tiếp tục hương khói phụng thờ Bà Triệu.

Thế nhưng, bất chấp bao thăng trầm, Đền Nưa - Am Tiên vẫn bền bỉ hiện diện, trường tồn cùng năm tháng, trở thành điểm tựa tâm linh linh thiêng của người dân xứ Thanh.

Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 20 tháng Giêng. Ảnh: TTV

Có lẽ cũng chính bởi điều đó mà Ngàn Nưa luôn là "nơi mong đến, chốn tìm về" của bao du khách thập phương. Hằng năm, cứ đến mùng 9 tháng Giêng, chính quyền địa phương lại tổ chức lễ khai hội Đền Nưa - Am Tiên, đồng thời diễn ra nghi thức đặc biệt "mở cổng trời" trên đỉnh núi, thu hút hàng ngàn người đến tham dự, chiêm bái và cầu nguyện cho một năm mới an lành, may mắn.

Theo Thị trường Tài chính

 

Tags:

Bài viết khác

Nhà thờ Cái Bè – Di sản kiến trúc độc đáo và tráng lệ của miền Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những dòng sông hiền hòa, cảnh vật yên bình và nền văn hóa đặc sắc. Trong bức tranh sông nước đó, những công trình kiến trúc cổ kính như nhà thờ Cái Bè không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Chùa Mèo và sự tích ‘miêu thần' cứu thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn

Chùa Mèo ở huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) có lịch sử lâu đời với sự tích “miêu thần cứu chúa” đầy ý nghĩa.

Dinh Cô Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) – Dấu ấn kiến trúc và tín ngưỡng dân gian vùng biển

Nằm nép mình dưới chân núi Thùy Vân, hướng mặt ra biển khơi, Dinh Cô không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng của ngư dân Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) mà còn là công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Linh Sơn Cổ Tự – Trầm mặc lịch sử và tinh thần Phật giáo giữa lòng Vũng Tàu

Linh Sơn Cổ Tự, tọa lạc tại số 104 Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu, không chỉ là ngôi chùa cổ nhất của vùng đất này mà còn là biểu tượng văn hóa – tâm linh mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời. Với gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Linh Sơn Cổ Tự ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết tinh tinh thần Phật pháp cùng kiến trúc truyền thống độc đáo.

Những ngôi chùa đặc biệt ở Trường Sa

Trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa của quần đảo Trường Sa đều có màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng trong những tán cây xanh.

Hành trình tâm linh qua ba ngôi chùa cổ trăm tuổi tại Cần Thơ

Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc sông nước hữu tình mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc qua các ngôi chùa cổ.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TP.Hồ Chí Minh

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.Hồ Chí Minh, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Ngôi chùa hơn 300 tuổi ở Bình Định

Thập Tháp Di Đà là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính.
Top