banner 728x90

Đồng thầy - “thủ lĩnh tâm linh” dẫn dắt thực hành thờ Mẫu và giáo hóa “tín đồ”

17/10/2024 Lượt xem: 2418

Đồng thầy và các thành viên trong bản hội đều là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, vai trò của họ lại không hoàn toàn giống nhau đối với thực hành này. Đồng thầy với tư cách là chủ bản hội, người dẫn dắt tâm linh cho các tín đồ nên đồng thầy có vai trò như một “thủ lĩnh”- “thủ lĩnh” tâm linh. Còn các thành viên bản hội đóng vai trò là cộng đồng thực hành tín ngưỡng.

Đồng thầy là người tạo nên và “sở hữu” bản hội. Do đó, vai trò đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện trước hết trong bản hội của chính họ. Những tư liệu phỏng vấn và quan sát của tác giả trong nhiều năm cho thấy, đồng thầy có vai trò trong việc dẫn dắt và giáo hóa đệ tử, giữ gìn và trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, “hoằng dương” tín ngưỡng thờ Mẫu và bảo tồn phát triển các không gian thực hành tín ngưỡng này.

Các “tín đồ” thờ Mẫu không có bất kỳ một cuốn sách hay văn bản nào hướng dẫn về việc thực hành nghi lễ. Tất cả họ hoàn toàn thực hành theo cách chỉ dạy của đồng thầy. Do đó, đồng thầy có vai trò quan trọng, thực sự là một “thủ lĩnh tâm linh”. Việc được coi là có khả năng đặc biệt, khả năng giao tiếp với thần linh để “kêu thấu tấu nổi”, để chữa bệnh trừ tà, hay để gọi hồn, tìm mộ, v.v… cộng với những trải nghiệm đời sống tâm linh đã đem đến cho đồng thầy một thứ quyền lực thiêng, quyền lực của người ra lệnh và các tín đồ trong bản hội là những “thần dân” nghe và thực hiện theo. Khi khảo sát một số bản hội ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở miền Bắc, chúng tôi nhận thấy các tín đồ, nhất là các thanh đồng - những người mà cuộc đời thứ hai (cuộc đời tâm linh) của họ gắn liền với thần linh tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất nhất thực hành theo những lời chỉ dạy của đồng thầy, thậm chí họ lo sợ rằng, nếu không thực hiện theo đúng lời chỉ dạy của đồng thầy sẽ dẫn đến những thiếu sót nào đó và họ sẽ bị thần linh trách mắng, quở phạt. Về phía đồng thầy, họ luôn luôn nhận thức trách nhiệm và bổn phận của mình là “người đi trước” phải “rước kẻ đi sau”. Chẳng hạn, sau khi trình đồng mở phủ cho một đệ tử, các đồng thầy sẽ hướng dẫn họ thực hành nghi lễ thờ Mẫu, làm lễ tạ 100 ngày, đi trình trầu ở các đền phủ để “Cha biết mặt, mẹ biết tên”. Đồng thầy cũng chỉ dạy cho họ phải biết kiêng cữ một số điều trước khi hầu thánh, như phải biết giữ thanh sạch cơ thể, không quan hệ vợ chồng, không ăn mắm tôm, thịt chó, v.v… Và điều quan trọng trong thực hành thờ Mẫu là chữ Tâm, chữ Thiện vì theo quan niệm của các tín đồ thờ Mẫu thì: “Tâm thành thay sớ biểu”, “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Bên cạnh việc dẫn dắt thực hành, các đồng thầy còn giáo hóa tín đồ, dạy họ phải biết tu dưỡng đạo đức “trên kính Phật Thánh dưới kính đồng thầy”, đối với các thành viên trong bản hội thì phải coi nhau như anh em một nhà giúp đỡ và yêu thương nhau vì đều là con của Mẫu.

Vai trò dẫn dắt tâm linh này có thể được diễn ra theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp là thông qua các cuộc gặp mặt mang tính cá nhân, hoặc cũng có thể thông qua những buổi gặp mặt đông đủ. Thông thường mỗi bản hội một năm có 4 ngày lễ đông đủ là lễ đầu năm, lễ vào hạ, lễ tán hạ và lễ cuối năm. Nhân những dịp lễ này, đồng thầy truyền đi “thông điệp” của mình. Một bản hội lớn ở Hà Nội mà chúng tôi biết có truyền thống trong những ngày lễ trọng là trước khi “bắc ghế hầu Thánh”, đồng thầy luôn có một bài phát biểu, trước là xin với Vua Cha Mẫu Mẹ được hầu Người và sau là lồng ghép vào đó những lời tâm tình để khuyên răn các tín đồ, các thanh đồng về đường tu dưỡng, đã là con của Mẫu thì không được tham, sân, si, v.v… Dẫn dắt tâm linh bằng hình thức gián tiếp là sử dụng ưu thế phát triển của công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đồng thầy giao tiếp với tín đồ qua Internet (facebook). Một đồng thầy ở Hà Nội mà chúng tôi biết thường đăng tải lên facebook những bài thơ do chính mình sáng tác để khuyên răn các đệ tử trong bản hội phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau và “kính Thánh trọng đồng”. Nhưng có thể nói không có cách nào giáo hóa và dẫn dắt đệ tử có thể tốt hơn qua chính tấm gương của đồng thầy. Bản thân đồng thầy là người có tâm, có tính thiện thì ắt hẳn các tín đồ sẽ noi theo và khi ấy lời nói của đồng thầy sẽ có trọng lượng. Đó là lý do vì sao các tín đồ thờ Mẫu không thể theo bất kỳ bản hội cũng như bất kỳ đồng thầy nào mà không có sự lựa chọn và cân nhắc. Nhiều tín đồ mà chúng tôi phỏng vấn cho rằng, họ muốn trao gửi đời sống tâm linh của mình cho một đồng thầy có tâm, không lèo lá, ích kỉ và không có tính vụ lợi.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top