banner 728x90

Độc đáo đàn đá Đắk Kar

18/03/2025 Lượt xem: 2435

Bộ đàn đá của người M’Nông được tìm thấy từ những năm 80 thế kỷ trước tại suối Đắk Kar, xã Quảng Tín, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông. Đến năm 1993, bộ đàn đá này được Nhà nước sưu tầm, bảo quản. Sau đó bộ đàn đá được đặt tên theo tên của dòng suối nơi phát hiện là đàn đá Đắk Kar.

Bộ đàn đá Đắk Kar được nhóm nghệ sĩ người Pháp kết hợp với công nghệ tiên tiến được trưng bày tại Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông.

Bộ đàn đá được phát hiện gồm 3 thanh đá có hình thù, độ dài ngắn khác nhau, khi gõ vào đá phát ra âm thanh trầm bổng tạo nên bản nhạc khác lạ. Theo tiếng của đồng bào M’Nông, đàn đá gọi là goong lú, nghĩa là cồng đá. Các già làng tại xã Quảng Tín kể rằng, trước đây người M’Nông bản địa giữ những bộ đàn đá để dùng vào việc cúng thần linh hoặc sử dụng trong các lễ hội của bon, làng… Nhưng sau đó, vì cuộc sống du canh, du cư nên những bộ đàn đá bị thất lạc dần.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đàn đá Đắk Kar có niên đại khoảng 2.500 đến 3.000 năm, được làm từ chất liệu đá sừng cordierite. Qua gia công ghè đẽo, chế tác, người tiền sử đã tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh gồm 3 thanh, với ý nghĩa là thanh t’ru (cha), thanh t’rơ (mẹ), thanh tê (con). Đây là hiện vật có giá trị rất lớn bổ sung vào bộ sưu tập nhạc cụ nhóm đá sừng, đóng góp mới cho việc nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật cổ xưa, đặc biệt là các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên.

Việc giải mã đàn đá Đắk Kar của các nhà nghiên cứu đã tái hiện dòng lịch sử quay về với Tây Nguyên thời cổ đại cách ngày nay khoảng 2.500 đến 3.000 năm; cho thế hệ đương đại một góc nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa độc đáo mà người tiền sử trên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn đã sáng tạo, lưu truyền đến ngày nay.

Cũng theo các tài liệu nghiên cứu, đàn đá thường được hình thành từ nhiều thanh, làm bằng đá sừng, hoặc đá nham... Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để cho được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh...

Kích thước của đàn đá thường khá dài, thanh đá có trọng lượng lớn nên ít được treo mà được các nghệ nhân đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang trong quá trình diễn tấu. Qua hàng nghìn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây Nguyên vẫn giữ được sự tinh túy, âm hưởng mộc mạc của nhạc cụ thời tiền sử, thể hiện phong tục tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’Nông cổ xưa, được gìn giữ qua nhiều thế hệ như một sự phục hồi và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Năm 2005, các bộ đàn được phát hiện, trong đó có đàn đá Đắk Kar đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Hiện bộ đàn đá này đang được trưng bày tại Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông. Bộ đàn đá Đắk Kar cũng là biểu tượng của “Xứ sở của những âm điệu” - Điểm di sản số 32 trong tổng số 44 điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Từ sự kỳ diệu của đàn đá Đắk Kar, năm 2019, trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông, lấy cảm hứng từ những âm thanh của đá mang lại, một nhóm nghệ sĩ người Pháp đã kết hợp giữa đàn đá Đắk Kar với ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo nên một bộ đàn đá hiện đại, với âm thanh của đá rất huyền bí và đầy tính khám phá.

Bộ đàn đá hiện đại được tạo nên gồm 5 thanh đá, dựa trên 5 yếu tố của tự nhiên (ngũ hành), gồm kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Khi tác động, bộ đàn đá này phát ra âm thanh dựa trên nguyên tắc cảm ứng từ bàn tay con người, không cần dụng cụ gõ, chỉ cần đặt nhẹ tay hoặc vuốt lên bề mặt của từng thanh đá thì sẽ phát ra âm thanh. Đây là tác phẩm tương tác trực quan đầy tính nhạc. Khi xoa nhẹ vào mỗi thanh đá, sẽ cảm nhận được sự tương tác của từng người khác nhau. Các rung động được cộng hưởng nhờ sự tương tác giữa hình ảnh và âm thanh. Các hình ảnh huyền ảo này đến từ các hình thái khác nhau của chất lỏng.

Nguồn: Nhân dân online

 

 

Tags:

Bài viết khác

Vẻ đẹp siêu thực của tượng phật Quan Âm cao nhất Việt Nam

Bình minh giao mùa, tượng phật Bồ tát Quán Thế Âm cao 125 m nằm trên đỉnh núi Thiên Mã, TP Quảng Ngãi thoắt ẩn, thoắt hiện huyền ảo giữa biển mây tạo nên vẻ đẹp siêu thực hệt như chốn thần tiên.

Những đóng góp của tôn giáo trong bảo vệ môi trường trên thế giới qua giá trị đạo đức, giáo lý và hành động

Tôn giáo và bảo vệ môi trường là hai khái niệm tưởng chừng không liên quan nhưng thực tế lại có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài. Trong hàng nghìn năm qua, các hệ tư tưởng tôn giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức, hành vi và lối sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới, trong đó có những giá trị đạo đức sâu sắc liên quan đến sự bảo vệ thiên nhiên và lòng tôn trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến hành vi của hàng triệu tín đồ.

Ngôi chùa ở Nam Định có bức tượng Phật A Di Đà bằnɡ đá xanh lớn nhất Việt Nam

Chùa Bình A (xã Đồng Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) là điểm đến tâm linh nổi bật với bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh tự nhiên lớn nhất Việt Nam

Lập hạ là gì? Ý nghĩa tiết lập hạ

Lập hạ là một trong những tiết khí quan trọng trong văn hóa và nông nghiệp của nhiều quốc gia Đông Á, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiết Lập hạ là tiết khí thứ 7 trong năm và là tiết khí đầu tiên của mùa hè.

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Đua thuyền tứ linh trên sông Trà (Quảng Ngãi)

Hàng trăm năm nay, cứ vào đầu tháng giêng âm lịch, người dân xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lại rộn ràng hội đua thuyền tứ linh ở sông Trà. Đây là ngày hội lớn nhất của người dân xứ này, thể hiện nét tín ngưỡng truyền thống của người dân địa phương và cũng là để tri ân các bậc tiền hiền đã khai khẩn, lập làng, mong mưa thuận gió hòa, đời sống người dân an yên.

Lễ hội điện Huệ Nam là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (hay còn gọi là điện Hòn Chén) là một trong những lễ hội quan trọng và đặc sắc của xứ Huế đã đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 30/3/2025.

Tranh Thangka – sự tinh hoa của nền mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng

Các cộng đồng cư dân trên dãy núi Himalaya nổi tiếng với nền văn hóa bản địa đặc sắc, thể hiện qua nhiều sản phẩm văn hóa liên quan đến đạo Phật, trong đó có tranh Thangka.

“Nước” trong văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng dân gian và khoa học hiện đại

Là yếu tố gắn bó mật thiệt với cuộc sống của muôn loài, nước chiếm 70% cơ thể người cũng như bao phủ 70% bề mặt trái đất nên từ lâu đã đi vào đời sống tôn giáo, tín ngưỡng bất kể các vùng miền cũng như nhận được sự quan tâm nghiên cứu của xã hội.
Top