banner 728x90

Tứ phủ Thánh Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

28/09/2024 Lượt xem: 2373

Tứ phủ Quan Hoàng hay Tứ phủ Thánh Hoàng là các Ông Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu còn được dân gian gọi là Thập vị Ông Hoàng mà ta hay thấy tọa dưới hàng Chầu Bà và Ngũ Vị Tôn Quan trên ban thờ Tứ phủ. Đây là các vị Thánh nam thuộc về bốn phủ: Thiên, Điạ, Thoải và Nhạc. Huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh.

Bàn thờ Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu 

Trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, ở hàng Tứ phủ Thánh Hoàng, ta thường thấy có đại diện là Ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Các Ông Hoàng này thường được thờ ở ban công đồng hoặc ban riêng trong trang phục với màu sắc khác nhau, tượng trưng cho từng phủ. Các Thánh Hoàng thường đảm nhiệm chức năng thay quyền Vua Cha, Thánh Mẫu để ban tài, tiếp lộc, ban công, ban quyền, phù trợ việc học hành, thi cử cho người dân. Đôi khi, các ngài cũng chấm lính, bắt đồng hoặc thậm chí ứng đồng xem bói.

Các Ông Hoàng thường được gọi tên theo thứ tự từ Ông Hoàng Cả đến Ông Hoàng Mười.

Ông Hoàng Cả còn gọi là Ông Hoàng Quận, là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, có nhiệm vụ coi giữ sổ sách trên thiên đình.
Ông thường rong chơi khắp chốn bồng lai, tiên cảnh. Khi dạo chơi trên thượng giới, Ông thường cưỡi con Xích Long, khi dạo chơi trên mặt nước Ông Hoàng cưỡi rắn Tam đầu Cửu vĩ. Ông thường phù hộ cho người làm ăn buôn bán hoặc kẻ học hành khoa cử.
Ông Hoàng Cả không giáng trần nên không có thần tích về các hiện thân của Ông nên hầu như không có đền thờ chính. Hiện nay, Ông được phối thờ một ban riêng có tên là ban Quan Hoàng Quận ở đền Trung Suối Mỡ (Bắc Giang).

Quan Hoàng Đôi là con Vua cha Bát Hải. Hiện thân của Ông là Tướng quân Nguyễn Hoàng. Ông theo lệnh vua cha, giáng sinh lên cõi trần gian, làm con trai thứ hai nhà họ Nguyễn, sau đó ông trở thành danh tướng, có công giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc”.  Ngài là một thánh quan vô cùng linh thiêng không kém Quan Hoàng Bảy hay Quan Hoàng Mười. Đặc biệt, đến đền Ngài cầu danh, cầu lộc, cầu thi cử rất linh nghiệm. Đây là điều còn ít người biết đến.

Quan Hoàng Đôi có 2 đền chính tại: Đền Quan Hoàng Triệu tại Thanh Hóa (Gắn với nơi sinh và nơi được vua Lê phong đất), Đền Hoàng tại Chèm - Hà Nội (gắn với nơi đóng quân của Ngài khi ra bắc giúp vua Lê diệt nhà Mạc. Ngoài ra, Ngài còn được phối thờ tại Ban Tứ Phủ Thánh Hoàng tại một số đền phủ khác.

Ông Hoàng Bơ hay chính là Ông Hoàng Ba (“Bơ” là cách đọc chệch đi của “Ba”) là vị Thánh Hoàng thuộc Thoải phủ. Tương truyền, Ông thông thuộc Phật pháp, thơ phú và từng hiển linh giáng trần ban phúc cho dân, ban lộc cho người buôn bán, kẻ học hành đỗ đạt. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông ngự màu áo trắng của Thoải cung. Ngày tiệc của ông là vào 13 tháng 6 và 7 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Quan Hoàng Tư là con của Đức Vua Cha Động Đình. Trong Tứ Phủ, ngài cai quản thủy cung. Ngài không giáng trần nên không có đền thờ. Do không giáng trần nên cũng không có thần tích về Ngài. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Nguyễn Hữu Cầu, còn gọi là Quận He. Đền thờ chính của Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu tại thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Ông Hoàng Năm không giáng trần nên không có đến thờ riêng và không có thần tích. Ngài có nhiệm vụ gì trên thiên cung cũng không ai được rõ và cũng không ai biết Ngài có thể phù hộ cho dương gian được những điều gì. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng quân Hoàng Công Chất - một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thủa. Hiện nay, thành Bản Phủ tại thành phố Điện Biên là nơi thờ chính của Hoàng Công Chất.

Cũng như Quan Hoàng Tư, Quan Hoàng Năm thì Quan Hoàng Sáu không giáng trần nên không có đền thờ chính và tất nhiên, Quan Hoàng Sáu không có thần tích. Tuy nhiên, cũng có người phân vân tướng quân Hoàng Lục có phải là hiện thân của Quan Hoàng Sáu hay không, bởi chữ Lục là Sáu nên làm người ta liên tưởng đến Hoàng Lục chính là Quan Hoàng Sáu. Tướng quân Hoàng Lục - người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, giữ vững biên cương phía Bắc dưới triều Lý, được nhà Lý phong “An Biên tướng quân”. Đền thờ của Hoàng Lục hiện nay tọa lạc trên ngọn đồi Đoỏng Lình (linh thiêng) thuộc làng Chi Choi, xã Đình Phong (Trùng Khánh) - Cao Bằng.

Ông Hoàng Bảy còn được gọi là Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Các huyền tích về Ông gắn liền với nơi thờ Ông là đền Bảo Hà, Lào Cai. Tương truyền, tên húy của Ông là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê. Bằng tài thao lược, Ông đã có công dẹp giặc, hộ quốc, an dân, sau này cũng vì dân mà hy sinh. Sau khi Ông mất lại hiển linh phù giúp nước nhac, được các triều đình phong kiến ban sắc phong Thượng đẳng thần, phong danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, “Thần Vệ Quốc”. Trong điện thần và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bảy ngự áo màu lam hay tím chàm, cũng có khi là màu hồng/đỏ. Ngày tiệc Ông là vào 17 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Ông Hoàng Bát tương truyền vốn là danh tướng Nùng Trí Cao trong lịch sử, quê Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay). Ông có công đánh giặc Tống xâm lược, lưu danh sử sách, được nhân dân ghi nhớ công ơn và lập đền thờ tự. Sau này, Ông được triều đình phong kiến sắc phong Thượng Đẳng Đại Vương. Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bát ngự áo màu vàng. Tuy nhiên, ông rất ít giáng đồng. Đền thờ chính của Ông nằm ở đền Kỳ Sầm, xã Vinh Quang, Hòa An, Cao Bằng. Ngày tiệc Ông là vào 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, khi nói tới Ông Hoàng Chín, người ta lập tức nhớ ngay tới Ông Chín Cờn Môn. Nơi chính thờ của Ông nằm ở đền Cờn, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi mất, Ông hiển linh phù trợ cho dân, được nhân dân thờ phụng. Trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, ông Chín Cờn Môn thường ngự áo the khăn xếp màu đen, hoặc the hồng khăn xếp đỏ.

Ông Hoàng Mười hay Ông Hoàng Mười Nghệ An là vị Thánh Hoàng nổi danh tài hoa, sang trọng, văn võ song toàn. Huyền tích về Ông trong dân gian rất nhiều. Tương truyền rằng, Ông quê ở Nghệ An, là người có nhiều công lao với đất nước và nhân dân. Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Mười ngự áo màu vàng. Ngày tiệc Ông là 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, thập phương thường lễ bái cầu tài lộc, công danh, khoa cử.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Các khái niệm cơ bản về nơi thờ tự

Trong hệ thống đền thờ ở Việt Nam, có thể nói những đền thờ thuộc Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ chiếm đa số, với số lượng rất lớn tạo thành một hệ thống Đền Thờ Tam Tứ Phủ. Đây là những công trình kiến trúc thờ các vị thánh thuộc Tứ Phủ và thờ chung cho Công Đồng Tứ Phủ, chân linh bốn miền vũ trụ. Một số ngôi đền nổi tiếng trong tín ngưỡng Tứ Phủ như Đền Đồng Bằng, Đền Sòng Sơn, Đền Lảnh Giang, Đền Ninh Giang, Đền Ông Hoàng Bảy, Đền Ông Hoàng Mười,…

Những đặc trưng cơ bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian bản địa, mang đặc trưng của cư dân vùng nông nghiệp, được hình thành trên tín ngưỡng thờ Nữ thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu đề cao yếu tố tính nữ thông qua hình tượng người phụ nữ có sức mạnh và quyền năng sinh sôi, nảy nở, phát triển, tạo ra vạn vật, muôn loài, trong đó có con người. Việc tôn thờ và đề cao vai trò của người phụ nữ chính là căn nguyên đầu tiên cho sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thờ Mẫu - loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ đôn hậu với quyền năng sinh sôi, sáng tạo, che chở và ban phúc cho con người. Đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là hệ thống thờ Tam phủ - Tứ phủ cùng với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ “mở cửa kho lúa” của người Rơ Măm

Người Rơ Măm là một trong số những dân tộc rất ít người ở tỉnh Kon Tum, chủ yếu quần tụ tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Trong đời sống của người Rơ Măm, cùng với nhiều lễ hội như: lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới và các nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp như trỉa lúa, lúa lên, thu hoạch lúa…, thì lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất, đánh dấu sự kết thúc của một chu kì sản xuất lúa rẫy.

Màu sắc, trang trí và trang phục Mẫu Tứ phủ

Ngũ sắc và biểu tượng về ngũ sắc không chỉ là của riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, mà còn của nhiều tín ngưỡng dân gian khác của dân tộc ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, quan niệm và biểu tượng ngũ sắc được thể hiện một cách nhất quán, rõ nét nhất trong hệ thống tín ngưỡng này.

Tranh và Tranh thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong số các tranh thờ này, có những bức tranh đạt giá trị nghệ thuật cao, điển hình là tranh Ngũ Hổ, tranh Hắc Hổ. Ở đây có sự kết hợp bố cục tranh 5 con Hổ rất chặt chẽ, các dáng ngồi của Hổ tiềm tàng sức mạnh, các đường nét và màu sắc khi thể hiện râu, nét mặt, ánh mắt rất sinh động. Có thể coi bức tranh Ngũ Hổ này như là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật tranh dân gian.

Kiến trúc đền, phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các đền, điện không chỉ có thờ Mẫu mà còn thờ nhiều vị thần khác, do vậy, bản thân kiến trúc đền thờ Mẫu không mang những nét hoàn toàn riêng biệt giống như ngôi đình thờ Thành Hoàng làng. Có nét riêng, chăng là ở môi trường kiến trúc và bố trí mặt bằng kiến trúc của đền phủ.

Múa bóng, một loại hình diễn xướng tổng hợp gắn với tục thờ Mẫu và thờ Nữ thần ở Trung và Nam Bộ.

Ở miền Trung và Nam Bộ, bên cạnh hình thức hầu bóng bên trong các đền, điện thờ Mẫu Tứ phủ do lớp người Việt sau này mang vào, thì còn thấy hình thức diễn xướng Múa bóng và Hát bóng rỗi, thường diễn ra tại các đền.
Top