Trong các triều đại phong kiến Việt Nam thì triều Lê – Trịnh, nhà Nguyễn gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu khá mật thiết. Tương truyền, ngay sau khi Gia Long diệt Tây Sơn và lên ngôi vua, Gia Long đã di kinh lý ngược dòng sông Hương và đã có sự ứng nghiệm về sự trợ giúp của Thánh Mẫu. Truyền thuyết kể rằng, một lần vua Gia Long đi ngang quan núi Ngũ Phụng, ông được dân làng dâng chén ngọc uống trà, nhưng lại bị tuột khỏi tay rơi xuống sông, bất giác nhà vua giật mình, coi đó là điềm ứng nên đã khấn xin nữ thần tìm lại chén ngọc. Khi Gia Long xuôi thuyền về Huế, ngang qua núi Ngọc Trản có dáng hình sư tử, nhìn xuống sông bên mạn thuyền thấy chén ngọc đang trôi theo. Vua Gia Long liền đặt tên cho núi là núi Hoàn Chén (sau này gọi là Ngọc Trản, Hoàn Chén) và sức cho bộ lễ xây điện thờ Thánh Mẫu Thiên Ya Na.
Cũng theo truyền thuyết, vua Gia Long đã từng gặp Mẹ trời ở núi Thiên Mụ bên Hương Giang. Lúc đó bà hiện thân là Bà già bán nước bên đường. Bà đã trao cho nhà vua nắm hương đang cháy và mách nhà vua đi xuôi về hạ nguồn sông Hương, mỗi bước chân lại cắm một nén nhang, khi nào đến nén nhang cuối cùng thì là nơi lập kinh đô, đó là kinh đô Huế ngày nay.

Lễ rước Thánh Mẫu tại Lễ hội điện Huệ Nam ở Huế
Các đời vua sau, đặc biệt là vua Đồng Khánh, mặc dù là con thứ phi nhưng do cầu Mẫu phù trợ nên được ngôi đế vương. Mặc dù ông chỉ tại vị được 3 năm nhưng vua Đồng Khánh đã bỏ tiền tài ra xây cất, tu sửa điện Hòn Chén, đổi tên là điện Huệ Nam (tức ân huệ của Mẫu ở phương nam). Sau này khi ông mất, người ta tôn ông vào hàng Thất Thánh và đi theo hầu cận Mẫu. Từ đó trở đi việc tế lễ ở điện Huệ Nam đều do bộ Lễ trong triều trông coi lo liệu. Đến đời vua Bảo Đại, đức Từ Cung là Mẫu Hậu rất sùng bái Thánh Mẫu, đã để công sức, tiền bạc lo liệu cho điện Huệ Nam. Bà cũng cúng vào điện nhiều đồ vàng bạc. Tương truyền, vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đã đi cầu tự Mẫu ở Sòng Sơn, sinh ra hoàng tử Bảo Long, sau này để trả ơn Thánh Mẫu, nhà vua và hoàng hậu đã chi tiền và sai Hội Sơn Nam thờ Mẫu ở Huế ra Phủ Dày xây dựng làng Mộ Mẫu, một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp nhất trong quần thể các di tích ở đây.
Những Thanh đồng ở Huế có gốc tích từ Nam Định quê Mẫu, đã thành lập Hội Sơn Nam và đến năm 1955, Hội Sơn Nam được phép của chính phủ đổi tên thành “Tiên Tiên Thánh Mẫu giáo Trung Việt”, hoạt động trên toàn cõi Trung Kỳ, trụ sở đặt tại Huế. Cũng thời kỳ đó tại Đà Lạt, những thanh đồng đạo quan được phép thành lập Hội Thánh Mẫu Nam Việt. Tới 1973, hai hội này đã thống nhất thành “Việt Nam Thánh Mẫu Hội”, hoạt động trên toàn cõi Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên đến 1975 nam bắc thống nhất, về hình thức các hội này chấm dứt hoạt động.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam