banner 728x90

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

18/09/2024 Lượt xem: 2538

Tàu hướng mũi ra khơi, bỏ lại tiếng ồn ào nơi bến cảng. Bến cảng không có cầu tàu, thay vào đó là thuyền thúng, sà lan làm phương tiện trung chuyển. Tự bao đời rồi bến cảng vẫn như thế, nhưng chưa có ai có ý định bỏ làng, bỏ bến để ra đi. Tên của bến là Nại.

Ra khỏi cái vịnh con con nơi có làng biển và cái bến cảng tự phát ấy là chạm vào bao la biển cả, nắng gió và mây trời. Chị thấy lòng mình se lại, tuy không phải lần đầu xa quê nhưng chuyến đi này rất đặc biệt với chị.

Ra trường ba năm trước với tấm bằng đại học Sư phạm loại giỏi, chị có điều kiện để được giảng dạy tại quê nhà. Nhưng, với cá tính mạnh mẽ, tự lập nên chị thích dấn thân đến những miền đất mà cuộc sống còn gian lao, vất vả hơn cái làng biển vừa mới thoát nghèo này. Bỏ lại công việc nhàn nhã ở thị thành, chị làm người của sương, nắng, của bão tố phong ba khi đem cái chữ về đảo xa chăm chút ươm gieo. Ở đó, chị không thấy những giọt nước mắt yếu đuối của những người sống vì nhu cầu, thay vào đó là tính cương quyết sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách để sống và trưởng thành. Sân trường nơi chị dạy là một khoảnh sân bé nhỏ nhưng tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Cây bàng, cây phong ba đã thành biểu tượng của đảo, ở đó chị có thể thấy được bốn mùa, nhất là mùa thu lá bàng lung linh sắc lửa. Hoa bàng vuông nở vào ban đêm, nơi cánh cửa trái tim luôn mở, luôn hướng về đất liền nên hoa có một vị trí đặc biệt trong tâm tình của người dân trên đảo... của biển cả.

Thương sao những vùng khát chữ như thế nên chị hết lòng dạy dỗ, truyền đạt cho các em những phương pháp tốt nhất để giải toán, lồng ghép những câu từ vui vui để các em nhớ lâu. Tỉ như: “I tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm tờ dài có ngang” hoặc “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ già thêm râu. O a hai chữ khác nhau, chữ a thì có móc câu bên mình...”. Vừa viết, giảng, vừa diễn đạt bằng những học cụ thô sơ tự làm nhưng kết quả thì vô cùng ấn tượng, các em thích thú cười đến tít mắt.

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một  nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng. Trường chỉ có chị và bà cai trường kiêm luôn dịch vụ lau dọn nên được bố trí ở chung phòng và luôn được mọi người chăm nom, giúp đỡ. Trường lớp tuy bé nhưng rất sạch đẹp và chắc chắn, có nhà ở riêng cho giáo viên công tác xa nhà, lại gần doanh trại quân đội nên chị thường được các anh tặng quà là những hải vật ngon và tươi của biển mà các anh đánh bắt được. Ở đó, chị biết thêm nhiều loại cá lạ, nhiều loại ốc chưa từng thấy ở các chợ trong đất liền; biết chế biến thành những món ăn ngon từ những gia vị có sẵn trong vườn như rau quế, rau mùi, lá chanh, lá sả. Ở đó, chị được làm quen và là bạn thân của “phó đảo” độc thân vui tính.

- Mình là Mai Anh, chỉ huy phó, ra đảo gần chục năm nên biết nhiều điều, cô giáo có gì muốn giúp đỡ thì nói thẳng với mình nhé. Đừng ngại.

- Dạ, cảm ơn anh, em là Nại.

- Ồ... cái tên nghe ngồ ngộ nhưng lại rất quen.

- Tên em là tên làng chài quê em, chắc có lý do gì đó nên bố mẹ mới đặt cho em để nhắc nhớ hay sao ấy. Còn anh, giống tên... con gái quá!

- Chắc cũng như em, bố mẹ anh thích con gái.

- Anh có gia đình ở quê rồi chứ?

- Có chứ, ai mà không có gia đình.

- Anh được mấy cháu rồi?

- Trời... có đâu.

Như sợ chị hiểu khác bởi câu nói khá bông đùa của mình, anh đính chính:

- Phải chi em hỏi có vợ chưa thì anh dễ trả lời.

Ba năm, thứ gì mà chẳng chín, nhưng chín mà không rụng thì chắc chỉ có tình yêu. Hơn nữa, đây không phải là mối tình đầu của chị nên sự yếu mềm đã không còn. Với chị thì tình yêu phải đi đến hạnh phúc lứa đôi chứ không thể hạnh phúc nửa vời. Giữa họ có một vách ngăn không tên bởi thâm tâm chị chưa bao giờ có ý định sẽ lập gia đình nơi này. Chị nghĩ về làng chài, về những người thân yêu. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cánh diều tuổi thơ của chị được bay bổng lên cao, được vào đời và đi trên con đường chị đã chọn.

Hôm chị về quê, anh bận công tác nên không thể tiễn. Khoác ba lô lên vai, chị về như khi chị đến, khác chăng là hành trình xuôi nắng, xuôi gió, thuận lòng. Đêm trên biển trời trong và đáng yêu đến lạ.

Mùa hè chậm chạp qua đi, mấy mươi ngày ở quê là khoảng thời gian vừa đủ để chị dùng làm thước đo lòng mình. Có chút hụt hẫng trong tâm tư, chút phân vân trong tình ái bởi đời sống của làng chài giờ đã đổi thay nhiều. Cuộc sống gia đình chị giờ cũng đã ổn định. Em trai chị đã khôn lớn, có vợ con và có thể thay cha mẹ cáng đáng việc nhà, việc xóm.

Sự lo toan cho gia đình đã không còn, chị nhanh chóng quyết định sẽ trở lại đảo. Chị gởi cho Mai Anh một tin nhắn và nhận lại từ anh những lời yêu thương thắm thiết. Đêm như vỡ ra bởi những vì sao khuya nhảy múa qua giọt sương vương mắt...

Hương Lan

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp một triệu đồng, bây giờ làm sao nói với chị? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào.

Truyện ngắn: Những người lính ngoài biển khơi

Bão tràn vào thành phố. Trời tối đen như mực. Một số khu vực đã mất điện từ mấy ngày qua. Mưa như trút nước. Tiếng người phát thanh viên trên truyền hình thảng thốt “…lũ tràn chưa rút hết thì cơn siêu bão số 7 tiếp tục tràn vào Biển Đông, uy hiếp các tỉnh miền Trung. Chính phủ đang huy động mọi lực lượng để cứu dân, tránh tình trạng cô lập từ các huyện như hiện nay…”.

Truyện ngắn: Lầm lỡ

“Công ty phá sản, tôi chạy khắp nơi mà không kiếm được việc làm khác. Cuối cùng, với vốn tiếng Anh kha khá, tôi trở thành nhân viên buồng phòng trong một khách sạn nằm sát bên bờ biển. Tại đây, tôi quen Kha khi anh từ Mỹ đến đây triển khai một dự án về môi trường. Hôm đó, khi trở về phòng lấy bản đề án để quên trên bàn, Kha thấy tôi đang chăm chú đọc những trang bản thảo một cách say mê.

Truyện ngắn: Lỡ hẹn một chuyến bay

Từ khi thành phố bắt đầu thực hiện quy định giao thông một chiều ở một số con đường, hàng ngày lộ trình đi về của anh có thay đổi. Vòng đi vẫn qua đường Ngô Gia Tự, nhưng vòng về buộc anh phải đi đường Nguyễn Trãi. Lâu nay anh hầu như tránh con đường này. Bởi lẽ, đó là con đường ngang qua nhà nàng. Lòng anh không bình lặng mỗi khi nhìn thấy cánh cổng có giàn hoa giấy tím. Đã nhiều năm rồi từ lúc không còn bóng nàng bên khung cửa nhỏ đó.

Truyện ngắn: Lòng vị tha

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác. Cũng như mọi người dân nơi này, hai đứa biết theo mẹ bới rác từ khi chập chững biết đi.

Truyện ngắn: Bài học và tình bạn

Vừa hết giờ làm, Hùng vội phóng xe khỏi cơ quan. Chạy rì rì giữa dòng xe cộ đông đúc, lòng Hùng bồn chồn, chỉ muốn tăng ga vọt lên để mau về nhà. May mà cu Tuấn đã được cô giáo ở cùng tổ hứa chở giúp về chứ không lại chờ bố, rồi khóc. Còn vợ anh, mới mổ ruột thừa xuất viện ngày hôm kia, không biết ở nhà có chịu nằm yên hay lại tham công tiếc việc...

Truyện ngắn: Ngày đầu lên lớp

Sáng, trong khu tập thể giáo viên cạnh trường, Lan thức dậy từ lúc nào. Đã thành thói quen, sáng nào cũng vào giờ này, Lan đều ngồi bên chiếc bàn nhựa cạnh cửa sổ, xem lại giáo án cho một ngày lên lớp. Cô chẳng thể lý giải vì sao mình lại yêu nghề giáo viên đến thế, và càng không hiểu vì sao từ khi được nhận về trường này dạy, cô lại tâm huyết, nhiệt tình đến vậy.

Truyện ngắn: Mình đã thuộc về nhau

Trong buổi lễ trao giải cuộc thi viết về môi trường hôm đó, em tưởng tác giả đạt giải nhất là người trong ngành, nhưng hóa ra không phải. Anh tự giới thiệu cái nghề khảo sát của mình là “nghề đi lang thang”. Trước đây, nhiều lần đọc những bài báo rất hay ký tên anh, em tưởng tác giả là một cô gái bởi lối viết sâu sắc mà đằm thắm đến thế. Hóa ra không phải, mà là anh - chàng trai ngăm ngăm cao lớn, chắc đậm, mái tóc đen lòa xòa trước trán, nụ cười luôn nở trên môi.
Top