Lâu lắm tôi mới nhận được thư gửi qua đường bưu điện. Đó là một tấm thiệp cưới màu nâu, thiết kế rất sang trọng. Hôm sau, ông bạn cũ cẩn thận gọi điện: “Ông nhận thiệp cưới tôi gửi chưa? Cố gắng về nhé, tôi mời bạn bè đủ hết đó”.
Đám cưới của con trai người bạn cũ là lý do chính đáng để tôi trở về thăm quê. Tôi xa quê từ thuở mới lên mười. Nhà tôi ở bên một con sông. Con sông có một hàng tre rất đẹp, ngày ngày tôi đi qua cây cầu An Ngãi để đến trường. Cái lớp học đầu đời nhỏ xíu, nghèo nàn với ông thầy nghiêm khắc bỗng nhiên hiển hiện rõ trong trí nhớ của tôi. Thằng bé gầy gò, đi học hay bỏ dép trong cặp vì thích đi chân không để dễ chạy nhảy, hiếu động và nghịch ngợm nhưng vẫn được thầy yêu mến vì sáng dạ và viết chữ rất đẹp. Người thầy đầu tiên của tôi chắc không còn, không biết tôi sẽ đến nơi nào đầu tiên khi trở về? Tôi ít có dịp về thăm quê, nhưng nghĩ về nơi đó, lòng tôi vẫn xao xuyến với những kỷ niệm tuổi thơ. Đôi khi tôi cũng tự trách mình đã để cho cuộc sống cuốn vào guồng quay, nhận ra mà không tự tháo gỡ để cho chuyến về thăm quê trễ hẹn rất nhiều lần. Lần này thì một công đôi chuyện.
Đến Đà Nẵng, Bằng đón tôi về khách sạn. Tôi hỏi Bằng về người này, người kia và nôn nao chờ được gặp lại những gương mặt thân mến nhiều năm rồi không gặp. Chúng tôi học cùng một lớp ở trường sư phạm. Bằng ở Đà Nẵng, còn tôi ở Vũng Tàu nhưng giọng Quảng Nam đã gắn kết chúng tôi từ đó đến giờ. Hồi đó, chúng tôi rủ nhau thuê một căn phòng nhỏ của một ngôi nhà nằm đầu con hẻm nhỏ gần trường. Ngày ngày, ba đứa cùng nhau đi bộ đến trường. Con trai ở với nhau nên ăn uống đơn giản, thường buổi trưa ở lại trường chờ giờ học buổi chiều, mỗi đứa một ổ bánh mì cũng xong. Rồi chúng tôi kết bạn với bốn cô gái thành một nhóm cùng đi học, đi chơi. Nhỏ tuổi nhất và cũng học giỏi nhất trong nhóm là Mai. Mai nhỏ nhắn, xinh đẹp và năng động nên được bạn bè trong lớp yêu mến. Học chung với nhau qua học kỳ đầu, tôi nhận ra tình cảm của mình với Mai không giống những người bạn khác. Nhưng khi nhận ra sự rung động đầu đời của mình thì tôi biết Bằng cũng âm thầm yêu Mai. Tự nhiên trong lòng tôi có một sự so sánh giữa hai đứa, Bằng đẹp trai, nhanh nhẹn, khéo ăn nói, gia đình lại có điều kiện, không cần tính toán cũng biết tôi lép vế trước Bằng. Nhưng Mai không chọn ai trong chúng tôi, cũng không hề biết là chúng tôi cùng yêu một người con gái. Ra trường, chia tay nhau, mỗi người một nơi. Rồi tôi nghe Mai lấy chồng rất sớm. Cuộc sống cứ thế trôi qua... Lần họp mặt này không biết chúng tôi có gặp lại nhau không.
Buổi cơm họp mặt đầu tiên thật cảm động, những thằng bạn cùng lớp ngày xưa ôm chầm lấy nhau. Ba cô gái ngày xưa giờ chỉ thấy thấp thoáng nét quen thuộc trong mỗi nụ cười nhưng tính cách vẫn vậy, chân thành và đôn hậu. Chúng tôi nhắc với nhau về những ngày xưa cũ. Những tiếng cười thật gần gũi, thật ấm giống như chuyện chỉ mới hôm qua. Mai đến sau cùng, năm tháng không làm cô thay đổi bao nhiêu. Tôi giữ bàn tay Mai trong tay mình lâu hơn một chút và không ngạc nhiên vì thấy lòng mình thoáng chút xôn xao.
Sau tiệc cưới của con, Bằng mời chúng tôi nán lại ít ngày để bạn bè có dịp hàn huyên với nhau. Sẵn dịp này, tôi đã được trở lại An Ngãi. Không phải ngày có trăng mà An Ngãi vẫn tấp nập người qua lại ở khu chợ đêm nằm bên cầu An Ngãi. Cuộc sống luôn thay đổi, nhưng tôi không thích sự thay đổi này. Đêm An Ngãi khi đó sâu lắng đến nao lòng. Bây giờ thì An Ngãi khác quá.
Khi nghe tôi nói tâm trạng của mình, Mai cười:
- Ai rồi cũng có lúc thay đổi, cảnh vật cũng vậy, làm sao giữ được tất cả khi bao nhiêu năm tháng đã qua rồi.
- Thì đúng như thế, nhưng mình vẫn tiếc như thấy đánh mất thứ gì quý giá lắm. Thôi, Mai kể về mình đi.
Mai lập gia đình sớm và cũng chia tay sớm, lúc đó con trai cô mới mười tuổi. Cô đưa con về quê ngoại - Đà Nẵng. Lúc đó, cuộc sống của cô chật vật lắm, cô bỏ nghề dạy học và học may áo dài. Nhờ trời, khó khăn rồi cũng qua, con trai Mai đã tốt nghiệp và làm việc ngay ở Đà Nẵng, còn Mai đang quản lý tiệm may áo dài của mình ngay tại đây. - Còn Thịnh? - Mai hỏi.
- Mình vẫn đi dạy học như hồi xưa. Mai giỏi lắm, phụ nữ như Mai chẳng có mấy người.
- Thịnh nói hơi quá rồi. Hồi xưa Thịnh đâu khéo nói vậy.
- Bởi vậy...
Tôi bỏ lửng câu nói.
Mai mỉm cười: “Có những điều đâu cần nói mà người ta cũng hiểu, Thịnh à”.
Đôi mắt tôi mở to, ánh mắt long lanh ngày cũ lại làm tôi nao lòng.
- Nói vậy Mai cũng biết à?
- Có lúc Mai ngạc nhiên là sao Thịnh không nói ra, nhưng chuyện tình yêu cũng khó nói lắm.
Chúng tôi ở lại An Ngãi thêm một ngày, đến thăm nhà Mai rồi đi vòng vòng. Tôi sẽ tìm lại quê hương trong ký ức của mình. Nhưng tôi không tìm lại được ngôi nhà cũ. Tôi trở lại khúc sông xưa, tìm lại ngôi trường đầu tiên của mình nhưng trường cũ giờ cũng đổi khác, không còn là nếp nhà tranh như trong ký ức của tôi. Điều đó có gì đáng buồn, đáng tiếc đâu vì mọi sự thay đổi đều theo chiều hướng tốt đẹp. Khi đưa tôi qua cầu An Ngãi, Mai hỏi:
- Trở về lần này, cảm giác của Thịnh thế nào?
Tôi không thể nào diễn tả được hết cảm xúc của mình lúc này. Lần trở lại tình cờ này đã cho tôi nhiều thứ.
Hôm chia tay nhau, Mai với Bằng tiễn tôi ra tận sân bay, bịn rịn. Mai luôn miệng nhắc chúng tôi là phải giữ liên lạc với nhau. Tôi giữ bàn tay Mai trong tay mình, tự hứa chắc chắn sẽ sớm trở lại...
Phúc Nguyên