banner 728x90

Truyện ngắn: Thần tượng đã chết

27/03/2024 Lượt xem: 2503

Truyện ngắn: Thần tượng đã chết - Hình 1

Đã lâu tôi không gặp nhà văn Lê Hồng Mây. Gần một năm nay, tôi cũng không thấy tên anh dưới những truyện ngắn hoặc những bài bình luận văn học đăng trên những tờ báo và các tạp chí quen thuộc. Hình như anh đang dồn sức cho những tác phẩm văn học tầm cỡ, để đời, như anh vẫn thường tâm sự.

 Anh Mây là người dẫn dắt tôi vào con đường văn học. Cách đây vài năm, Báo Văn Nghệ do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn. Lúc đó mặc dù là một kỹ sư mới ra trường, nhưng ở tôi sẵn có “máu văn chương” từ hồi còn học phổ thông, nên tôi quyết định tham dự cuộc thi này. Sau khi đọc kỹ thể lệ cuộc thi đăng trên báo, tôi cắm cúi ngồi viết suốt mấy đêm liền. Cuối cùng thì truyện ngắn của tôi cũng hoàn thành và được gửi về tòa soạn tham gia dự thi. Hai tháng sau, ban tổ chức cuộc thi gửi thông báo cho tôi, công bố kết quả: Truyện ngắn của tôi đoạt giải nhất. Hôm dự lễ trao giải xong, tôi được ban tổ chức nhắn ở lại gặp nhà văn Lê Hồng Mây để trao đổi thêm về tác phẩm đoạt giải của mình. Một người trung tuổi ngồi chờ tôi ở phòng khách giới thiệu với tôi là Lê Hồng Mây- Thành viên của ban giám khảo đã tham gia chấm bài dự thi của tôi. Anh có dáng cao gầy, khuôn mặt khắc khổ với nhiều nếp nhăn trên trán và đuôi mắt. Anh rót nước mời tôi, rồi niềm nở tiếp chuyện:

- Cậu vào nghề văn đã lâu chưa?

- Dạ, em mới viết…

- Chà! Mới viết mà cậu đã tỏ ra tài hoa và chững chạc lắm. Truyện của cậu viết rất sinh động, có hồn. Tuy nhiên, kỹ thuật biểu đạt ngôn từ chưa thật tinh tế, sắc sảo bằng những người viết văn chuyên nghiệp. Mình đề nghị cậu sửa lại một số đoạn cho nó gọn để đăng. Vậy nhé!

                Tôi lí nhí nói vài lời cảm ơn. Trước khi tôi về anh còn dặn dò thêm:

                - Viết được cái gì nhớ gửi lên cho mình nhé. Tòa soạn đang rất cần những cây bút mới có khả năng như cậu.

                Từ đó hễ có dịp là tôi thường ghé anh để học hỏi đôi điều. Anh thường khuyên tôi:

                 - Nếu cậu có ý định đi theo con đường văn học nghệ thuật, đòi hỏi cậu phải luôn tìm tòi, sáng tạo và có lòng say mê. Muốn có một tác phẩm có giá trị, ngoài vốn sống cần thiết, tác giả cần phải biết lao động thật sự miệt mài. Trên con đường vinh quang, không có vết chân của những kẻ lười biếng. Cậu hãy nhớ lấy! Tớ cũng đang thai nghén và nhất định sẽ cho ra đời một tác phẩm thực thụ cho cậu xem…

 Tiếp xúc với anh Mây lâu ngày tôi đâm ra mê anh. Chẳng hiểu từ lúc nào anh đã trở thành “thần tượng” của tôi. Ngoài cái tài viết văn, anh còn có tài “nói văn”. Đi theo anh trong các buổi nói chuyện với độc giả ở cơ quan, trường học, mặc dù là người tiếp xúc với anh hàng ngày, ấy thế mà tôi vẫn cứ dỏng tai lên lắng nghe anh nói như muốn nuốt lấy từng lời…

 Từ ngày quen với anh Mây, tôi trở thành người say mê viết truyện ngắn. Truyện của tôi thường xuyên có mặt trên các số báo ra hàng tuần và tên tuổi của tôi cũng dần dần được mọi người biết đến. Nhân dịp tờ báo X của tỉnh bạn mới thành lập, đang cần người biên tập, thế là họ xin tôi về. Cuộc đời tôi chuyển sang một bước ngoặt, tôi bước vào nghề viết văn từ đó và cũng từ đó tôi không còn điều kiện để gần gũi anh Mây như trước.

 Mới hơn một năm công tác ở tờ báo X, tôi đã được mọi người tín nhiệm vì sự lao động cần mẫn và hiệu quả. Vừa in xong hai tâp truyện ngắn ở nhà xuất bản, tôi có ý định mang đến tặng anh Mây. Tôi muốn chứng tỏ cho anh thấy ít nhiều tôi cũng đã thực hiện được lời chỉ bảo của anh và tỏ lòng biết ơn anh đã dìu dắt giúp đỡ tôi trưởmg thành.

Tôi dành trọn một ngày nghỉ để đến thăm anh. Đang lớ ngớ đi tìm nhà anh thì thấy anh từ đâu xuất hiện, vỗ vai kéo tôi vào quán rượu thịt chó bên đường. Phải nhìn kỹ tôi mới nhận ra anh. Anh bây giờ béo múp míp, trắng trẻo, bụng phệ và như trẻ ra. Anh măc chiếc quần bò bạc màu và chiếc áo sơ mi trắng đã ngả sang màu cháo lòng.

 Thấy tôi còn chần chừ, lưỡng lự, anh hiểu ý cười rất tươi kéo tay tôi lôi vào quán rồi hồ hởi nói:

                - Cậu yên tâm, hôm nay tớ sẽ đãi cậu một trận say mèm với các tác phẩm thịt chó tuyệt hảo mà cậu chưa bao giờ được thưởng thức. Cậu cứ tự nhiên vì đây là quán thịt chó của tớ.

                Tôi giật mình ngạc nhiên rụt rè hỏi:

                - Anh mới mở…

                - Cũng được bảy, tám tháng nay rồi. Sau lần cậu chuyển đi, tình cờ tớ có viết một bài giới thiệu một món ăn “thịt cầy hầm thuốc bắc” trên báo, bà chủ quán thịt chó tưởng tớ quảng cáo cho bà ta nên đã cảm động tìm đến giúp tớ mở cái quán thịt chó này. Đấy cậu xem, khách đông nghịt, tớ phải thuê thêm người làm mới phục vụ kịp đấy. Nói thật với cậu nhé, “có thực mới vực được đạo”, cậu có ngồi viết cả năm đã chắc gì mua nổi một chiếc xe máy như của tớ.

                Anh chỉ tay vào chiếc Honda SH150 ABS láng cóng dựng ở gần đó, rồi hăng hái nói tiếp:

                -  Xin nghỉ việc ở cơ quan mãi cũng phiền nên tớ quyết định bỏ hẳn rồi. Kìa! Cậu ăn đi chứ! Cái món thịt chó hấp sả này phải ăn nóng mới ngon…

                Thế rồi anh say sưa giới thiệu với tôi các món ăn nấu bằng thịt chó. Khi những câu chuyện về thịt chó đã đến phần kết thì cũng là lúc cả hai chúng tôi đều chếnh choáng. Tôi đứng dậy xin phép anh ra về quên cả việc tặng anh  2 cuốn sách mới in. Anh cầm lấy 2 cuốn sách bỏ quên trên ghế của tôi, vừa nhét vào túi tôi vừa  nói:

                - Thú thật, bây giờ tớ cũng chẳng còn thời gian đâu để mà đọc ba cái truyện lăng nhăng này nữa. Hôm nào rảnh rỗi đến đây tớ truyền nghề cho…

                Không hiểu anh định nói truyền nghề gì? Nghề viết văn hay nghề làm thịt chó?!…

                Tôi loạng quạng rời khỏi quán thịt chó và tìm đường về tòa soạn. Men rượu làm cho đầu óc tôi quay cuồng. Tôi đang cố nhớ về cuộc gặp gỡ giữa tôi và nhà văn Lê Hồng Mây cách đây một năm mà không sao nhớ nổi. Có lẽ thần tượng của tôi đã chết trong trí nhớ của tôi rồi!

ĐÀO QUỐC THỊNH

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top