banner 728x90

Truyện ngắn: Số nghèo...

27/03/2024 Lượt xem: 2702

Số nghèo... - Hình 1

Mỗi khi thầy giảng bài, mắt thầy mơ màng, giọng thầy say mê, cả lớp như bị thôi miên cuốn theo bài giảng của thầy. Lớp tôi coi thầy như một thần tượng. Hình như số thầy sinh ra là để dạy văn.

Trong số các thầy cô giáo dạy giỏi của trường, thầy là người duy nhất đi dạy bằng chiếc xe đạp cũ, không tìm thấy màu sơn.

Ngày đầu nhận lớp, thầy bảo:

-              Thầy cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, nhưng thầy sẽ cố gắng mang hết sức mình để dạy các em. Còn sự thành đạt của mỗi người sau này tuỳ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân và số phận.

-              Em thưa thầy! Con người cũng có số phận sao?- Tôi mạnh dạn đứng dậy hỏi.

-              Cả lớp cười ồ. Thầy cũng cười, không tỏ thái độ đồng tình hay phản đối. Thầy nói chung chung:   Lĩnh vực đó dành cho các nhà khoa học, phạm vi giảng dạy của thầy là môn văn.

Câu hỏi không được thầy giải đáp cứ ám ảnh tôi từ hôm đó.

Một lần, mẹ tôi đi làm về, ngồi phịch xuống ghế thở dài:

-              Số mẹ tháng này đen thật. Đầu tháng mất cắp, cuối tháng hỏng xe. Đúng như lời "thầy" phán đầu năm hôm đi lễ chùa.

-              Có "số" thật không hả mẹ? Tôi sốt sắng hỏi.

-              Cha tôi gạt phắt, giọng bực bội:

-              Số má gì. Không cẩn thận thì mất. Cả mày nữa, không chịu cố gắng học, sau này thi trượt rồi cũng đổ tại số.

Một lần khác, cái Hạnh cùng lớp ghé vào tai tôi thì thầm:

-              Bí mật nhé! Cấm không được nói với ai đấy! Mẹ tớ mới phát hiện ra ở khu nhà sau trường mình có một ông thầy bói xem "siêu" lắm. Khách đông nghịt. Các cô ở cơ quan mẹ tớ đi xem về ai cũng phải phục lăn.

Vài ngày sau, phong trào bói toán ở lớp tôi tự nhiên rộ lên như một thứ bệnh dịch lây lan sang tất cả các lớp trong trường. Nhiều đứa nhịn ăn quà sáng dành tiền đi xem. Giờ ra chơi, thay bằng các môn thể thao trước đây là từng tốp rì rầm xúm lại xem bói bài tây, bói chữ, rút thẻ…

Chuyện đến tai thầy cô. Nhà trường tổ chức cho các lớp sinh hoạt kiểm điểm. Riêng lớp tôi không thấy thầy đả động gì đến chuyện đó. Thầy vẫn say mê với những giờ dạy văn trên lớp. Phong trào bói toán ở trường tôi tuy có giảm bớt song lại ngấm ngầm đi vào hoạt động bí mật.

Bỗng một hôm, vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, thầy bước vào lớp tuyên bố:

-              Hôm nay, thầy cho các em nghỉ sinh hoạt đi xem bói với thầy.

Cả lớp tròn xoe mắt, cứ ngỡ thầy nói đùa. Không ngờ thầy tổ chức cho lớp đi thật. Gần đến cổng nhà ông thầy bói nổi tiếng sau trường, thầy bảo cả lớp dừng lại, mỗi tổ cử một người đại diện theo thầy vào xem. Số còn lại đứng ngoài chờ thầy. May mắn, tôi được theo thầy.

Thầy bước vào, cung kính chào ông thầy bói rồi đặt lên bàn ông ta tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng. Thầy nói:

-              Tôi nghe tiếng ông đã lâu, hôm nay có chút lòng thành, nhờ ông xem giúp.

Thái độ cung kính thành thật của thầy tôi làm ông ta hào hứng hẳn lên. Ông ta quan sát thầy tôi khá lâu, rồi cầm lấy bàn tay nổi gân xanh xao gầy guộc của thầy xem kỹ. Ông ta phán:

"Số ông vất vả, tài lộc kém, nên suốt đời lận đận nghèo khổ, được cái có quý nhân phù trợ nên tai qua nạn khỏi…".

Ông ta nói rất nhiều về thầy, còn thầy tôi thì lơ đãng nhìn ra ngoài, nét mặt không biểu lộ điều gì. Cuối cùng đợi cho ông ta nói hết, thầy tôi nhỏ nhẹ thưa:

-              Thưa ông! Xin ông xem giúp cho tôi hồi đầu năm ngoái ạ?

Ông ta nhìn xuống tay thầy tôi, rồi nhìn vào mắt thầy, phán:

"Hồi đầu năm ngoái ông có hạn lớn lắm đấy. Không mất của, kiện tụng thì cũng phải ốm đau. May cho ông có bà cô linh thiêng phù hộ nên qua khỏi". Ông ta vừa nói xong, thầy tôi rút trong túi ra bốn chiếc phong bì dán kín đã được thầy chuẩn bị sẵn từ trước, phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc rồi đứng dậy cám ơn ông thầy bói ra về.

Thầy không nói với cả lớp câu nào mà đạp xe về thẳng. Từng tổ chúng tôi xúm vào bóc phong bì ra xem: Mỗi phong bì là một tờ giấy trắng vẻn vẹn dòng chữ:

"Thầy biết trước ông ta sẽ bảo thầy bị hạn, nhưng cả năm ngoái thầy chẳng bị làm sao cả".

Chuyện lớp tôi theo thầy đi xem bói lan ra cả trường. Sau hôm đó, phong trào bói toán ở trường tôi tự nhiên tắt ngấm.

Sau này chúng tôi được thầy phân tích cho nghe:

-              Người xem bói giỏi là người có óc suy luận. Vì thế nên ông ta đoán hồi đầu năm ngoái nhất định thầy phải có chuyện gì đó xảy ra thì mới quan tâm hỏi như thế. Tin mừng thì người ta chóng quên. Chuyện dữ ắt phải nhớ lâu. Vì vậy mà ông ta đã rơi vào bẫy của thầy.

Chúng tôi hiểu rằng, thầy muốn bằng bài học thực tế để cho chúng tôi tự nhìn thấy sai lầm của chính mình.

Số nghèo... - Hình 2

Nghỉ hè năm đó, mấy đứa chúng tôi kéo nhau đến nhà thầy chơi. Lối vào khu tập thể nhà thầy ngập úng nước mưa. Mái ngói rêu phong nhà thầy võng xuống vì đã phải gánh nặng quá sức qua năm tháng. Thầy đang chữa chiếc xe đạp cũ của thầy.

-              Chúng em chào thầy ạ!

                Chúng tôi quây quần bên thầy như xa thầy đã lâu. Tôi rụt rè hỏi:

-              Thưa thầy! Sao thầy không tổ chức dạy thêm ạ?

-              Tất cả kiến thức mà thầy có được, thầy đã truyền cả cho các em trên lớp rồi. Còn cái gì để mà nói thêm, dạy thêm nữa đâu. Chỉ cần các em chịu khó, nghiêm túc làm hết bài thầy cho trên lớp là đủ.

-              Tôi thắc mắc: Nhưng một số bạn kém muốn học thêm để theo kịp lớp, còn những bạn học giỏi cũng muốn học để giỏi hơn thì không được sao, thưa thầy?

-              Đáng tiếc là một số phụ huynh có con em học kém đến xin học thầy không vì mục đích ấy, mà chỉ muốn thầy… nâng điểm. Thầy không muốn mang tiếng với nhà trường. Còn những học sinh giỏi? Theo thầy nên dành thời gian đọc nhiều sách văn học và tự tích luỹ…, chắc chắn sẽ nâng cao thêm kiến thức. Thầy cũng còn phải thường xuyên đọc sách nữa cơ mà!

Ra khỏi nhà thầy, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: "Tại sao người tốt và giỏi như thầy lại phải chịu vất vả suốt cuộc đời?!... Hay là tại số thầy tôi như vậy?".

Bỗng tôi thầm reo lên:

"Phải rồi! Tôi hiểu ra rồi! Bao nhiêu của cải, vốn liếng của thầy tôi chính là kiến thức. Thầy đã không giữ lại làm của riêng cho mình mà mang hết ra cho những thế hệ học sinh của thầy, để họ giàu có, thành đạt…".

Vì thế mà số thầy tôi nghèo… 

Số nghèo... - Hình 3

 Truyện ngắn của Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Bánh lá mít quê tôi

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy nhà ông Trãi nghèo nhất xóm. Ngày hai buổi đi làm, với tính tình hiền lành, chăm chỉ, ông lại có tay nghề “đa năng” nên ai nhờ gì làm nấy, cả ngày vất vả có khi cũng chỉ được trả công bằng 5 lon gạo hoặc ít ký khoai lang, củ mì. Vợ anh, chị Hải mắt kèm nhèm, lại thêm bị bệnh khớp gối nên chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài bếp.

Tản văn: Chiếc áo tuổi thơ

Sáng sớm ra phố, trong làn gió cuối đông se lạnh, nhìn những chiếc áo ấm đầy màu sắc bỗng nôn nao nhớ những mùa đông xưa bên mẹ. Ngày ấy, mùa đông như lạnh hơn bây giờ, trẻ con nhà quê đứa nào môi cũng tím tái, chỉ có nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi.

Truyện ngắn: Chia tay

Mùa xuân vừa đi qua cũng là lúc thành phố nơi nàng gắn bó thời ấu thơ tràn ngập ánh mặt trời. Hơi lạnh se se len lỏi trong gió cách đó mấy ngày, giờ không còn nữa.

Truyện ngắn: Tín hiệu tình yêu

Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”.

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.
Top