banner 728x90

Tản văn: Bánh lá mít quê tôi

15/07/2025 Lượt xem: 2355

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy nhà ông Trãi nghèo nhất xóm. Ngày hai buổi đi làm, với tính tình hiền lành, chăm chỉ, ông lại có tay nghề “đa năng” nên ai nhờ gì làm nấy, cả ngày vất vả có khi cũng chỉ được trả công bằng 5 lon gạo hoặc ít ký khoai lang, củ mì. Vợ anh, chị Hải mắt kèm nhèm, lại thêm bị bệnh khớp gối nên chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài bếp.

Trong xóm, ai cũng nói nhà ấy sống phúc hậu, ăn ở biết xóm giềng, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn nhưng nghèo khổ quá, thỉnh thoảng đem rá đi vay gạo, tuy thương nhưng nhiều khi bà con chẳng có gì giúp nhiều, bởi thời ấy ai cũng nghèo cả. Có Tết, vào lúc giao thừa, cả làng nổ ran tiếng pháo, nhìn lên đồi, ngôi nhà tranh khuất trong vườn mít của anh im lìm không đèn đóm, nghĩa là năm đó cả nhà không có Tết.

Cùng tuổi với tôi, con Bê nhà ấy có nước da bánh mật, hai má có hai hạt gạo duyên dáng, tóc lúc nào cũng cột túm sau gáy như nhánh cỏ. Mỗi lần ra chợ bán bánh, đi trên đường, thỉnh thoảng nó cũng lắc lắc cái đầu cho bím tóc tung tẩy. Ở chợ Xổm, Bê bán một thứ bánh “độc quyền” không ai làm đó là bánh gạo lá mít. Bánh này làm bằng bột gạo đỏ, ngày nay người ta thường gọi là gạo lức. Loại gạo đỏ này được trồng trong mấy thửa ruộng gần con kênh nước lợ, năng suất rất thấp nhưng chịu được sâu bệnh, gạo thì rất khó nấu thành cơm, hễ cơm để nguội là khô cứng. Thế nhưng cái bánh gạo đỏ của nhà nó làm ra nhiều người lại hay mua, phần thì thương nó tảo tần giúp cha mẹ nuôi em, phần có vị ngon riêng khó tả. Có lần hỏi, Bê cười nói làm bánh này dễ thôi, lấy gạo đỏ xay nhuyễn với nước đun sôi để nguội, ủ kín một ngày một đêm; lấy đậu đỏ hầm chín, đem ra cối đá quết thật nhuyễn, sau đó phi với hành mỡ để làm nhân. Canh bốn, Bê dậy sớm đem bột ra nặn, cho nhân vào trong và vo tròn thành từng cái như kiểu làm bánh ít, to cỡ miệng ly uống trà, sau nó đặt từng cái lên từng chiếc lá mít rồi xếp vào nồi hông như hấp cách thủy.

Nhìn cái bánh tròn trịa, màu đỏ gạo lức, khô cứng nằm trên lá mít xanh ăn không mềm, không dẻo, nhưng lạ thay bánh này để càng nguội ăn càng ngon. Ăn chậm, nhai kỹ từng miếng nhỏ mới cảm nhận hết được vị bùi bùi, beo béo, thơm thơm của bột gạo lức, đậu đỏ, hành tăm, mỡ heo, thoảng một chút vị chát nhẹ của lá mít tươi, thật riêng biệt.

Hồi đó, Tết nào bà tôi cũng đặt hàng con Bê làm mấy chục cặp bánh gạo đỏ chưng lên bàn thờ cúng ông nội tôi. Bà nói, xưa ông rất thích ăn món này.

Xa quê, sống nơi đất khách, mỗi khi gặp nhau ai cũng vồn vã chào hỏi và không quên hỏi thăm thứ bánh gạo đỏ lá mít ở chợ có còn bán không, nhà con Bê hết khổ chưa. Thì ra ẩn náu sâu xa trong cái ngon của bánh nằm ở sự bình dị chân chất như tâm hồn quê kiểng, coi trọng sự hiền lành, hiếu nghĩa của con người chứ không phải miếng ăn.

Hương Lan

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chiếc áo tuổi thơ

Sáng sớm ra phố, trong làn gió cuối đông se lạnh, nhìn những chiếc áo ấm đầy màu sắc bỗng nôn nao nhớ những mùa đông xưa bên mẹ. Ngày ấy, mùa đông như lạnh hơn bây giờ, trẻ con nhà quê đứa nào môi cũng tím tái, chỉ có nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi.

Truyện ngắn: Chia tay

Mùa xuân vừa đi qua cũng là lúc thành phố nơi nàng gắn bó thời ấu thơ tràn ngập ánh mặt trời. Hơi lạnh se se len lỏi trong gió cách đó mấy ngày, giờ không còn nữa.

Truyện ngắn: Tín hiệu tình yêu

Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”.

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…
Top