banner 728x90

Truyện ngắn: NHẶT CỦA RƠI

29/03/2024 Lượt xem: 2575

NHẶT CỦA RƠI - Hình 1

                Thằng Hòa em trai tôi đi học về hùng hồn tuyên bố:

                - Mai em sẽ kiện cô giáo!

                - Sao kiện? Chuyện gì thế ? Tôi hỏi nó.

                - Bài tập làm văn em viết hay thế mà cô bắt em viết lại!

                - Đâu? Đưa chị coi?

                Nó rút trong cặp bài tập làm văn ra đưa cho tôi. Mới đọc lướt qua tôi đã muốn ngất xỉu. Viết thế này, chẳng trách cô bắt làm lại:

                “Đề bài: em hãy thuật lại một việc tốt của em (hoặc của bạn em).

                Bài làm: Một buổi sáng mùa hè lung linh đẹp ơi là đẹp. Em tung tăng cắp sách đến trường từ sáng sớm tinh mơ. Bỗng em reo lên: Đây rồi! Một cái túi rất to nằm ngay giữa sân trường. Em vội vàng chạy lại mở túi ra xem thì thấy toàn là vàng, đô la… Em xách túi chạy đến đồn công an…”.

                - Đúng là giàu trí tưởng bở. Cứ làm như cái túi nó nằm chờ mày ở sân trường ấy. Mà ở trường chỉ có cô giáo và học sinh, lấy đâu vàng và đô la để mà đánh rơi? Viết thế này còn định kiện cáo gì nữa? Tôi bắt bẻ nó.

                Thằng Hòa ngẩn người. Nó chạy sang nhà hàng xóm chơi. Chắc nó đã nhận ra sai lầm của nó. Đó là chuyện của ngày hôm qua.

                Sáng nay mồng một Âm lịch. Mẹ dặn tôi dậy sớm thổi xôi, thắp hương để thằng Hòa đi học về kịp ăn. Thế mà không hiểu sao gần 12 giờ trưa rồi vẫn không thấy nó về. Tôi quyết định lao đến trường. Đang trong tâm trạng lo âu, sốt ruột, tôi bắt gặp cu cậu đang điềm nhiên đứng ăn kem trước cổng trường. Bực mình, không nói câu nào, tôi lặng lẽ kéo tay nó về nhà.

                - Mày lấy tiền đâu ra mà ăn kem?

                - Ông bà ấy cho em - Nó trả lời tỉnh khô.

                - Ông bà nào? Tại sao người ta lại cho mày tiền? Nói mau!

                - Sáng sớm nay đi học, em thấy một ông vác một bao tải rách cùng với một bà đội thúng từ trong ngõ đi ra. Ông ta rất vội vã nên đánh rơi bọc tiền đựng trong túi ni lông rớt xuống đất mà không hề hay biết.

                - Bọc hình gì? To bằng ngần nào? Mày nhìn thấy tiền trong đó à? Tôi cắt ngang.

                - Hình vuông, to bằng cái đầu chị ấy…

                  Em không nhìn thấy tiền nhưng nặng lắm. Em vội nhặt lấy, chạy theo đưa cho ông bà ấy. Ông ấy khen em ngoan rồi nhét vào túi em 5.000đ.

                - Sao mày biết là túi tiền?

                - Vì bà kia bảo với ông ấy: “May quá, cháu nó nhặt được gói tiền vàng của ông kìa”.

                Trong óc tôi chợt nghĩ: Mấy hôm nay đài báo liên tục đưa tin về các vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Một số vụ là những người bỏ quê lên Hà Nội, đi lao động, mua ve chai và nhặt rác ban đêm.

                - Mày tả hình dáng ông bà kia tao xem? Ông ta thấp, đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội cũ, đi dép lê, mặt có một vết sẹo dài. Còn bà kia thì mặc một chiếc áo đen, đầu đội nón rách, da… vàng.

                 - Thôi đích thị là kẻ gian rồi. Sao mày ngu thế! Không lẳng lặng ôm gói tiền ấy chạy đến đồn công an báo, may ra còn kịp vây bắt.

                 - Nhỡ không phải là kẻ cắp thì sao?  Nó vặn lại.

                - Còn nhỡ gì nữa? Đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội, đi dép lê, chỉ có bọn “quân khu” "đầu gấu" không ăn trộm thì việc gì phải vội vội vàng vàng như thế. Mày không thấy sao? Đi nhặt rác thì kiếm đâu ra một túi tiền vàng to như thế? Vụ trộm này to đấy.

                 Mặt thằng Hòa đần ra. Nó ân hận vì đã chót cầm tiền của một kẻ ăn cắp. Nó tiếc vì đã bỏ qua một cơ hội lập chiến công.

                Bỗng trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ:

                 - Mày có nhớ hai tên đó đi về hướng nào không?

                 - Đi về phía chợ?

                Quên cả ăn trưa, chỉ lo hai tên trộm tẩu thoát, cứ thế tôi lôi thằng Hòa đi về phía chợ với một chút hy vọng mỏng manh, may ra bọn chúng chưa bỏ đi xa. Vừa đi tôi vừa vạch cho thằng Hòa phương án bắt trộm.

                 - Khi nào phát hiện thấy, mày sẽ bám theo, còn chị chạy đi báo công an, nghe chưa?

                - Chị  ơi em sợ lắm! Tay nó túm chặt tay áo tôi.

                - Sợ thì mày đi báo công an tao bám theo vậy…

                - Hai chị em tôi lách qua đám đông ở chợ, để tiến về khu nhà lá của dân nhặt rác mà người ta quen gọi là khu nhà ổ chuột. Đến cuối chợ bỗng  thằng Hòa reo lên:

                - Đây rồi chị ạ!...

                Tiếng reo của nó làm tôi run bắn người. Ông bà kia cũng phát hiện thấy nó. Thằng Hòa lùi lại định chạy nhưng không kịp. Ông kia mừng rỡ lao vào ôm chầm lấy nó cười tít. Tôi nhìn dưới chân ông bà kia: chiếc thúng và bao tải rách vẫn còn nguyên. Trên thúng là chiếc mẹt bày hương, hoa, tiền vàng mã… Có lẽ ông ta đang xếp dở những tập tiền vàng âm phủ cho vào bao tải rách để dọn hàng về...

 Truyện ngắn viết cho thiếu nhi của ĐÀO QUỐC THỊNH

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top