Tôi hớn hở trở về ngôi trường cũ, nơi tôi đã từng gắn bó suốt 3 năm trung học phổ thông. Cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay, tôi biết điều tôi mong đợi ngày xưa giờ đây đã thành hiện thực. Có lẽ thầy tôi sẽ hài lòng vì tôi đi đúng con đường mà thầy tôi đã từng mong muốn.
Ra đón tôi không ai khác chính là thầy, người đã dạy tôi suốt ba năm trung học. thấy tôi, nước mắt thầy lăn dài trên gò má hốc hác, nhưng nụ cười hạnh phúc nở trên môi, xúc động quá tôi vội đánh trống lảng:
Thầy ơi! tóc thầy bạc quá.
Lúc nào thầy cũng có mái tóc muối tiêu, nhưng giờ muối nhiều hơn tiêu rồi – Thầy vui vẻ cười.

Hai thầy trò vừa đi vào phòng hiệu trưởng vừa nói chuyện. Ngồi xuống thầy nói ngay:
“Em uống nước đi, chắc mệt lắm hả?” Cầm ly nước trao tận tay, tôi bỗng thấy mình bé nhỏ trước thầy. Ngày ấy thầy luôn quan tâm lo lắng cho những học trò nghịch ngợm vô thức chúng tôi. Vốn là nhà giáo dạy văn, thầy từng “giáo huấn” chúng tôi không biết bao nhiêu chuyện. Buổi học nào cũng gần như bắt đầu bằng một câu chuyện kể. Thầy nói: “Học không phải để làm quan, học là để làm người. Làm người trước đã rồi hãy tính đến chuyện làm quan sau.”
Có một mẩu chuyện nhỏ mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi. “Ngày xưa có một nhà triệu phú rất giàu có góa vợ và có ba người con trai, tuổi đã về già ông muốn trao toàn bộ gia tài cho người con nào hiếu thảo nhất. Ông gọi ba người con lại, trao cho mỗi người một thỏi vàng và nói: “Các con hãy ra đi mua một thứ gì đó đem về lấp đầy ngôi nhà này. Nếu ai làm lấp được đầy ngôi nhà sẽ được ta giao tất cả gia tài cho.”
Ba người con ra đi. Người thứ nhất mang một bịch cỏ to về xếp nó ra phủ lên nhà, nhưng không lấp đầy được. Người thứ hai đem về một bịch bông gòn to, rồi thổi phồng lên nhưng cũng không lấp đầy được ngôi nhà. Cuối cùng người con út trở về, trên tay cầm cây đèn cầy, chàng đặt vào giữa phòng rồi thắp lên, toàn bộ căn phòng đó tràn ngập ánh sang phủ đầy. Người cha rất hài lòng và đem toàn bộ gia tài cho người con út.
.jpg)
Kết thúc câu chuyện, thầy lặng đi vài giây rồi tiếp “Thầy đố các em, cây nến mà người con út mang về mang ý nghĩa gì?” Chúng tôi im lặng. Để chúng tôi tranh luận đến hồi gay cấn, thầy mới phân giải. Người con út muốn nói rằng anh ta sẽ là một ngọn nến chiếu sáng cho đời, hy sinh cho đời, mặc dù ngọn nến ấy khi cháy lên thì bị mòn, nhưng vẫn luôn rực rỡ vì tỏa sáng. Thầy luôn ước gì các em sống và là những ngọn nến soi đường cho lớp đàn em sau này. Tôi hiểu ý thầy lúc đó, thầy muốn chúng tôi nối tiếp con đường giáo dục mà thầy đã đi, trở thành những người lặng lẽ thầm lặng ngay trên quê hương mình…
Em uống nước đi rồi chúng ta nói chuyện tiếp - tiếng thầy đã kéo tôi trở về thực tại.
Em cám ơn thầy.
Ngụm nước mát đem lại cho tôi sự sảng khoái. Giọng thầy vẫn đầm ấm ngọt ngào như xưa:
Thầy cám ơn em, vì em đã nối tiếp con đường thầy mong muốn.
Thầy đừng cám ơn em, chính em phải cám ơn thầy bởi vì ngọn nến của thầy ngày xưa đã soi đường cho em trở về mà.
Đôi mắt thầy sáng lên hạnh phúc. Đúng rồi chúng ta phải cám ơn ngọn nến, vì ngọn nến đã soi đường chúng ta đi. Và mỗi chúng ta hãy trở thành ngọn nến, để soi sáng cho đàn em sau này.
Hà Điểm