banner 728x90

Truyện ngắn: Long đong trên đường mưu sinh lập nghiệp

26/07/2025 Lượt xem: 2357

Bôn ba lập nghiệp..Không biết với hai mươi ba tuổi đời, người ta bảo tôi như vầy là hạnh phúc hay bất hạnh, may mắn hay rủi ro, khôn ngoan hay dại dột. Chỉ biết rằng hơn một lần, bàn tay lạnh cóng của tôi đã viết trên lớp tuyết phủ ở bến xứ người hai chữ: “cội nguồn”.

Năm tôi học lớp 12, gia đình có chuyện hục hặc, đổ vỡ. Tôi là đứa con lớn trong gia đình, lại là đứa con gái quá nhạy cảm, thành ra lúc nào nước mắt cũng lưng tròng. Khi bạn bè tôi đi ôn thi đại học hết trường này trường khác, thì tôi lại thui thủi ở nhà muốn quỵ xuống bởi những lá đơn ly hôn khi thì của cha, lúc thì của mẹ. Tôi mím môi đi tìm người đàn ông xía vào hạnh phúc của gia đình tôi, thuyết phục ông ta bằng nỗi đau chới với của đứa con gái 17 tuổi sắp sửa bị tụt mất gia đình. Tôi thuyết phục ba, thuyết phục mẹ… gia đình được hàn gắn thì cũng là lúc bạn bè tôi bước sang năm thứ hai đại học. tôi ngậm ngùi nhìn giá sách đã bị lãng quên của mình và quyết định nộp hồ sơ thi vào một khóa đào tạo nhân viên phục vụ khách sạn ở Vũng Tàu. May thay tạo hóa còn ban cho tôi tí nhan sắc, một đôi mắt nai, một chiếc rang khểnh cùng một giọng hát ấm và vốn tiếng anh học được ở trung tâm dạy ngoại ngữ. Kết thúc một năm, tôi được nhận vào làm tổ buồng của một khách sạn ba sao. Hàng ngày đến khách sạn, công việc của tôi là dọn lại phòng cho khách, cắm hoa tươi vào lọ và hỏi xem khách có nhu cầu gì nữa không. Khách sạn tôi làm việc nằm cạnh một dòng sông thơ mộng. Đứng trên ban công nhìn xuống dòng sông, tôi cứ khen dòng sông có tên rất đẹp và buồn: sông Nhật Lệ.

Cuộc sống tưởng như yên ổn, nào ngờ một hôm tôi đi bộ từ khách sạn về nhà, ngang qua tụi trẻ con, tự nhiên chúng hét lên: “Gái khách sạn! Gái khách sạn!”. Tôi sững người nhìn chúng rồi vội và quay đi. Tôi cúi gằm mặt xuống và có cảm giác như tất cả mọi khách qua đường đều nhìn tôi khinh bỉ, ghê tởm, cứ như tôi là hạng người bèo bọt, rác rưởi, rẻ rúng. Cảm giác ấy luôn theo tôi. Tôi muốn lao xuống dòng sông kia để được vĩnh viễn nằm trong lòng sông, khỏi phải đớn đau tủi  nhục. Tôi rời khách sạn, làm hồ sơ đi lao động ở Tiệp Khắc. Sang Tiệp Khắc được 10 ngày, khám sức khỏe, phỏng vấn nghề nghiệp, chuẩn bị hồ sơ thì tôi cùng bảy người Việt nữa trốn sang Đức. Thời gian ở Berlin, tôi làm việc cực nhọc. Cuộc sống đúng nghĩa vất vả. Suốt tuần phải đi làm, tối về không kịp ăn, lăn ra ngủ. Nhiều đêm, nhớ nhà nhưng cũng đánh nén lại. Một căn phòng nhỏ tối tăm người ở, lấy đâu ra “một khoảng riêng tư” để viết thư, viết nhật ký? Không thể sống ảo vọng, tôi lại lao vào buôn bán tranh giành. Rồi những cuộc mặc cả, dối trá, đổi chác, phỉnh nịnh. Mỗi lần thấy bản thân đứng trước nỗi sợ ấy, tôi lại rơi nước mắt. Đêm về đếm lại những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Ngẫm nghĩ mà tiếc nuối cái ngày xưa, sao ngày ấy mình không có đủ sức đứng trên dư luận?

Thời gian thấm thoát trôi đi. Ba năm ở xứ người với những lần hụt hẫng tưởng chừng buông xuôi cho số phận. Ba năm trời tôi khéo léo mà tránh cái này, né cái nọ, không cho phép mình thất bại. Để rồi đến một hôm, có người bảo: “Tôi ngốc nghếch. Đồ điên”. Và tôi gặp anh trong một lần tranh giành chỗ bán thuốc tại công viên. Tôi nhớ ba năm nhiều lần tôi hỏi: Mi yêu rồi phải không? Ừ, yêu thật rồi. Tôi và anh làm lễ cưới bên xứ người. chỉ có mưa và tuyết trắng. Đêm tân hôn anh đọc  cho tôi nghe bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh. Tôi ôm lấy anh, nước mắt cứ trào ra: “Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng. Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi. Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi…”

Liên Xô tan rã. Thị trường châu Âu hỗn loạn. Đức quyết định trả dân tỵ nạn về nước. Tôi nôn nao đợi ngày trở về Việt Nam nhưng chồng tôi bàn sang Nga làm ăn. Khi tôi nói bên đó lộn xộn lắm thì anh giải thích: Đục nước béo cò. Tôi hụt hẫng, chới với. Tôi cảm thấy cô đơn và lẻ loi. Tôi quyết định nói ra điều hệ trọng: Em sắp làm mẹ, em phải về nước. Không ngờ, anh ôm chầm lấy tôi, hôn lấy hôn để. Anh dứt khoát: Về thôi em ạ, con mình phải được sinh ra trên đất nước mình. Rồi anh với tay bật máy nghe nhạc, giọng ca trầm ấm vang lên: “Bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay...”

Bây giờ thì tôi đã có một “gia tài” kếch xù: Anh và Con. Tôi là “tỷ phú”. Tôi đã trở về Việt Nam, nơi đây có gia đình, bè bạn, có dòng sông Nhật Lệ hiền hòa. Chúng tôi lại bắt đầu bằng bàn tay của tôi, của anh, bằng tình yêu dành cho Cún con và cho cả cội nguồn, tình yêu thiêng liêng trong mỗi người con nước Việt.

Đoàn Hồ Lệ Anh

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Những vòng hoa

Tôi là sinh viên đi làm thêm. Một công việc khá đặc biệt: làm hoa tang ngay bên cạnh bệnh viện 108. Chủ tôi là bác Hoạch một thiếu phụ tuổi trung niên, tính hay lo chuyện thiên hạ. Nhưng cũng vì lẽ đó mà khách quen nhiều. Người ta ai cũng muốn mua hàng của người dễ chịu, biết quan tâm tới khách. Tôi học việc một tuần là có thể cắm hoa được rồi. Đơn giản lắm. Ngày ngày phải đối mặt với những cuộc ra đi vĩnh viễn, dù là gián tiếp, tôi cũng trở nên trầm tính nhiều.

Truyện ngắn: Tình yêu biển

Nơi tôi sống là một làng chài ven biển. Tôi yêu biển bởi biển nuôi sống bao người, trong đó có gia đình tôi. Biển cho niềm vui, hạnh phúc và cả đau thương nhưng người ta vẫn một lòng ơn biển.

Truyện ngắn: Nơi ấy ngoài đảo xa

Tàu hướng mũi ra khơi, bỏ lại tiếng ồn ào nơi bến cảng. Bến cảng không có cầu tàu, thay vào đó là thuyền thúng, sà lan làm phương tiện trung chuyển. Tự bao đời rồi bến cảng vẫn như thế, nhưng chưa có ai có ý định bỏ làng, bỏ bến để ra đi.

Tản văn: Bánh lá mít quê tôi

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy nhà ông Trãi nghèo nhất xóm. Ngày hai buổi đi làm, với tính tình hiền lành, chăm chỉ, ông lại có tay nghề “đa năng” nên ai nhờ gì làm nấy, cả ngày vất vả có khi cũng chỉ được trả công bằng 5 lon gạo hoặc ít ký khoai lang, củ mì. Vợ anh, chị Hải mắt kèm nhèm, lại thêm bị bệnh khớp gối nên chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài bếp.

Tản văn: Chiếc áo tuổi thơ

Sáng sớm ra phố, trong làn gió cuối đông se lạnh, nhìn những chiếc áo ấm đầy màu sắc bỗng nôn nao nhớ những mùa đông xưa bên mẹ. Ngày ấy, mùa đông như lạnh hơn bây giờ, trẻ con nhà quê đứa nào môi cũng tím tái, chỉ có nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi.

Truyện ngắn: Chia tay

Mùa xuân vừa đi qua cũng là lúc thành phố nơi nàng gắn bó thời ấu thơ tràn ngập ánh mặt trời. Hơi lạnh se se len lỏi trong gió cách đó mấy ngày, giờ không còn nữa.

Truyện ngắn: Tín hiệu tình yêu

Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”.

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.
Top