banner 728x90

Truyện ngắn: Ký ức tuổi thơ

08/03/2025 Lượt xem: 2401

Ký ức tuổi thơ tôi là cây chùm ruột. Trong mảnh sân trước căn nhà nhỏ mẹ tôi mua hồi đó luôn mát rượi bởi bóng mát của một cái cây rất lạ. Nhờ những tán lá sum suê của nó nên ánh nắng chói chang của những ngày hè dịu đi rất nhiều. Khoảng sân râm mát dưới gốc là chỗ cho bọn trẻ chúng tôi tụ tập chơi bắn bi, chơi đồ hàng… Dì Ba hàng xóm nói, đó là cây chùm ruột.

Thế là cả bọn háo hức đợi cây có trái. Sang xuân, lá chùm ruột rụng dần, bắt đầu cho mùa chùm ruột. Từ trên những nhánh cây mảnh khảnh, mỗi ngày lại nhú lên những chùm trái non bé tẹo xanh ngắt. Bắt đầu vào mùa nắng, những trái chùm ruột cựa mình, lớn nhanh như thổi. Từng trái, từng trái to dần trong những ánh mắt ngắm nghía vừa tò mò vừa náo nức của chúng tôi. Vài ngày sau, đám chùm ruột chi chít ấy trở thành những hòn bi dèn dẹt…

Một sáng mai thức dậy, màu xanh của chùm ruột chuyển dần sang vàng nhạt. Cả cây, từ gốc đến ngọn, chi chít những trái chùm ruột mọng nước, xung quanh có khía như những trái cà chua tí hon vàng ươm. Ngắm chùm trái bóng lộn, nặng trĩu trên cành, ai cũng thấy ứa nước miếng. Hấp dẫn đến độ không thể dằn lòng, tôi đưa tay bứt một trái, bỏ vào miệng, rồi... nhăn mặt: Làm sao mà nuốt nổi? Chua khủng khiếp!

Chẳng thèm ngó ngàng đến đám chùm ruột lúc lỉu ấy, chúng tôi bỏ mặc cho chúng chín vàng rồi rụng la liệt. Mỗi sáng, mẹ quét sân, vun lại thành đống, hốt đổ ra hố rác… Nếu không tiếc khoảng sân râm mát dưới gốc mỗi ngày hè, chắc chắn cây chùm ruột ấy đã bị chặt bỏ.

Một hôm, cậu Năm từ dưới quê lên chơi. Vừa nhìn thấy cây chùm ruột, mắt cậu sáng lên: “ Ô! Chùm ruột? Tốt lắm!”. Rồi cậu lấy rổ ra tuốt một nắm to, đem rửa sạch, bỏ vào cái tô, cho thêm trái ớt, mấy muỗng đường, nửa thìa muối, chút bột ngọt rồi lấy cái chày giã nhẹ… Mấy phút sau, cậu gọi: “Mấy đứa đâu, lại đây”. Lần lượt từng đứa xúc một thìa món ăn cậu mới sáng tạo, nhai nhai thử, mắt lim dim, đầu gật gật… Ngon lắm! Đủ thứ vị: chua, ngọt, cay, mặn… giòn tan, sần sật trong miệng… Chúng tôi xúc tiếp thìa thứ 2, thứ 3… Chẳng mấy chốc, tô chùm ruột hết sạch.

Trong khi chúng tôi hăm hở với món chùm ruột muối ớt, cậu Năm nhỏ to với mẹ về công dụng làm thuốc của chùm ruột: nào là nó chứa nhiều vitamin C, nào là lá chùm ruột nấu nước tắm chữa lở, đắp ngoài chữa vết thương, vỏ cây tiêu độc, sát trùng, rượu vỏ cây chữa đau răng, viêm họng… Đó là chưa kể, lá chùm ruột còn để gói nem chua nữa.

Chưa hết. Trưa hôm đó, cậu Năm vào bếp, đãi cả nhà món canh chua chùm ruột, ngon hết biết. Bữa chiều có nước rau muống luộc dầm chùm ruột, húp đã hơn cả vắt chanh. Nhưng ngon nhất vẫn là món mứt chùm ruột cậu Năm vừa làm vừa bày cho mẹ. Cậu rửa từng trái, để ráo rồi đem phơi nắng. Khi trái vừa héo, cậu bỏ vào bị, đập nhè nhẹ cho ra bớt nước chua rồi sên với đường, thêm chút muối, ít gừng… Nồi mứt chùm ruột màu mật ong của cậu có đủ vị ngọt, chua, mặn, cay… ngon không thể tả. Cậu còn bày cách làm chùm ruột muối để bảo quản được lâu. Khi dùng, ngâm nước cho bớt mặn rồi đem rim, sẽ có món ô mai chùm ruột. Ngày hè, món nước đá ô mai chùm ruột ngon chẳng kém nước xí muội, chanh muối…

Ít lâu sau, con hẻm trước nhà tôi mở rộng nên cây chùm ruột bị chặt bỏ. Cả nhà ai cũng tiếc. Sau này, nhiều lần được ăn mứt chùm ruột, nhưng tôi không thấy ngon như món mứt chùm ruột của cậu Năm. Cũng chẳng ở đâu có nước đá ô mai hay món canh chua chùm ruột đã gắn bó với chúng tôi suốt một thời thơ bé.

Hương Lan

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top