banner 728x90

Truyện ngắn: Ký ức mùa xuân

26/03/2024 Lượt xem: 2476

Tôi quen anh vào một ngày giáp Tết trong đám cưới của một người quen. Anh cao to, khoẻ mạnh, rắn rỏi và không có điều gì ấn tượng ngoài đôi mắt tinh nghịch, thế nhưng lại cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên.

- Anh có thể cho em quá giang về nhà được không?

- Được thôi, nhà em ở đâu?

- Cuối xã này!

Ừ nhỉ? Sao mình không gọi điện thoại kêu đứa em đi đón, lại nhờ anh đưa về nhỉ?! Có thể anh sẽ nghĩ mình là đứa con gái dễ dãi hoặc quá khờ dại… Có đúng là mình dại quá không? Tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì tiếng anh cắt ngang:

-              Xin lỗi cô bé! Em tên gì?

Lòng tự ái của tôi được xoa dịu vì thái độ thành thật và giọng nói ngọt ngào của anh.

-              Em tên Lan- Đào Phong Lan. Còn anh khỏi cần giới thiệu, anh là anh Dũng đúng không? Em đã chú ý và biết tên anh ngay từ khi anh mới đến và ngồi vào bàn bên cạnh.

“Tình yêu có thể biến kẻ ngốc thành người thông minh, và một kẻ khôn ngoan thành người khờ dại”. Khi đó, chính tôi cũng chẳng hiểu được tại sao tôi lại thốt ra những câu ngờ nghệch như thế, khi nghe tiếng cười khe khẽ của anh.

-              Em còn đi học phải không?

-              Dạ, lớp 12… Còn anh làm việc ở đâu?

-              Anh à ?… Anh sắp xa nơi này rồi, ăn Tết xong anh lên đường nhập ngũ. Vừa nói, anh vừa lấy trong túi áo tờ giấy gọi nhập ngũ đưa cho tôi xem… và tôi đã trở thành bạn thân của anh từ lần gặp gỡ đầu tiên đó.

Tết năm ấy, anh thường xuyên đến thăm tôi. Anh chủ động rủ tôi đi chơi. Không hiểu sao tôi lại nhanh chóng nhận lời. Hai đứa chúng tôi đi lang thang trên con đường đất mới mở. Ngày Tết, con đường đất quê tôi vắng hoe, lác đác vài người qua lại. Mưa xuân bay bay giăng mờ. Dưới ánh đèn đường, gương mặt anh và tôi rạng rỡ… Ngày chia tay rồi cũng đến. Đêm trước hôm anh lên đường, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, một cảm giác nôn nao khó tả. Anh đến muộn, khi ánh trăng đầu làng đã lên cao. Mưa xuân nặng hạt, nồng nàn mùi đất và lần đầu tiên tôi bắt gặp cái nhìn của anh thật lạ. Bỗng dưng, trái tim tôi đập nhộn nhịp, tôi như muốn nghẹt thở, rồi lại tự cười mình vớ vẩn… Rồi anh đi, với một niềm vui náo nức. Tôi đi tiễn anh, lần đầu tiên thấy mình có cảm giác thật lạ. Luống cuống, tôi tặng anh một bông hoa hồng nhung tươi rói vừa chớm nở. Anh vụng về đón nhận. Bạn bè cười trêu chọc… Chẳng ai dám nói với ai điều gì, chỉ có cái nắm tay vội vàng và ánh mắt thiết tha của anh trước lúc xe ô tô chuyển bánh. Tôi thảng thốt nhìn theo đoàn xe, giơ tay vẫy vẫy. Chia tay anh trong hơi xuân ấm áp hôm ấy sẽ mãi mãi là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi… Mùa xuân năm ấy, thướt tha dịu hiền trong nét điểm trang lộng lẫy của một vùng quê đang đổi mới, thắp lên trong tôi một niềm hy vọng.

Tiễn anh đi rồi, tôi trở lại lớp học mang theo một chút bâng khuâng, thi vị. Đang giờ ra chơi, tụi con trai trong lớp ngồi cắn hạt dưa tí tách và bàn tán chuyện thi cử. Năm nay là năm cuối cùng phổ thông trung học, bọn con trai lớp tôi ít nghịch ngợm hơn và đã biết chải đầu trước khi đến lớp. Còn tụi con gái trở nên kín đáo, hiền dịu, hay tụ tập lại thành từng nhóm và thì thầm với nhau điều gì đó… Riêng tôi, lặng lẽ một mình suy tư về tương lai, sự nghiệp, về gia đình, bạn bè và anh…

Chớm hè, những nụ phượng chúm chím kết lại thành từng chùm lấp ló trên cây. Chúng tôi lao vào ôn thi tốt nghiệp và chuẩn bị thi đại học. Đến lớp, nghỉ học lúc nào là lại xúm vào bàn tán: “Mày thi trường nào?” – “Đợi ông bà già tính đã”, “Này, thằng Khương nộp đơn thi 3 trường liền…”, “Còn mày, Lan ơi! Mười năm sau Lan là ai nhỉ ?...”, rồi lưu bút, rồi chụp ảnh kỷ niệm…

Buổi học cuối cùng… tuổi học trò giờ gom lại thành nỗi buồn man mác. Cả lớp lặng phắc hướng ra cửa chờ đợi. Thầy bước vào lớp, thay cho lời dặn dò chia tay, thầy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cũ, trong ký ức xa xôi của thầy…

“… Đó là những đứa trẻ không may mắn trong cuộc đời. Ba mẹ bỏ nhau. Ba giữ bé Mai, còn em Dũng theo mẹ. Ba đưa bé Mai về sống cùng ông bà nội. Ông bà nội lạnh nhạt chì chiết ba. Một tuần sau, hai cha con lặng lẽ ra đi, xin cơ quan một phòng tập thể để ở. Một đêm thức giấc, không thấy ba bên cạnh, bé Mai vùng dậy thấy ba đang ngồi lặng im bên cửa sổ, đôi mắt nhìn vào khoảng không vô định… Nó nhẹ nhàng đến bên cạnh, vùi đầu vào lòng ba thì thầm:

Ba! Sao Ba không giữ em Dũng lại, để con theo mẹ…

Người cha kìm xúc động, vuốt tóc con, nhẹ nhàng hỏi:

- Con nhớ mẹ à?

- Con nhớ mẹ và thương ba rất nhiều, nhưng ông bà nội chỉ có một mình ba… Các cô dì không thích con, muốn em Dũng ở với ba.

- Không! Ba thương con nhất trên đời. Đôi mắt ông ướt lệ, ông ôm hôn con gái rồi bế nó trở lại giường.

Những tháng đầu, thỉnh thoảng mẹ lại bế em Dũng về thăm Mai. Vài ba năm sau, thưa dần. Hãn hữu lắm mẹ nó mới ghé qua, dúi vào tay nó gói kẹo, cái bánh, và mấy chục ngàn đồng, rồi lại đi ngay.

Lớn lên, nó mới hiểu và thấm thía sự thua thiệt, mất mát của một gia đình ly tán. Rồi mẹ nó chuyển đi đâu không rõ. Nó nghe nói, mẹ đi lấy chồng. Rồi em Dũng về ở với ông bà ngoại…”.

Giọng thầy chùng xuống: “Mới ngày nào, thế mà đã gần hai mươi năm rồi…”. Thầy ngừng kể nhìn rất lâu về phía cánh đồng xanh ngắt, qua ô cửa sổ lớp học… Bỗng mắt thầy ánh lên niềm vui, thầy quay xuống lớp nhìn chúng tôi, giọng trầm hẳn xuống:

- Các em biết không? Trong một hoàn cảnh như vậy, mà cả Mai và Dũng đều trưởng thành. Mai học rất giỏi, hiện giờ là sinh viên năm cuối đang du học tại Úc. Còn Dũng đi bộ đội, chuẩn bị đi học sỹ quan… Mỗi người có một số phận khác nhau. Người có nghị lực là người biết vượt lên số phận không may mắn của mình. Thầy muốn các em sau này trưởng thành, trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến mấy, cũng phải phấn đấu vươn lên, trở thành những người có ích cho xã hội…

Bất giác, tôi bỗng liên tưởng tới anh Dũng trong câu chuyện thầy kể và anh Dũng tôi mới gặp ngoài đời, liên tưởng người cha với thầy giáo… Câu chuyện của thầy và ánh mắt hiền từ của Dũng hôm chia tay, làm cho tôi bỗng dưng cảm thấy mến yêu tha thiết những người lính…

Tôi đậu vào đại học sư phạm. Hành trang mang theo là câu chuyện của thầy và hình ảnh của anh. Tôi chờ đợi mỏi mòn một lá thư của anh viết mà không thấy, rồi lại tự trách mình sao cứ ngộ nhận.

Môi trường mới, bao chàng trai đã đến với tôi, rồi lại ra đi thất vọng vì trái tim lạnh giá của tôi. Với tôi, tình yêu thật khó cắt nghĩa, nó phải là một điều gì đó cao quý, thiêng liêng lắm.

Thấm thoắt 4 năm đại học kết thúc. Tôi mơ mộng, tình nguyện đến vùng sâu công tác. Đối mặt với cuộc sống gian khổ thiếu thốn, tôi chợt nhận ra rằng, giữa lý tưởng và hành động là cả một khoảng cách xa vời. Chợt nhớ đến câu chuyện của thầy, tôi lại thấy mình cứng cáp hơn lên. Tôi đã vượt qua những ngày buồn, cô đơn và nhớ anh da diết… Những buổi trưa hè yên ả, tôi thích ngồi một mình bên bờ suối, lắng nghe những bản nhạc đâu đó vọng về… “Cho em một ngày, một ngày thôi. Một ngày không mưa rơi buồn tủi, một ngày không tê tái heo may…”

Bao nhiêu năm rồi nhỉ?! Bao nhiêu năm tôi đã chờ đợi anh trong nỗi nhớ cồn cào da diết. Thế rồi, tôi có một người bạn trai. Anh tên Hoà, con một người bạn của cha. Tôi không yêu, nhưng thương như đứa em mình. Hoà hơn tôi vài tuổi, mảnh khảnh, yếu đuối, và là con út của một gia đình giàu có. Anh đến với tôi rụt rè, nhút nhát, đánh thức trong tôi bản năng vốn có của một người con gái, một thứ tình cảm trìu mến khi có một người yêu thương mình và cần đến mình. Tôi không nỡ ra đi khỏi cuộc đời Hoà, không muốn để anh phải đau đớn, mất mát. Vả lại, cha mẹ Hoà cũng rất quý mến tôi. Bạn bè khuyên tôi nên quyết định sớm: “Con gái chỉ có thời. Khi hoa còn sắc, ong bướm dập dìu, hết thời rồi, còn ong bướm nào tìm tới…”

Rồi một mùa xuân mới lại về. Tôi ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng ở khu tập thể trường, thu dọn đồ đạc để về nghỉ Tết và chuẩn bị cho lễ cưới. Bất ngờ Dũng xuất hiện trước cửa phòng tôi, trong bộ quân phục của người lính. Tôi sững sờ nhìn anh rất lâu. Anh mắt thiết tha của anh nhìn tôi, làm tôi bối rối, buông rơi chiếc túi xách. Bông hồng nhung chúm chím trên tay anh run lên nhè nhẹ. Ngày xưa, tôi cũng đã từng tặng anh một bông hoa hồng như thế … Anh tiến lại gần, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay tôi. Tôi đã lớn, để không còn thẹn thùng, vẫn giữ nguyên bàn tay mình trong tay anh ấm áp. Chút kỷ niệm xưa thoáng hiện về làm tôi bật khóc. Anh ôm chầm lấy tôi, giọng thì thầm: “Ngày ra đi, anh đã viết cho em 3 lá thư mà không thấy em hồi âm, cứ nghĩ em đã quên anh rồi… Ngoài đảo xa, anh luôn nhớ về em…”

Tôi nức nở khóc như chưa bao giờ được khóc, đôi vai rung lên, những giọt nước mắt nóng hổi của tôi làm ướt vai áo anh. Tôi hiểu ra mọi điều… những ngày chuẩn bị cho kỳ thi quyết định con đường sự nghiệp của đời mình, cha mẹ tôi đã không muốn tôi vướng vào những chuyện tình cảm, để rồi ảnh hưởng tới tương lai sau này… Còn bây giờ…  Muộn rồi anh ạ!...

“Cha mẹ cả đời nghèo khó, muốn con nương nhờ vào một gia đình giàu có. Vả lại, thằng Hoà nó cũng thương con hết lòng…”. Mấy tiếng đó của mẹ ngân lên, làm tim tôi đau nhói. Khuôn mặt Dũng đối diện với tôi thật gần, nhưng tôi đã nhận ra rằng, cả hai chúng tôi đang ở rất xa nhau… Con đường đất mới mở, nồng nàn hơi xuân ấm áp bỗng chốc lại hiện về./. 

Truyện ngắn của Đào Quốc Thịnh

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top