banner 728x90

Truyện ngắn: KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

25/03/2025 Lượt xem: 2398

Tôi xa mái trường tiểu học, xa thầy cô giáo cũ để vào trường chuyên thành phố mang theo hình ảnh bà Còng và hương vị của những gói ô mai.

Nhà bà Còng là một túp lều lụp xụp, nằm ngay sát cổng trường. Bà già yếu, gầy guộc mà vẫn phải bán quà vặt kiếm sống vì không có con.

Ba năm về trước, một lần tan học về, Ánh (bạn cùng lớp) rủ tôi vào nhà bà Còng mua ô mai.

- Bà bán cho cháu 400 đồng ô mai – Ánh nói và đưa cho bà Còng tờ giấy bạc 1.000 đồng.

Bà sờ sờ tờ giấy bạc, đút vào ngăn kéo, rồi lấy ra 1.600 đồng đưa cho Ánh và gói ô mai. Cầm tiền, Ánh vội kéo tôi đi thật nhanh.

- Sao bạn lại làm thế (?!). Tôi thắc mắc.

Ánh không trả lời, lảng sang chuyện khác. Những ngày sau đó, tôi không thấy Ánh mua ô mai của bà Còng. Chuyện ấy cũng dần lãng quên.

Cuối năm học, nhà trường phát động thi đua: “Uống nước nhớ nguồn”. Lớp tôi tổ chức đi thăm các gia đình thương binh liệt sĩ. Nhà đầu tiên lớp tôi đến không ngờ lại là nhà bà Còng. Thay mặt lớp, cô giáo chủ nhiệm thắp hương trên bàn thờ chồng bà. Chúng tôi ngước nhìn lên bàn thờ, ảnh một chiến sĩ trẻ măng, mặc áo trấn thủ, mờ ảo trong khói hương nghi ngút. Mắt bà Còng nhòe đi. Giọng bà nghẹn lại: "Ông ấy đã hy sinh trong trận Điện Biên Phủ năm xưa. Cả đời bà chỉ có một ước nguyện đi thăm mộ ông ấy một lần, nhưng bà già yếu rồi, lại không có tiền để đi”.

Bỗng tôi phát hiện thấy Ánh móc trong túi ra 1.000 đồng, rón rén nhét vào hộp đựng trầu cau của bà. Sau hôm đó, tôi không biết bà Còng có nhận được tờ 1.000 đồng của nó không, nhưng ước nguyện của bà thì tôi không bao giờ quên được. Tôi có ý định sau này lớn lên, có tiền, tôi sẽ biếu bà để bà đi Điện Biên.

Chương trình học ở trường chuyên ngày càng khó, tôi phải gồng mình với các môn học và những bài kiểm tra liên miên của thầy cô nên hình ảnh bà Còng dần dần bị quên lãng. Kết thúc năm học, tôi đạt danh hiệu “học sinh giỏi” nên bố tôi thưởng cho tôi một chuyến đi “nghỉ mát”.

Tôi reo lên sung sướng: Bố cho con đi Sầm Sơn hay Đồ Sơn hả bố?

Bố mỉm cười: “Bí mật”

Tôi đòi mẹ mua quần áo tắm, nhưng bố bảo: “Không cần”.

Chiếc xe con cũ rích của cơ quan bố vất vả lắm mới vượt qua được những đoạn đèo dốc núi hiểm trở. Đến nơi, tóc người nào cũng bạc đi vì bụi đất. Nóng kinh khủng! Mồ hôi ướt đẫm áo mọi người. Xuống xe, bố nói: “Điện Biên” đấy con ạ! Nghỉ mát ở đây thật tuyệt vời. Tôi ngạc nhiên vì chưa từng nghe ai nói đi nghỉ mát ở Điện Biên. Thì ra bố tôi kết hợp đi công tác, nên cho tôi đi theo.

Tôi ở một mình trong căn nhà lá ven suối, buồn nẫu ruột. Chợt nhớ đến bà Còng, tôi thấy vui vui, chuyến đi trở nên ý nghĩa. Ngày cuối cùng, tôi xin bố được đi thăm nghĩa trang Điện Biên.  Đáng tiếc tôi không hỏi tên chồng hôm ấy. Tôi và bố cùng các chú trong đoàn lần lượt đi thắp cho mỗi ngôi mộ một nén nhang và tôi hy vọng chồng bà cũng nằm trong số những nấm mộ đó.

Sau chuyến đi ấy, tôi tìm đến nhà bà Còng để kể lại việc đó cho bà nghe. Túp lều của bà vẫn còn nguyên, cửa khóa. Hàng xóm nói lại là bà mất hồi cuối năm ngoái sau đợt nhà nước phong tặng danh hiệu: “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi tiến lại gần túp lều của bà nói nhỏ: “Bà ơi, thế là ba năm đã trôi qua. Cháu vẫn nhớ lời bà và đã thực hiện được một phần ước nguyện thay bà. Sao bà không đợi cháu đến ngày hôm nay hả bà ?”

Truyện thiếu nhi của tác giả Đào Thu Hương

(Đăng lần đầu trên tạp chí Ước Mơ Xanh - NXB.TN năm 1996)

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.

Tản văn: Đi tìm ký ức xưa

Anh đọc được bài báo viết về phiên chợ đồ xưa, chợt bắt gặp những điều thân quen trong những ký ức đã vẹt mòn thời gian của mình. Và cũng chẳng hiểu sao anh lại lần tìm xuống kho, lục lọi kiếm tìm rồi bần thần với những món đồ xưa tìm lại. Này cây đàn ghi-ta anh mua từ năm 1982 đã theo anh suốt một thời sôi nổi khi vào Nam theo điều động của cơ quan.
Top