banner 728x90

Truyện ngắn: Không thể chờ đến ngày mai

03/01/2025 Lượt xem: 2480

- Thủy con hay Thủy mẹ đấy?

Chiếc võng đung đưa dừng lại, cố nheo nheo đôi mắt để nhìn cho rõ. Vừa bỏ chiếc mũ và cởi lớp khẩu trang, tôi nhe răng cười:

- Dạ! Thủy con ạ!

Tôi dìu cố vào ngồi trước hiên và bắt đầu công việc ưa thích: nhổ lông dặm ở mi mắt cho ông. Cố ngồi tựa vào cánh cửa cho vững. Tôi ngồi bệt trên sàn. Hai cái bóng cách nhau hơn nửa thế kỷ mà tựa như hai người bạn.

Ba mồ côi khi vừa tròn 2 tuổi. Bà nội tôi còn quá trẻ nên vài năm sau gởi con lại cho bố mẹ chồng rồi lặng lẽ tái giá. Ba tôi ở với ông bà nội, tức là cố của tôi. Khi tôi ra đời, một cách tự nhiên, cố dành hết tình thương cho tôi. Cũng vì thế, bao nhiêu tình yêu tôi dành hết cho cố.

Ký ức tuổi thơ bên cố là những buổi trưa trốn cha mẹ lang thang hết khu vườn này đến cánh đồi khác cùng tụi nhỏ trong xóm. Nhà cố nằm giữa đồng, đằng sau là dòng sông và trước mặt là một ngọn tháp cổ kính. Thuở bé, khung cảnh nên thơ ấy không hấp dẫn tôi bằng những thứ trái dại trong khu vườn mênh mông của cố. Hiếm khi tôi đến vườn cố bằng cửa trước. Cùng đám bạn, bọn chúng tôi thường lẻn vạch rào vào vườn với cảm giác hồi hộp như thám hiểm một vùng đất lạ. Thế nhưng, chúng tôi lại làm vỡ không gian yên ắng khi phát hiện một chùm trái chín dày đặc. Chính lúc ấy, cố xuất hiện.

Bọn trẻ lủi thật nhanh. Còn tôi, đứng như chôn chân xuống đất. Nom thấy tôi, cố cúi xuống nhìn thật kỹ, đoạn mỉm cười hỏi:

- Thủy con đấy à!

Hỏi thế thôi chứ tôi chưa trả lời, cố đã chuyển vội chiếc nón trên đầu mình sang cho tôi. Tôi theo cố vào nhà. Lon ton rảo bước, không kịp nghe cố càm ràm. Quay đầu nhìn lũ bạn đang lấp ló bên bờ rào đằng xa, tôi xua tay ra hiệu. Chờ cho ông cháu tôi vào nhà, không cần tôi nhắc, chúng đã dọn sạch sẽ chùm trái chín thơm nức lúc nãy chưa kịp vặt.

Cố tôi khó tính nhưng lại kín đáo quan tâm đến mọi người. Khi tôi xuống chơi, cố vẫn hỏi về mọi người với vẻ không mấy quan tâm nhưng đôi tai đã lãng của cố căng lên để nghe, khiến tôi phải phì cười nhắc lại câu trả lời nhiều lần. Còn ba và bà thì vẫn chăm ông hàng ngày, dù tính khí của cố nhiều khi cáu bẳn bất ngờ. Tôi chợt nhận ra, những người đã có tuổi ít khi thể hiện yêu thương bằng lời nói, nhưng hành động lại sâu và đậm vô cùng!

Tôi yêu thương cố theo cách của riêng tôi. Cố thích ăn đồ ngọt, vì thế từ cái thời buộc tóc đuôi gà, tôi đã tập tành học làm các kiểu bánh trái để trình diễn với cố. Những món sở trường của tôi như: bánh quế, bánh sôcôla, kẹo cay, thạch rau câu đã trở thành món cố yêu thích. Cố cất quà của tôi rất cẩn thận, không dám ăn nhiều, nên nhiều lần bánh trái để lâu ngày tới mức sinh mốc. Mẹ sợ cố đau bụng, lén mang vứt đi. Cố biết được lại càm ràm: “Thủy mẹ hoang phí quá. Vứt làm gì, gạt phần mốc vẫn ăn được. Mà đó là của Thủy con biếu ông đấy”. Nhìn cái dáng tần ngần tiếc nuối, nghe cái giọng thở dài buồn bã của cố, không thương không được. Mỗi lần như vậy, tôi lại ước sao cố sống thật lâu, thật khỏe mạnh để tôi có thêm nhiều ngày tháng làm thật nhiều những món mà cố ưng, để cố ăn thỏa thích… 

Khi cầm trên tay tháng lương đầu tiên, người đầu tiên tôi nghĩ đến là cố. Nhưng cố không nhận tiền tôi biếu. Cố bảo, Thủy con cứ giữ lấy mà tiêu xài. Mãi đến khi tôi nằn nì quá, cố hấp háy mắt cười, rút một tờ:
- Cố cầm một tờ làm chứng cho lòng thơm thảo của con.

Tôi mừng dụi mặt vào lòng cố, cười giòn tan.

Rồi tôi gặp anh. Không hiểu nghe tin từ đâu, cố bảo dẫn bạn trai ra mắt cố. Có lẽ, vì lo cho đứa cháu yêu nên cố thăm hỏi rất kỹ lưỡng. Sau, cố tỏ ra hài lòng với sự lựa chọn của tôi. Trước ngày cưới một tuần, ông nhờ mẹ nhắn tôi gặp cố. Tôi đến, cố ra dấu ngồi trên chiếc phản đợi. Rồi cố cẩn thận đặt vào tay tôi một xấp tiền:

- Cố không có nhiều, cố cho con ít tiền. Con muốn mua gì thì mua, thích gì mua đấy.

Tôi như chết lặng nhìn những tờ tiền đủ loại, từ 10.000 tới 50.000 đồng đã cũ kỹ được cố tích cóp hàng bao nhiêu năm tháng. Tờ này dính mủ chuối, tờ kia vương vệt bùn ao cá trong vườn… Có cả những tờ tiền làm chứng thơm thảo của tôi. Như những lần gắng làm cho tôi vui thời thơ ấu, đôi mắt cố hấp háy cười. Còn tôi, tôi ôm chầm lấy cố, mắt nhòe đi, sụt sùi.

- Nhận cho cố vui. Không nhiều đâu. Nhận đi cháu yêu!

Tôi nhẹ nhàng rút ra một tờ, nghiêm nghị nói:

- Cháu nhận đây rồi! Cháu cảm ơn cố! Cố không được dỗi đấy.

Nhưng cố không vui, cố vùng vằng… Cuối cùng, tôi đành nhận và hứa sẽ dùng tiền này để may chiếc áo dài cưới thật đẹp như ước muốn của cố. Ngày cưới tôi, cố không dự vì cảm sốt. Tôi vui với hạnh phúc lâng lâng và cũng quên khuấy đi sự vắng mặt của cố.

* * *

Tôi về làm dâu cách nhà không xa nhưng thời gian dành cho cố không còn nhiều như trước. Còn cố vẫn vậy, vẫn quan tâm, lo lắng cho Thủy con như thuở còn bé bỏng. Thỉnh thoảng, tôi có ghé thăm cố, khi mang thức ăn xuống, khi mua những thứ cố cần. Nhìn cảnh cố sống một mình giữa căn nhà nhỏ, tôi xót lắm. Nhưng biết làm thế nào khi cố nhất quyết không chịu về sống với ba mẹ tôi và cũng không muốn ở với ai với lý do muốn ở một mình cho thoải mái và gần với thiên nhiên. Tôi biết, cố sợ phiền, sợ khổ con cháu mà thôi!

Cố yếu đi theo thời gian, tôi phải dìu cố lên những bậc dốc cao. Nhưng cố vẫn vác cuốc, cầm rựa ra vườn. Cố thuê người chặt những cây già cỗi, trồng cây mới. Nhiều người can ngăn, sợ cố mệt. Những lúc như vậy, cố cười sảng khoái: “Ta trồng cho con cho cháu sau này hưởng!”.

Khu vườn càng xanh, càng sum suê thì cố lại hay nói về thế giới vĩnh hằng. Cố còn dặn tôi nhớ phải lạy trả lễ trong đám tang của cố. Lúc đầu, tôi chỉ cười vì nghĩ rằng cố lo xa. Nhưng về sau, lại đâm sợ về cái ngày ấy, cái ngày mà tôi sẽ mất cố.

Cuộc sống bộn bề cứ cuốn tôi vào vòng xoáy công việc. Dù tôi đã viết ra hẳn hoi kế hoạch những việc dành riêng cho cố - rằng tôi sẽ may một chiếc áo dài thật đẹp bằng tiền cố đã cho; sẽ chở cố đi bốc thuốc, khám mắt. Tôi sẽ, tôi sẽ… Nhưng, nhưng không thể chờ đến ngày mai, những cái ấy sẽ không bao giờ có thể thực hiện.

Tôi nhận tin cố mất đột ngột khi đang đứng lớp. Một thế giới trong tôi không dưng biến mất trong chớp mắt. Tôi vẫn biết ngày ấy sẽ phải đến. Nhưng không bao giờ nghĩ nó sẽ xộc vào tôi như thế. Trong yêu thương không tồn tại khái niệm “giá như”, cũng không có lý do cho những “chờ đợi lần lữa”! Yêu thương không trao đúng lúc thì chắc chắn nỗi ân hận đã nảy mầm ngay từ khi ấy.

Cố ơi…

Hương Lan

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top