Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ.
Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.
Sơn để mấy thứ quà cho con Mây xuống bàn, nhìn cô cười cười. Mây khác xưa nhiều quá! Không chỉ đẹp hơn mà cả cái cách Mây nói chuyện cũng khác. Còn Mây thấy Sơn tuy có già đi chút xíu nhưng vẫn đẹp. Vẻ đẹp chín chắn, có phần đạo mạo của một người thành đạt. Song ánh mắt Sơn thì vẫn thế, ấm áp và dịu dàng.
…Tuổi thơ của Mây không êm đềm như những đứa trẻ khác. Ngay từ khi mới lẫm chẫm biết đi, Mây đã biết mình là “đứa con hoang”. Mẹ cô, một phụ nữ quá lứa không chồng đã sinh ra cô trong nỗi cô đơn và những cái nhìn dè bỉu. Mẹ đã phải chịu đựng mọi thứ, bước qua mọi dư luận nghiệt ngã để nuôi cô khôn lớn. Từ bé, Mây hay bị bắt nạt vô cớ bởi bọn trẻ con hàng xóm. Nhưng đôi khi, Mây cũng gồng mình chống trả bằng tất cả sức mạnh của một đứa trẻ con bị dồn nén khiến bọn trẻ phải mếu máo bỏ chạy. Thỉnh thoảng, bố mẹ chúng sang nhà cô chửi mắng. Những lúc đó, hoặc Mây lặng lẽ như bị điếc, hoặc gào lên. Nhờ thế, cô và mẹ mới được yên. Đến tuổi, Mây cắp sách đến trường. Khuôn mặt không biết cười, lúc nào cũng khó đăm đăm khiến cô không có bạn bè.
Ngược lại, Sơn là con trai duy nhất trong một gia đình giàu có. Tuy vậy, Sơn giản dị và hiền lành nên nhiều đứa con gái rất thích Sơn. Dĩ nhiên trong đó không có Mây.
Giữa năm lớp 12, mẹ Mây bệnh nặng, phải nghỉ việc không lương. Cô vừa phải chăm sóc mẹ, vừa làm hàng để giao cho đúng tiến độ nên sức học kém hẳn. Mục tiêu vào đại học của cô ngày càng xa vời. Chưa bao giờ cô rơi vào cảnh túng quẫn như thế. Cô thường xuyên đến lớp với cái bụng rỗng, run rẩy vì đói. Đôi khi, cô tưởng mình sắp gục ngã vì kiệt sức.
Đúng lúc đó, Sơn đã đến bên cạnh Mây. Hôm đó, khi Mây đang vội vã bước trên đường về nhà thì nghe có tiếng phanh xe bên cạnh. Mây ngẩng lên: Sơn?
Sơn lặng lẽ dắt xe đi bên cạnh. Mây làm như không nhìn thấy, vẫn im lặng cắm cúi bước. Sơn quay sang hỏi: “Mẹ Mây bệnh phải không?”.
Giọng Sơn nhỏ nhẹ. Mây nhướn mắt, ra ý hỏi, sao Sơn biết?
- Tại thấy Mây tất bật hơn, mệt mỏi hơn nên mình có hỏi thăm… Từ nay, buổi tối mình sẽ đến nhà Mây. Chúng mình sẽ cùng học, cùng làm bài tập nha!
Đôi mắt Sơn nhìn Mây ấm áp và chân thực. Nhưng Mây lắc đầu “Khỏi”. Sơn tỏ ra thông cảm: “Mây phải vừa chăm sóc mẹ vừa làm hàng gia công, chắc cực lắm!”.
Mây cúi đầu. Sống mũi chợt cay cay. Từ nhỏ tới giờ, ngoài mẹ ra, có ai quan tâm đến Mây, dù chỉ bằng một lời hỏi thăm như vậy đâu?
Sơn đứng lại, rút trong túi ra gói báo hình chữ nhật, ấn vào tay Mây: “Mây đừng may hàng gia công nữa, sắp thi rồi, tập trung vào học đi. Số tiền này đủ để Mây mua thuốc cho mẹ và chi tiêu trong thời gian tới”.
Ôi! Là tiền, thứ mà lúc nào Mây cũng thiếu? Nhưng… sao tự nhiên Sơn tốt với cô thế? Hay có ý gì? Với lại, dù nghèo, cô vẫn không muốn nhận được sự thương hại. Mây nhét gói giấy vào túi Sơn: “Cảm ơn! Mình tự xoay xở được”.
Sơn ngơ ngác. Trong mắt cậu ánh lên sự giận dữ: “Đừng ngốc thế! Cậu sẽ thế nào nếu trượt đại học?”. Bước chân Mây ngập ngừng. Sơn nói đúng. Đậu đại học là mục tiêu mà bằng mọi giá cô phải đạt được, không chỉ để đổi đời mà còn chứng tỏ dù là “con hoang”, cô vẫn không thua kém ai.
Sơn kéo tay Mây, đặt cái gói báo vào đó, trầm giọng: “Nếu Mây ngại, hãy coi như mình cho mượn. Sau này, khi nào có tiền thì Mây trả lại, được chưa?”.
Giọng Sơn vừa cương quyết như không cho Mây cãi, vừa như nài nỉ. Mây bóp chặt gói báo, ngập ngừng: “Vậy cũng được! Mình cảm ơn Sơn. Nhưng… vì sao cậu lại giúp mình?”. Sơn chỉ vào đám hoa cúc dại vàng rực ven đường:
- Vì mình rất khâm phục ý chí của cậu. Đôi khi, mình nghĩ, cậu giống bông cúc dại kia. Nhỏ bé, hoang dã nhưng đầy nghị lực, có thể sống và vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhờ số tiền của Sơn, mẹ Mây khỏi bệnh, đi làm trở lại. Sơn giữ lời hứa, tối nào cũng đem sách vở qua nhà Mây cùng học, giúp cô củng cố kiến thức bị hỏng. Thỉnh thoảng, Sơn xách theo khi thì vài con cá, lúc mớ tôm hay miếng thịt heo… Mây từ chối, Sơn xua tay: “Đừng ngại. Mình ghi hết vào sổ nợ rồi”. Mây chỉ còn cách cười lảng.
Hè năm đó, Mây thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế, còn Sơn được cha mẹ cho đi du học nước ngoài. Trước khi đi, Sơn đến chào Mây, nháy mắt: “Mây nhớ nhé, học thật giỏi để sau này còn trả nợ cho mình”.
Lời động viên đó theo Mây suốt 4 năm đại học. Bao vất vả, nhọc nhằn rồi cũng qua. Ra trường, cô lao vào công việc và thăng tiến rất nhanh. Giờ đây, cô có công việc tốt, thu nhập cao. Trong tay cô có tất cả những gì mà ngày xưa nằm mơ cô cũng không dám nghĩ tới.
* * *
Mây đặt trước mặt Sơn ly nước cam vắt, cười thật tươi: “Bây giờ mình có thể trả Sơn không chỉ nợ gốc mà cả lãi nữa đấy”. Sơn gật đầu: “Hay lắm! Cậu hãy trả nợ bằng cách trở thành đối tác trong dự án du lịch của mình tại Vũng Tàu đi nhé”.
Mây cười, ánh mắt long lanh: “Nhất trí ngay”.
Phúc Nguyên