banner 728x90

Truyện ngắn: Cô giáo vùng cao

23/12/2024 Lượt xem: 2528

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm xong, tôi khấp kha khấp khởi nghĩ tới cái viễn cảnh mình được làm cô giáo, mực thước trong bộ áo dài và tươi cười khi mấy em nhỏ ríu rít khoanh tay “Em chào cô!”.

Đang rất lạc quan về một tương lai tươi sáng thì ngày đi nhận bằng tôi được thông báo: trường đào tạo theo chỉ tiêu từng huyện nhưng bây giờ, do tình hình chung là các huyện không thiếu chỉ tiêu nên các em tự tìm nhiệm sở. Lúc mới nghe tin, thú thực tôi có phần hoang mang nhưng ngay sau đó tươi tỉnh lại vì nghĩ hay đây cũng là ý trời, chắc là số phận đã tặng mình cơ hội để thực hiện hoài bão làm cô giáo vùng cao. Tôi về, trình bày mọi chuyện với mẹ rồi xin lên vùng cao dạy, mẹ la cho một trận. Mẹ sợ thân gái đơn chiếc loay hoay chỗ thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc... Nhưng tôi vẫn quyết tâm. Bạn bè tổ chức họp hành, phần lớn đồng tình theo phương án nộp hồ sơ tại địa phương rồi chờ bổ nhiệm. Tôi với Thảo thì âm thầm chọn cách khác.

Trưa hôm sau, tôi cùng Thảo đạp xe băng qua mấy con dốc lên tận phòng giáo dục huyện miền núi phía Tây của tỉnh nộp hồ sơ. Đứng trước cửa phòng, tôi tròn mắt. Ôi chao, cơ quan giáo dục của huyện là một căn phòng cấp bốn cũ kỹ. Thú thực, tôi thích đi dạy trên núi vì tôi ngưỡng mộ mỹ từ “cô giáo vùng cao” chứ trong cái đầu nhỏ bé của cô nàng lớn lên từ đồng ruộng, tôi chưa bao giờ hình dung ra quang cảnh đìu hiu xơ xác này.

Thảo về trường bán trú trên thị trấn, còn tôi nhận quyết định công tác tại vùng cao. Đó là vùng kinh tế mới, dân di cư chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, có cả người dân tộc thiểu số nữa, họ giống nhau ở chỗ tất cả đều rất nghèo.

Hành trình đi tìm trường của tôi cũng khá gian nan. Ăn mặc đẹp đẽ, tôi nhờ anh Hai chở đi nhận nhiệm sở, tâm trạng vừa phấn khởi, hồi hộp vừa nôn nao lo sợ. Ngày hôm ấy trời ửng nắng rất đẹp vậy mà vừa qua khỏi địa phận của huyện nhà được 3km thì phải leo xuống trả tiền cho người ta khiêng xe qua bờ tràn. Nghe bảo đêm hôm mưa to quá, mưa rừng nên nước tràn xuống đường rất mạnh, đoạn có bờ tràn nước rất dữ nên phải khiêng xe. Tôi thì đu vai anh Hai qua tràn. Từ chỗ ấy, phải khiêng xe qua ba bờ tràn nữa, băng qua một đoạn đường dài vắng vẻ toàn cây mì với cây mía, rồi bươn lên một con dốc dựng đứng, tôi mới tới được trường.

Ngôi trường tôi đến chẳng giống với ngôi trường trong những giấc mơ, nó tồi tàn, ọp ẹp nếu không muốn nói là rệu rã. Lúc hỏi thăm trường nằm chỗ nào, tôi phát hoảng vì được một người dân địa phương bảo đó nguyên là cái kho cũ bỏ hoang được sửa lại nằm trên đồi. Tìm ra ngọn đồi rồi, lại phải bươn lên một cái dốc dựng đứng mới lên được sân trường. Hoang sơ. Vắng lặng. Dây leo bám rậm vách phòng học. Trường có 4 lớp. Thầy hiệu trưởng đưa tôi đến khu nội trú. Tạm bợ. Chắp vá. Vì đó vốn là cái trạm y tế bỏ hoang.

Tôi được sắp xếp ở với hai giáo viên nữ khác của trường. Chiếc giường đơn cho hai cô giáo đã quá nhỏ, giờ thêm tôi nữa nên đành phải lên trường khiêng hai cái ghế dài học sinh về kê vào cho có chỗ ngủ. Về đấy ở, mọi sinh hoạt đều thực hiện rất “dã chiến”.

Buổi tối, tôi còn phải đi dạy phổ cập. Đường đi gồ ghề, đêm đen đặc. Trường nghèo, dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, thêm ảnh hưởng mặt bằng dân trí thấp của cộng đồng dân cư nên các em bỏ học giữa chừng nhiều, cả dạy chính quy lẫn dạy phổ cập ban đêm, dạy hè… Tôi hụt hẫng, thất vọng, ngỡ ngàng khi đối mặt cùng thực tế - quá khác so với những gì cô sinh viên sư phạm từng tâm huyết ấp ủ, hình dung lúc mới ra trường. Tôi lên lớp ngày ngày như nghĩa vụ bắt buộc, dạy bằng trách nhiệm của một người làm công ăn lương hơn là tâm thế của một người thầy yêu nghề mến trẻ. Nhiều khi khổ, buồn, tôi muốn bỏ về xuôi. Trốn cho xa, thật xa, khỏi ngôi trường nghèo nàn và những đứa học trò nhếch nhác…

Rồi một buổi sáng, bình thường như bao buổi sáng khác ở khu nội trú, tôi dậy mở cửa đã thấy cậu học trò ngồi tự lúc nào trước hiên nhà. Cậu bảo đến sớm nhưng không dám gọi vì sợ phá giấc ngủ của cô. Tay cậu ôm bó rau muống to. Cậu rụt rè bảo: Rau vườn nhà, tươi lắm, em đem cho cô nấu canh…

Có hôm tôi bệnh, một học trò khác mang tới khu nội trú trái cam nhà, nhỏ xíu và khô đét, rồi trái đu đủ chín. Mùa mía thì những cây mía xanh được các em đem ra suối chà thật sạch và đem tới tặng cô. Chưa hết, những ngày lễ 20/11, quà của các em tặng là những bó bông cỏ được sắp và bó thật đẹp, có em kết thành vòng, đeo vào cổ cô giáo…

Đó quả thật là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc. Nó giúp tôi vơi nỗi buồn khó khăn, thiếu thốn. Nó khiến tôi ngày càng gần gũi, yêu thương các em hơn. Nhớ nhất là lần tôi nhập viện, có em học trò bắt bố mẹ chở xuống tận bệnh viện thăm cô. Em đặt ở đầu giường tôi một hộp to những con sếu. Em bảo đó là cả lớp làm để cầu mong cô mau khỏe mạnh…

…Giờ đã xa rồi - cái ý tưởng bỏ lớp bỏ trường, bỏ những đứa học trò vùng cao lam lũ để về xuôi. Tình cảm quyến luyến, yêu thương của những em học trò nhiều thế hệ, cộng với những kỷ niệm đẹp với bạn bè, đồng nghiệp một thời đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi đã thành những sợi dây mềm mà vô cùng chắc buộc chân tôi lại với ngôi trường vùng cao, với những học trò xóm núi... Trường bây giờ cũng đổi khác xưa nhiều lắm, được xây dựng khang trang hơn. Tôi đã trở thành cô giáo có thâm niên 20 năm dạy ở ngôi trường này./.

Nguyễn Kim Phụng

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp một triệu đồng, bây giờ làm sao nói với chị? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào.

Truyện ngắn: Những người lính ngoài biển khơi

Bão tràn vào thành phố. Trời tối đen như mực. Một số khu vực đã mất điện từ mấy ngày qua. Mưa như trút nước. Tiếng người phát thanh viên trên truyền hình thảng thốt “…lũ tràn chưa rút hết thì cơn siêu bão số 7 tiếp tục tràn vào Biển Đông, uy hiếp các tỉnh miền Trung. Chính phủ đang huy động mọi lực lượng để cứu dân, tránh tình trạng cô lập từ các huyện như hiện nay…”.

Truyện ngắn: Lầm lỡ

“Công ty phá sản, tôi chạy khắp nơi mà không kiếm được việc làm khác. Cuối cùng, với vốn tiếng Anh kha khá, tôi trở thành nhân viên buồng phòng trong một khách sạn nằm sát bên bờ biển. Tại đây, tôi quen Kha khi anh từ Mỹ đến đây triển khai một dự án về môi trường. Hôm đó, khi trở về phòng lấy bản đề án để quên trên bàn, Kha thấy tôi đang chăm chú đọc những trang bản thảo một cách say mê.

Truyện ngắn: Lỡ hẹn một chuyến bay

Từ khi thành phố bắt đầu thực hiện quy định giao thông một chiều ở một số con đường, hàng ngày lộ trình đi về của anh có thay đổi. Vòng đi vẫn qua đường Ngô Gia Tự, nhưng vòng về buộc anh phải đi đường Nguyễn Trãi. Lâu nay anh hầu như tránh con đường này. Bởi lẽ, đó là con đường ngang qua nhà nàng. Lòng anh không bình lặng mỗi khi nhìn thấy cánh cổng có giàn hoa giấy tím. Đã nhiều năm rồi từ lúc không còn bóng nàng bên khung cửa nhỏ đó.

Truyện ngắn: Lòng vị tha

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác. Cũng như mọi người dân nơi này, hai đứa biết theo mẹ bới rác từ khi chập chững biết đi.

Truyện ngắn: Bài học và tình bạn

Vừa hết giờ làm, Hùng vội phóng xe khỏi cơ quan. Chạy rì rì giữa dòng xe cộ đông đúc, lòng Hùng bồn chồn, chỉ muốn tăng ga vọt lên để mau về nhà. May mà cu Tuấn đã được cô giáo ở cùng tổ hứa chở giúp về chứ không lại chờ bố, rồi khóc. Còn vợ anh, mới mổ ruột thừa xuất viện ngày hôm kia, không biết ở nhà có chịu nằm yên hay lại tham công tiếc việc...

Truyện ngắn: Ngày đầu lên lớp

Sáng, trong khu tập thể giáo viên cạnh trường, Lan thức dậy từ lúc nào. Đã thành thói quen, sáng nào cũng vào giờ này, Lan đều ngồi bên chiếc bàn nhựa cạnh cửa sổ, xem lại giáo án cho một ngày lên lớp. Cô chẳng thể lý giải vì sao mình lại yêu nghề giáo viên đến thế, và càng không hiểu vì sao từ khi được nhận về trường này dạy, cô lại tâm huyết, nhiệt tình đến vậy.

Truyện ngắn: Mình đã thuộc về nhau

Trong buổi lễ trao giải cuộc thi viết về môi trường hôm đó, em tưởng tác giả đạt giải nhất là người trong ngành, nhưng hóa ra không phải. Anh tự giới thiệu cái nghề khảo sát của mình là “nghề đi lang thang”. Trước đây, nhiều lần đọc những bài báo rất hay ký tên anh, em tưởng tác giả là một cô gái bởi lối viết sâu sắc mà đằm thắm đến thế. Hóa ra không phải, mà là anh - chàng trai ngăm ngăm cao lớn, chắc đậm, mái tóc đen lòa xòa trước trán, nụ cười luôn nở trên môi.
Top