banner 728x90

Truyện ngắn: Chuyện cũ thời chiến tranh

11/10/2024 Lượt xem: 2446

Chị là con riêng của má. Ngày má lấy chồng khác, chị chưa đầy 7 tuổi. Cái tuổi chưa đủ để hiểu chuyện đời, chuyện người lớn, nhưng cũng đủ để hiểu rằng, từ nay mình đã mất mát một thứ tình cảm thiêng liêng lâu nay không muốn chia sẻ cho người khác. Sau này chị kể, hồi ấy chị giận má và ba lắm, nhiều lúc muốn bỏ đi khỏi nhà, trốn vào một bụi cây, hóc xó nào đó để được hả hê thấy má chạy đi tìm, vừa khóc vừa gọi “Mận ơi, Mận ơi...”. Nói rồi chị cười buồn: “Hồi ấy chị còn con nít lắm “.

***

Đời ba tôi cũng có nỗi khổ riêng. Người vợ trước của ông hiền hậu, giỏi giang, có nhan sắc, trong làng ai cũng khen hai người xứng đôi, trong nhà ai cũng quý. Bà nội tôi thì khỏi nói, thương và bênh con dâu còn hơn con đẻ. Chỉ có điều, vợ chồng sống với nhau gần chục năm mà không sinh được một mụn con, trong lúc đó ba tôi là con trai duy nhất của dòng họ Trần Văn. Bà nội buồn nhưng giấu kín trong lòng, không trách móc trực tiếp gì con dâu, chỉ thỉnh thoảng nói bóng gió đứa con trai không làm tròn việc hiếu, để cho bà đã gần đất xa trời vẫn không có người nối dõi.

Thế rồi, như đọc được lòng mẹ chồng, một ngày nọ, người con dâu khóc, cúi lạy xin lỗi bà vì mình không sinh đẻ được, rồi bỏ ba tôi đi vào miền trong. Vợ đi ra cổng, ba tôi không có phản ứng gì, chỉ ra ngồi ở bậc thềm nhà, im lặng nhìn theo bóng vợ khuất hút cuối làng rồi mới thở dài, ông nghĩ nguyên nhân không thuận đường con cái là do mình.

Bởi thế sau này khi lấy má tôi, ba tôi coi chị như con ruột, chăm bẵm, chiều chuộng, dạy dỗ mong chị thành người, dù nhiều lúc chị bướng bỉnh không chịu nghe lời, nhất là khi có mặt má. Có lần chị còn hỗn hào nói “ông đâu phải là ba tui, ba tui chết rồi”, ông giận lắm nhưng cũng không nạt nộ hay dọa đánh, chỉ ngồi phịch xuống tấm phản, mắt nhìn ra cửa sổ như không có chuyện gì xảy ra. Những hôm như thế, ông buồn đến ba bốn ngày, chỉ có má tôi hiểu.

***

Tuy ghét ba dượng, nhưng chị là người thương các em nhất nhà. Nghe má tôi kể lại hồi ba tôi đi làm ăn xa, anh tôi mới hơn một tuổi. Hôm có trận càn lớn của Pháp lên vùng Mỹ Xá, nơi gia đình tản cư, cả xóm mạnh ai người nấy chạy vào rừng. Má tôi gánh một đầu thúng gạo, cá khô, mắm muối, một đầu thúng là anh tôi. Còn chị ôm bọc áo quần chạy theo sau. Lúc lội qua suối sâu, má đội cái đòn gánh lên đầu, sợ em ướt, chị gồng mình nhón chân đỡ đáy thúng, nhưng anh tôi vẫn bằn bặt khóc, không cách gì dỗ nín được. Đoàn người chạy giặc như ong vỡ tổ, có ai đó la lên “bóp miệng thằng nhỏ lại, chết hết cả xóm bây giờ”. Chị tôi vừa chạy vừa đút khoai cho em ăn, vừa mếu máo năn nỉ má chạy đường khác, đừng bóp miệng em Cún tội nghiệp.

Năm 19 tuổi, chị tôi lấy chồng. Quê chồng ở xa, nhà chồng cũng chẳng khá giả gì, đã ít người làm lại đông miệng ăn, nên chị phải làm việc quần quật suốt ngày, ít khi về thăm nhà. Thỉnh thoảng ba nói với má: “Mình sai rồi, gả chồng cho con gái vào cái nhà quá nghèo, vậy là nó khổ từ nhỏ cho tới lớn”, má nói “ông đừng trách mình, cũng đều do duyên phận cả”.

Vắng chị, mấy đứa em không còn được mỗi lần đi đâu về thế nào chị cũng ôm từng đứa vào lòng, cho khế, cho ổi. Suốt cả một thời gian dài đứa nào cũng nhớ chị Hai ngẩn ngơ. Còn ba thì thỉnh thoảng nói với má: “Con Hai giận gì tui mà giận lâu thế bà”, má cười buồn, lén chùi nước mắt.

Ngày ba tôi ốm nặng đúng vào năm trời mưa lạnh thấu xương. Một hôm, hình như ông cảm nhận được bà nội đang gọi ông đi nên ông nhờ người hàng xóm ra bưu điện gửi điện tín gọi các con về. Cả mấy  anh em có mặt sớm, nhưng ba tôi cứ nằm im nhìn ra ngõ. Mấy ngày sau mới thấy chị Hai tôi về tới nơi. Nhìn thấy chị, ông nằm quay mặt vào trong, không nói một lời nào.

***

Giờ lâm chung, như ngọn đèn sắp cạn dầu bùng cháy lên lần cuối, ba tôi tỉnh lại, ngoái đầu hỏi chị tôi “hôm nay ngày mấy hở con”, chị nói “gần ngày rằm rồi ba”, ông hỏi tiếp “hết mưa chưa con”, chị nói “tạnh rồi ba”. Nói xong, chị lấy khăn nóng lau mặt cho ông, rồi tự nhiên oà lên khóc, ôm lấy ông nức nở gọi “ba ơi...”.

Hình như ông cười, giọt nước mắt ứa ra hai bên khóe mắt. Thế rồi ông đi.

Phúc Nguyên

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top