Tôi chia tay mối tình đầu của mình rất khó khăn. Mất Ngọc, tôi có cảm giác như mình không thể nào sống được nữa, đến nỗi tôi hình dung mình có thể xới tung cả thành phố này để tìm ra anh. Ngọc nói: “Anh sẽ không bao giờ quên trả lời tin nhắn của em”. Đúng như vậy, đôi khi là những tin nhắn vu vơ của tôi cũng đều được anh trả lời một cách cẩn trọng. Nhưng trái tim con người không phải là một lập trình máy móc để phát ra những tín hiệu quen thuộc. Cũng chiếc máy điện thoại đó, cũng những con số đó, nhưng những tin nhắn của tôi đều bị rơi vào quên lãng.
Tôi chia tay mối tình đầu của mình bằng những tin nhắn rơi vào khoảng không, bằng những cuộc gọi không hồi đáp. Tôi cũng chẳng gặp Ngọc đang hò hẹn với ai, đang uống cà phê với ai, đang chở ai ngoài phố. Nhưng tôi cũng chẳng có hơi sức để đi tìm anh. Tôi chỉ ôm trong lòng nỗi buồn mất người mình yêu dấu. Tôi nhớ mùi mồ hôi của anh, tôi quen tiếng cười của anh, quen bước chân anh đi nhẹ nhàng, quen cả thói quen của anh như hay dí nát điếu thuốc hút dở dưới gót giày, hay cắn trái ớt xiêm khi ăn phở.
Lòng đã dày đặc kỷ niệm với người thì sao không trở bệnh khi người lìa xa ta? Một tháng tôi ngã bệnh, anh không đến thăm. Một tháng tôi ngã bệnh, không có một dòng tin nhắn. Tôi hốt hoảng như thể mình bị rơi từ trên độ cao của ngọn thác đang ào ào nước chảy xuống dưới, tôi tuyệt vọng như cả bầu trời sụp đổ trước mặt mình.
Rồi tôi bình phục với cảm giác mình nhẹ nhàng như con chim vừa biết bay. Rồi cũng như tất cả những cô gái bị phụ tình khác, trái tim tôi trở nên rỗng không một cách kỳ lạ. Tôi đổi số điện thoại để tin rằng Ngọc vẫn gọi đến, vẫn nhắn tin nhưng tôi đã từ khước anh. Trái tim tôi đã đóng cửa thật sự với người đàn ông đã đẩy tôi đến tận cùng tuyệt vọng.
Mùa hè năm đó tôi xin chuyển công tác về tận Cần Thơ. Thầy Ngà, Trưởng phòng Giáo dục rất ngạc nhiên khi cầm tờ đơn của tôi: “Em đã suy nghĩ kỹ chưa? Bao nhiêu người tìm đủ mọi cách về thành phố, còn em lại xin đi?”. Tôi cười với thầy: “Cần Thơ cũng là thành phố lớn. Em thích đi xa. Em còn trẻ, em muốn thay đổi không gian sống của mình”. Cần Thơ, nơi chưa cho tôi kỷ niệm gì. Có thể tôi mới chỉ ghé đến đó một lần để cảm nhận bến Ninh Kiều buổi sáng với những cơn mưa bay hồn nhiên khi tôi theo đoàn lên thuyền thăm chợ nổi Cái Răng. Những cơn mưa bay hồn nhiên trên một nhánh sông, trong khi người dân vẫn chèo thuyền lướt trên dòng sông mời mua hàng hóa là cảm nhận của một buổi sáng rất lạ. Cũng như tôi theo đoàn vào một xóm nghèo, bắt gặp những em học trò đang học trong một ngôi trường được dựng lên bằng vách đất sét và tre nứa, nghe kể chuyện thiếu giáo viên, lòng tôi đã có chút gì đó bất an. Vậy là tôi đi. Lòng tôi nhẹ tênh sau cơn bệnh tương tư.
Và tôi gặp Nguyện. Nguyện tình nguyện về vùng sâu vùng xa dạy học bởi anh có một lời hứa. Nguyện nói: “Anh là một đứa trẻ nhà nghèo, mẹ anh không nuôi anh ăn học nổi. Chính nhờ sự giúp đỡ của nhiều vị mạnh thường quân mà anh mới thực hiện được giấc mơ của mình là trở thành thầy giáo. Anh cảm thấy mình cần có trách nhiệm dạy dỗ cho các em ở những nơi xa xôi này”. Rồi Nguyện hỏi tôi: “Nghe nói em là cô giáo thành phố, ở đó điều kiện sống tốt hơn nhiều, thế tại sao em lại vào đây?”. Tôi cười với anh, nói: “Thất tình”. Nguyện vọc tay xuống bến sông đang đầy nước: “Không tin. Em xinh gái, ăn nói ngọt ngào, em chỉ làm cho người khác thất tình chứ ai làm cho em thất tình được?”. Ừ, ai có thể làm cho tôi thất tình được. Tôi đã lẳng lặng rời bỏ tình yêu của mình sau một cơn bệnh nặng. Tôi trốn chạy tình yêu của mình bằng cách đến nơi này.
Lúc đầu có thể là trốn chạy, nhưng sao giờ đây tôi yêu xóm nhỏ tôi đang sống đến dường nào. Vậy mà đã ba năm tôi ở chốn này. Ba năm cho tôi quen mùa nước nổi ngập khắp các cánh đồng, những con cá linh từ Biển Hồ theo sông ra biển trở thành nguồn lợi cho người dân. Ba năm tôi quen vào mùa bông điên điển, loại hoa vàng cánh nhỏ trở thành thức ăn cho nhiều món lạ. Tôi quen lênh đênh trên sông với những chiếc thuyền nhỏ, quen đi cầu khỉ, quen cả cách đi bắt cá hoặc cách đi ăn đám giỗ. Nguyện nói: “Người miền Nam có tật đáng yêu là nói sao làm vậy. Họ mời ăn đám giỗ là họ quý mình”.
Làm cô giáo ở một làng nghèo tưởng rằng tôi sẽ thiếu thốn trăm bề, nhưng tôi khám phá rằng mình trở nên giàu có hơn những ngày ở thành phố. Gạo hết, phụ huynh đem tới, sáng thức dậy đã có xâu cá, bó rau hay thứ gì đó mang tới. Mái nhà mới bị nước mưa nhỏ long tong đã có người tới lợp. Tôi thích đi dạo sông ư, có học trò chuẩn bị sẵn thuyền cho cô. Cứ thế, tôi nhận ân tình sâu nặng của người dân nơi tôi ở. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé hơn nhiều so với người dân miền quê tôi chọn để trốn chạy một mối tình tan vỡ. Tôi ở lại, tôi không định rời xa chốn này, bởi còn có một người đàn ông đang dần dần làm cho trái tim tôi nghiêng về: Nguyện. Nguyện không giàu có, anh cũng chẳng đẹp trai. Nhưng nghiêng mắt nhìn hay nhắm mắt lại nhìn, tôi nhận thấy ở nơi anh một trái tim nồng cháy và vì người khác.
Chủ nhật, Nguyện gợi ý tôi và anh cùng đi chợ nổi. Tôi trả lời anh rất vui: “Tại sao không?”. Cả ba năm trời dạy học chung với nhau, đó là lần đầu tiên tôi và anh “đi chơi riêng”. Chợ nổi trong ánh nắng mai đẹp hơn lần tôi đi trong cơn mưa. Những chiếc thuyền chở ngập trái cây dạo chợ với nhiều gam màu vô cùng đẹp mắt. Nguyện gọi một chiếc thuyền bán cà phê, kêu hai ly. Uống cà phê trên sông nước cũng là cảm giác. Nguyện mua đủ loại trái cây làm quà cho chuyến đi chợ. Nói chung là tôi rất vui. Hai đứa trở về với những túi xách, Nguyện giành xách hết: “Anh là đàn ông, phải mang thay phụ nữ”. Anh hồn nhiên nói.
Trong nắng lóa đầu ngày, một cậu học trò níu tay tôi: “Cô ơi, cô có khách”. Tôi chưa kịp nói gì thì Ngọc hiện ra trước mặt tôi. Tôi đã từng yêu Ngọc và từng đau vùi cả tháng trời vì Ngọc. Chắc tôi sẽ mừng vì ba năm trời xa lạ anh vẫn còn nhớ, tìm tới nơi tôi trốn tránh, ngỏ lời xin lỗi và dự định đưa tôi về thành phố. Nhưng tôi đã tiễn Ngọc ra bến tàu như tiễn một người khách ghé thăm bình thường: “Em sẽ lấy chồng. Anh thấy đó, anh ấy và em vừa đi chợ nổi về”.
Hương Lan