banner 728x90

Truyện ngắn: Ba hạt dẻ tình yêu

11/04/2024 Lượt xem: 2577

30 năm rồi, hôm nay tôi mới có dịp quay trở về căn nhà cũ, nơi gắn bó tuổi thơ đời tôi với những kỷ niệm ngọt ngào. Căn nhà cũ của tôi đã qua tay mua bán nhiều chủ, được tu sửa nhiều chỗ, được chủ mới xây lại mặt tiền nên giờ đã đổi khác rất nhiều. Trước đây ô cửa sổ nhà tôi nằm sát ô cửa sổ nhà kế bên, thế nhưng bây giờ ô cửa sổ nhà tôi đã không còn nữa, nó bị bịt kín bởi một bức tường đặc, chạm trổ hoa văn. Chỉ có ô cửa sổ nhà kế bên là vẫn còn nguyên vẹn. Tôi dừng lại ngắm nhìn căn nhà cũ của mình trong giây lát, ngắm nhìn những cành lá bàng đỏ ối lòa xòa bên ô cửa nhà bên cạnh, lưỡng lự định quay đi rồi cuối cùng lại quyết định tiến đến căn nhà bên gõ cửa :

        - Chào cháu! Chú muốn gặp cô Thủy ? Tôi ấp úng hỏi thăm khi vừa nhìn thấy một cô bé con ló đầu ra cửa sổ.

        Dạ ! Mẹ cháu và ba đi chơi Tết chưa về.

        Tôi thở nhẹ, lòng chùng xuống. Thế là Thủy, cô bạn gái ngày xưa của tôi đã yên bề gia thất. Tôi vội vã quay đi không quên tặng cô bé một món quà nhỏ trong đó có ba hạt dẻ. Ngoài trời mưa phùn bay nhè nhẹ. Tháng giêng, rét lạnh cứng người. Tôi đi bách bộ trên hè phố, thả hồn về với dĩ vãng xanh ngắt của tuổi thơ...

        Năm đó, tôi 17 tuổi là học sinh cuối cấp phổ thông trung học và Thủy, cô bé học sau tôi 2 lớp mới chuyển đến căn nhà kế bên được vài tháng, chúng tôi quen nhau từ hai cái ô cửa sổ liền kề đó và câu chuyện làm quen không lấy gì làm dễ chịu. Cái bàn học của tôi nằm ngay ô cửa sổ, nên cứ mỗi buổi sáng sớm tôi lại phải ngồi vào đó ôn bài trước giờ đi học. Cái thói quen đọc bài oang oang của tôi đã làm cho cô bạn nhà bên và mọi người tỏ ra khó chịu. Mấy hôm đầu, cô bạn buông một câu khó chịu:  "Cuốc kêu to như thế, người khác học sao nổi. Cứ làm như cả phố này chỉ có mình mình đi học..."

        Thấy thế, tôi càng đọc to hơn. Cô bạn đóng sập cửa sổ lại. Hôm sau, cô gái lại cao giọng hơn nhắc nhở: "Anh đọc giảm âm lượng xuống một chút được không ?...". Tôi lại gân cổ đọc to hơn. Đến lần thứ ba thì cô bạn dịu giọng : "Nhỏ một chút anh ạ ! Mọi người không ngủ được... " Tôi thò đầu qua cửa sổ nhìn cô bạn gái nhà bên, cố gào lên to nữa, trêu chọc... Và rồi cô bạn dịu hẳn, cần mẫn nhắc nhở, cần mẫn mở ô cửa sổ, cười hiền hậu kèm theo một câu nói muôn thuở: "Chàng hoàng tử ngủ trong rừng ơi ! Làm thế chẳng ai người ta thích đâu".

        Dần dần tất cả trở thành thói quen, thói quen liếc mắt nhìn sang cửa sổ nhà bên và thói quen mở ô cửa sổ ... Tính cờ, như tình yêu vốn là như vậy, và chúng tôi trở thành đôi bạn thân... Thì ra, cha của cô bạn gái đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị. Mẹ cô đi lấy chồng, cô còn một em nhỏ, v.v và v.v. Cô bạn vẫn thường đọc thơ và hát cho tôi nghe những bài hát da diết trữ tình mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn cái cảm giác rung động khi nghe cô hát bài "Xa khơi" với những lời thiết tha dịu ngọt: "...Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi... Gió lộng buồm căng thuyền  mây ấm chân trời..."

        Đầu mùa xuân 1975 chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, tôi cùng bạn bè làm đơn xin gia nhập quân đội để được vào Nam chiến đấu. Chưa biết thế nào là mùi khói súng, càng không hiểu được sự gian khổ ác liệt của chiến tranh, nên tôi không có cảm giác lo âu, trong lòng chỉ thấy tràn ngập một niềm vui sướng, hãnh diện về việc mình sắp trở thành anh bộ đội. Hồn nhiên, vô tư, tôi cầm tờ giấy báo nhập ngũ chạy ào vào nhà cô bạn gái khoe. Tôi muốn chia sẻ cùng Thủy niềm vui sướng bản năng của một chàng trai vừa tròn 18 tuổi sắp được ra mặt trận. Và tôi không sao quên được cái giây phút bất ngờ ấy, khi nghe tôi thông báo ngày mai lên đường nhập ngũ Thủy buông rơi quyển sách đang cầm trên tay, mắt thẫn thờ, ngây dại. Không gian căn phòng bỗng rộng ra hơn, đón những cơn gió lùa lạnh buốt. Thủy đến gần tôi, chầm chậm, đôi mắt to đen láy đượm buồn, nhìn tôi với ánh mắt thiết tha trìu mến. Rồi như có một sức mạnh nào đó thôi thúc, Thủy nắm lấy bàn tay tôi nói trong xúc động: "Đừng giận em anh nhé ! Hãy tha lỗi cho em. Tối nay, chúng mình đi dạo, anh sẽ được thấy mùi thơm của những trái bàng chín rụng rất dễ chịu..".

        Đó chính là cái đêm đầu tiên trong cuộc đời, một chàng trai mới lớn như tôi đi bên một người con gái. Gió thỉnh thoảng lại rít lên từng hồi, sương rơi rơi trên tóc, và đêm êm ả đến nồng nàn. Bỗng một chú mèo đen chạy vụt qua đường, Thủy giật mình co rúm người lại nép vào người tôi. Hơi nóng từ cơ thể một người con gái truyền sang người tôi nóng hổi. Một dòng điện cực mạnh lan tỏa khắp cơ thể tôi làm người tôi run bắn. Mặt Thủy đỏ nhừ, từ từ ngước lên nhìn tôi ngượng ngập... Tôi như nghe thấy từng tiếng đập của thời gian trong sự ngột ngạt, khổ sở mà cô gái 16 tuổi bên tôi đang cố vượt qua...

        Tôi âu yếm nhìn Thủy khẽ nói: "Em nói gì đi chứ, anh sắp xa em và các bạn rồi..." Thủy từ từ ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm xanh thẳm không một vì sao nói vội trong tiếng nấc: ‘’Hỡi chàng hoàng tử ngủ trong rừng, em muốn ở bên anh biết bao, chắc là anh không hiểu được đâu...”

        Tôi cùng các tân binh lên xe ôtô về đơn vị đúng vào một chiều mưa phùn. Xung quanh là gia đình, bè bạn. Nước mắt lẫn trong nụ cười làm tôi lúng túng, bịn rịn. Đoàn xe sắp chuyển bánh mà Thủy vẫn còn rụt rè với gói quà nhỏ, đứng nấp sau tất cả mọi người. Vác ba lô bước lên xe, một bàn tay âm ấm nhoài qua vai tôi cùng một gói quà nho nhỏ... Thủy... đúng là Thủy rồi, tôi quay ngoắt lại, chỉ còn kịp nhìn cô bé rất đáng yêu của tôi lần cuối, mắt cô bé dại đi, như có hàng vạn hạt mưa bụi li ti phủ kín hàng lông mi dài cong mềm mại, tôi vẫy tay với theo trong tiếng còi xe từ từ chuyển bánh. Bóng Thủy và những người đưa tiễn xa dần, nhỏ dần trong khói bụi mù mịt.

        Xe chở chúng tôi về đơn vị nhận vũ khí, khí tài và được lệnh hành quân đi Nam ngay trong đêm hôm đó. Đêm hành quân thứ ba, chúng tôi mắc võng trên cồn cát Vĩnh Linh, Quảng Bình. Trời trăng suông trong vắt. Tôi nhè nhẹ mở gói quà. Ba hạt dẻ rơi ra ngoài bọc giấy rớt xuống thảm cỏ xanh mượt mà, cùng một lá thư ngắn ngủi: "Nếu hoàng tử cho em 3 điều ước, em sẽ ước: Cha sống lại, mẹ đừng bỏ đi lấy chồng và có anh bên cạnh". Tôi xúc động lặng người, mắt tôi bỗng nhòa đi...

        Chiến tranh. Niềm vui ngày giải phóng và những tính toán lo toan trăn trở, nỗi bộn bề vất vả của người lính. Niềm vui công việc theo dòng thời gian dần dần cuốn tôi đi. Khái niệm đau đáu, cảm xúc nhớ nhung cứ nhạt nhòa dần theo năm tháng. Tôi chuyển đơn vị liên tục nên những lá thư của Thủy  không đến kịp. Tôi trưởng thành, to cao, đẹp trai và ngày càng có nhiều cô gái chủ động tìm đến làm quen. Rồi tôi yêu - một cô gái bình thường. Tôi ít nhớ về Thủy hơn. Và cứ thế 30 năm trôi qua, tôi chuyển ngành ra khỏi quân đội, lấy vợ, có con, là công chức nhà nước, sống hòa thuận, và bằng lòng với mình…

        Tối nay, lần đầu tiên tôi trở về căn nhà cũ ngày xưa và đi bộ trên con  đường nhỏ hôm nào, con đường mà tôi và Thủy đã đi bên nhau trước ngày tôi lên đường nhập ngũ.

        Tôi như con chiên trước đức cha, tuần tự sám hối về sự vô tình của mình. Không ! Chắc chắn Thủy sẽ không bao giờ trách, nhưng vì sao trước đây tôi lại không một lần quay về cái căn nhà nhỏ có hai ô cửa sổ liền kề ấy ?! Và tại sao tôi đã không đem đến cho Thủy, dù chỉ là một hạt dẻ, một điều ước mà tôi có thể làm được ? Tại sao tôi không biết chia sẻ với Thủy những mất mát đớn đau mà tuổi thơ em đã phải gánh chịu rất nhiều ? Tại sao con người ta cứ tự mình vô tình, xua tuổi thơ ra ngoài đời thực ? Tôi ích kỷ nên không hiểu được rằng, tôi lớn lên, vượt qua được những ngày cực kỳ gian khổ và trưởng thành, chính là nhờ hai cái ô cửa sổ, ba hạt dẻ và cái đêm trăng mờ gió thổi, hàng cây bàng xào xạc ấy...Thôi ! Hãy tạm thời đổ lỗi rằng, tất cả vì chiến tranh./.

Tác giả Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top