banner 728x90

Truyện ngắn: Anh muốn vào đại học

05/01/2025 Lượt xem: 2464

Mùa hoa sữa năm ấy, trong thời gian tìm việc, cô, một cử nhân sư phạm vừa tốt nghiệp, nhận nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa cho người dân lao động. Học trò của cô phần lớn là những người lớn tuổi. Ban ngày họ làm đủ nghề kiếm sống: đạp xích lô, ba gác, bán hàng, lái xe ôm… Đứng trên bục nhìn xuống những mái đầu bù xù đang cúi sát xuống bàn, những gương mặt sạm nắng đang viết viết xóa xóa… cô thấy thương họ quá. Tuổi thơ của họ chắc không được may mắn. Vì một lý do nào đó, họ phải bỏ học sớm để vào đời. Những ngón tay chai sần, nứt nẻ nắm chặt đầu cây bút bi mà những dòng chữ xiêu vẹo hiện lên trang giấy vẫn chậm chạp một cách khó nhọc. Các bài toán đều đơn giản, vậy mà đến khi làm bài kiểm tra, nhiều người ngồi cắn bút rồi nộp giấy trắng…

Tuy vậy, trong lớp vẫn có một học trò nổi trội nhất. Anh tên Chiến, khoảng 24 - 25 tuổi, làm nghề bốc vác ở cảng. Anh thường đi học sớm để tranh thủ ôn lại bài. Trong lớp, anh ngồi bàn đầu và luôn nhìn thẳng vào cô, chăm chú và háo hức. Đặc biệt, chữ viết của anh rất cứng, đều và đẹp. Bài kiểm tra của anh thường được điểm tuyệt đối. Vì vậy, cô hay mời anh lên bảng sửa hoặc giảng lại bài cho các học viên khác. Khi cô nói vài câu khen ngợi, khuôn mặt rám nắng của Chiến bừng sáng. Anh mỉm cười, vẻ ngượng nghịu nhưng đôi mắt lại lấp lánh.

Thấy Chiến ham học, cô đưa một số bài tập để anh về nhà làm thêm. Tan lớp, anh ở lại ít phút, đưa cô chấm bài hoặc hỏi thêm những điều chưa hiểu. Nhiều khi quá say sưa, cô nhìn đồng hồ thì đã qua 10 giờ đêm. Thấy vẻ lo ngại trên mặt cô, anh rụt rè đề nghị đưa cô giáo về…

Hai người đi bên nhau, đạp xe thong thả trên những con đường ngạt ngào mùi hoa sữa. Anh kể cho cô nghe, ngày xưa anh cũng có một thời thơ ấu hạnh phúc. Nhưng rồi, chẳng may ba anh mất trong một tai nạn giao thông, thế là anh, cậu học trò chuyên toán của một trường chuyên phải nghỉ học để phụ má nuôi các em…

Cô hiểu nỗi đau anh phải gánh chịu qua một khoảng lặng dài sau câu chuyện. Nhưng khi đó cô không thể tìm được lời an ủi nên đành im lặng. Họ dừng lại dưới gốc cây hoa sữa trước nhà cô. Anh nhìn cô bằng đôi mắt đen sâu hun hút: “Tui ao ước… Tui định ráng lấy tấm bằng phổ thông trung học rồi sẽ theo học đại học tại chức...”. Ngập ngừng giây lát, anh ngượng nghịu: “Tui mơ như vậy có xa quá không, cô giáo?”. Cô lắc đầu, quả quyết: “Anh rất thông minh! Em nghĩ, anh sẽ dễ dàng tốt nghiệp phổ thông trung học”. Anh thở phào: “Cô giáo nói vậy, tui mừng lắm!”. Cô bảo: “Anh đừng gọi em là cô giáo, nghe kỳ lắm!”. Chiến cười: “Thôi được! Vậy, tui lớn hơn, tui gọi cô giáo bằng “em”, nghen”… Cô nhìn theo bóng Chiến khuất dần trên con đường trải đá dài hun hút, lòng chợt xôn xao: cô sẽ ráng giúp anh thực hiện mơ ước của mình…

Từ đó, cô hay nghĩ về Chiến. Cô mong chờ những buổi đến lớp với niềm vui lâng lâng khó tả. Đôi khi, cô nhận ra mình bối rối khi bắt gặp trong đôi mắt anh ngoài sự háo hức còn có một vẻ gì đó thật trìu mến…

Cô vẫn nhớ mãi buổi học hôm đó. Tự nhiên, cô thấy ánh mắt Chiến nhìn mình thật lạ, không có vẻ háo hức như mọi ngày. Hình như trong đó có một nỗi buồn nặng trĩu, chơi vơi. Cô ráng đợi giờ tan lớp.

Chiến đạp xe bên cạnh, trầm ngâm, mặc cho cô nói huyên thuyên để cố che đi linh cảm về một điều bất ổn. Hai người dừng lại bên gốc cây hoa sữa. Anh nhặt một bông hoa nhỏ vương trên tóc cô, thì thầm: “Hoa sữa thơm quá”. Rồi anh ngập ngừng: “Tui… Anh sắp phải đi xa rồi”. Cô nắm tay anh, lắc mạnh: “Anh đi đâu? Bao giờ về? Anh định bỏ học sao? ”.

Chiến cầm tay cô trong đôi tay chai sạn của mình, giọng anh khàn khàn: “Anh… Anh sắp trở thành lính đảo…”. Cô thốt lên, khó nhọc: “Bao giờ anh đi?”. “Vừa có giấy triệu tập… Mai anh phải đi rồi”. Anh quay sang, phủ lên khuôn mặt cô ánh nhìn đau đáu từ đôi mắt sâu hun hút. Cô đứng lặng. Vậy là từ mai sẽ còn lại một mình cô đơn độc trên con đường này.

Hiểu được suy nghĩ của cô, Chiến thì thầm: “Em yên tâm. Anh đã nhờ bác Hai xích lô đưa em về sau mỗi buổi học”. Cô quay đi, gật gật đầu mà lòng nặng trĩu: “Thế còn các em của anh? Còn giấc mơ đại học?”. “Thằng em kề có thể đi làm thợ hồ, thay anh phụ má. Anh đi vài năm rồi về sẽ học tiếp. Khi đó, em sẽ làm cô giáo cho anh, cho một mình anh, nghen”.

…Không còn nữa ánh mắt hồ hởi và trìu mến của Chiến, những buổi tối lên lớp đối với cô trở nên thật tẻ nhạt. Nhìn vào chỗ trống nơi anh vẫn ngồi, cô nhớ anh cồn cào. Nhớ ánh mắt rực sáng khi nghe cô khen “giỏi lắm”. Nhớ vẻ bối rối của anh khi cái nhìn của cô lướt qua mọi người trong lớp và dừng lại trên gương mặt anh. Nhớ dáng điệu ngượng nghịu của anh khi thì thầm “Anh muốn vào đại học”…

Những lá thư của anh từ đảo xa lang bạt qua sóng gió, cả tháng mới tới tay cô. Anh kể vẫn thường xuyên ôn bài vở, để khi nào về anh sẽ thi đại học.

Nhưng anh đã không trở về như đã hứa. Một buổi sáng Chủ nhật, cô có thư từ đảo xa. Nhưng không phải thư anh. Người viết thư, cũng là lính đảo, báo tin anh đã hi sinh anh dũng trong một cuộc tuần tra biển. Người ấy còn viết: “Chiến luôn là học sinh giỏi nhất trong lớp học ở đây. Bởi anh ấy quyết tâm sau vài năm ở đảo sẽ trở thành sinh viên đại học…”.

Cô đọc đi đọc lại những dòng chữ ấy, nước mắt lặng lẽ rơi, nóng hổi trên má cô…

Phúc Nguyên

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top