banner 728x90

Truyện ngắn: Xóm núi múa lân

25/12/2024 Lượt xem: 2488

1. Xóm nghèo, lọt thỏm giữa ba bề núi, lơ thơ dăm chục nóc nhà. Một con đường duy nhất nối ra ngoài. Khỏi bìa xóm là rừng, còn nguyên cỏ cây hoang dại. Dân trong xóm đa phần sống bám rừng rú. Trẻ trong xóm cũng hoang dại, hồn nhiên như cây cỏ, học một buổi, buổi còn lại lên rẫy cùng ba mẹ hoặc tha thẩn chơi nhông. Ký ức Trung thu của lũ nhỏ chỉ có bịch bánh kẹo rẻ tiền Hội Phụ nữ xã mang về thôn phát cho từng đứa mỗi dịp rằm tháng Tám hàng năm. Vậy đã quý lắm, đã đủ để chúng mong chờ Trung thu đỏ mắt. Trường học nghèo nàn, tranh tre nứa lá tạm bợ, chuyện học còn chưa xoay ổn sao lo nổi chuyện chơi? Có trường, có thầy để lũ nhỏ khỏi lâm cảnh mù chữ đã mừng…

Năm rồi, xóm được kéo điện. Lần đầu tiên, “ánh sáng văn minh” bừng lên giữa đêm đen xóm núi. Gia đình ông Kim, người có điều kiện nhất xóm, ráng bỏ tiền tích cóp xuống phố rinh về dàn máy hát cùng chiếc ti vi. Nhờ cái ti vi mà Trung thu năm ngoái, lần đầu tiên lũ nhỏ xóm núi biết thế nào là trò múa lân. Thích mê…

2. Bưng thau quần áo mới giặt từ ngoài suối về, cô giáo Hà nghe có tiếng cãi chí chóe trước thềm nội trú. Lại đám học trò 6A, lớp cô chủ nhiệm. Giọng thằng Trung con ông Kim: Nè, tụi mày chưa biết đâu, coi múa lân Trung thu đã ơi là đã! Ông lân đầu to, cao bằng này, đuôi dài bằng này (giơ tay ra hiệu), mắt chớp chớp đèn xanh đỏ, râu ria lóng lánh, nhìn thôi cũng phát mê… Thằng Hưng mập cướp lời: Còn ông Địa nữa… Rồi nó ưỡn người, đi khệnh khạng, tay phe phẩy cây quạt tưởng tượng… Đám bạn cười lăn. Cười xong, có đứa tiếc rẻ: Sao hôm đó tao không được coi? Thằng Hoán mơ màng: lân trong ti vi còn hay vậy, coi lân thiệt chắc hay sao? Sao Trung thu mà xóm mình người ta không chịu… múa lân nhỉ?…

Nhìn đám học trò nói chuyện, tự dưng cô Hà thấy thương quá. Một ý nghĩ chợt lóe lên. Đặt thau quần áo xuống bậc cửa, cô gọi lũ học trò đến. Các em thèm coi múa lân lắm phải không? Dạ… Giờ cô dạy các em múa lân, chịu không? Bọn nhóc ồ lên, tròn mắt. Cô Hà cười: Được rồi, vậy sáng Chủ nhật tập trung lên trường. Giờ thì các em về đi, trưa rồi...

3. Muốn có đầu lân thì ra tiệm tạp hóa xin cái thùng carton. Muốn mua thêm ít giấy màu, hồ dán… mà thứ gì cũng không. Tiệm nghèo như xóm, quanh năm ai mua chi mấy thứ đó mà đòi? May còn hộp bút màu sáp học sinh, cô giáo khuấy bột làm hồ, huy động lũ học trò chạy quanh xóm xin gom… vỏ bạc bao thuốc lá. Cắt nắp, úp ngược thùng carton xuống, dùng dao khoét mắt, mũi, miệng. Phất giấy, dùng bút sáp tô mắt, vẽ mũi. Cuốn giấy hình phễu làm hai cái sừng. Cắt giấy bạc bao thuốc thành sợi nhỏ dán làm lông mi mắt, làm râu... Hì hục non ngày trời cũng xong cái đầu lân. Đuôi lân thì dùng cái rèm che cửa sổ chống nắng gỡ từ phòng cô giáo. Còn trống? Cô Hà chạy lên kho của trường, may có cái trống ếch bị thủng vứt lăn lóc xó nhà. Cô lượm lên, phủi sạch bụi đất rồi ra núi chặt, đẽo thêm cây dùi trống nhỏ nữa là xong. Quạt thì tận dụng mo cau. Còn mặt nạ, cô lấy giấy màu cắt, dán, vẽ…; buộc thêm sợi dây thun nữa là thành...

Khỏi cần đến cô, lũ nhỏ tự động chia vai. Thằng Trung to khỏe nhanh nhẹn khư khư ôm cái đầu lân, lãnh phần múa chính. Hưng mập giành vai ông Địa; còn Tí xí vai Tề Thiên. Thêm hai đứa phụ làm đuôi lân. Xong. Cô giáo làm “tổng đạo diễn”. Lũ nhỏ tập trôi chảy, nhịp nhàng hết chê. Vai nào ra vai nấy, say mê tập dượt đầy hứng khởi và sáng tạo. Nhìn lũ nhỏ, dường như không phải chúng đang tập mà là đang… chơi. Chơi hết mình…

4. Đêm rằm. Trăng treo vằng vặc. Trăng dãi vàng lung linh xuống làng mạc, núi đồi. Trung thu đẹp trời. Đẹp đến mức chưa bao giờ đẹp hơn nơi xóm núi…

7 giờ. Xóm bỗng đột ngột rộn lên tiếng trống. Những hồi trống nhịp nhàng đầy “chuyên nghiệp” của thằng Bảo dẫn đường cho đoàn lân xóm núi rầm rộ ra quân. Cô giáo Hà làm “trưởng đoàn”, dẫn cả đám rời khu nội trú ra đường, hùng dũng thẳng tiến… vô xóm! Lũ nhỏ hăng hái nhất tề vào vị trí. Trống nổi rộn ràng. Thằng Trung đội cái đầu lân theo nhịp trống thúc ra sức mà vờn lượn, tung lên hạ xuống, uốn éo lắc lư. Thằng Hoán, thằng Vũ khéo léo nâng đuôi, lượn theo nhất cử nhất động của đầu lân. Chú Tề Thiên Tí cũng trổ tài múa tít thiết bảng, trong khi ông Địa Hưng mập phẩy phẩy quạt mo, khệnh khạng ưỡn cái bụng (độn gối bông) to tròn đi tới đi lui. Tùng tùng cắc cắc tùng tùng, tùng cắc tùng cắc cắc tùng; từng hồi trống thúc tới giục giã, đánh động con nít cả xóm. Một đứa, hai đứa, ba đứa..., rồi cả đám túa ra, rồng rắn theo sau đoàn lân. Rồi “cái đuôi” tự phát nối vô càng lúc càng dài, có cả người lớn tham gia. Từng tràng cười thích chí rộ lên, kèm theo cả tiếng vỗ tay...

Ông trưởng thôn theo coi, tấm tắc luôn miệng. Ông bảo nhỏ với cô Hà: sang năm sẽ cố gắng huy động kinh phí để… thành lập đội lân, nhờ cô giúp một tay! Nói nhỏ vậy mà sao đứa nào cũng nghe. Trống thúc dồn hơn. Nhảy múa hăng hơn. Một năm mới có Trung thu một lần. Xóm núi xưa nay làm gì có lân...

Kim Phụng

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp một triệu đồng, bây giờ làm sao nói với chị? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào.

Truyện ngắn: Những người lính ngoài biển khơi

Bão tràn vào thành phố. Trời tối đen như mực. Một số khu vực đã mất điện từ mấy ngày qua. Mưa như trút nước. Tiếng người phát thanh viên trên truyền hình thảng thốt “…lũ tràn chưa rút hết thì cơn siêu bão số 7 tiếp tục tràn vào Biển Đông, uy hiếp các tỉnh miền Trung. Chính phủ đang huy động mọi lực lượng để cứu dân, tránh tình trạng cô lập từ các huyện như hiện nay…”.

Truyện ngắn: Lầm lỡ

“Công ty phá sản, tôi chạy khắp nơi mà không kiếm được việc làm khác. Cuối cùng, với vốn tiếng Anh kha khá, tôi trở thành nhân viên buồng phòng trong một khách sạn nằm sát bên bờ biển. Tại đây, tôi quen Kha khi anh từ Mỹ đến đây triển khai một dự án về môi trường. Hôm đó, khi trở về phòng lấy bản đề án để quên trên bàn, Kha thấy tôi đang chăm chú đọc những trang bản thảo một cách say mê.

Truyện ngắn: Lỡ hẹn một chuyến bay

Từ khi thành phố bắt đầu thực hiện quy định giao thông một chiều ở một số con đường, hàng ngày lộ trình đi về của anh có thay đổi. Vòng đi vẫn qua đường Ngô Gia Tự, nhưng vòng về buộc anh phải đi đường Nguyễn Trãi. Lâu nay anh hầu như tránh con đường này. Bởi lẽ, đó là con đường ngang qua nhà nàng. Lòng anh không bình lặng mỗi khi nhìn thấy cánh cổng có giàn hoa giấy tím. Đã nhiều năm rồi từ lúc không còn bóng nàng bên khung cửa nhỏ đó.

Truyện ngắn: Lòng vị tha

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác. Cũng như mọi người dân nơi này, hai đứa biết theo mẹ bới rác từ khi chập chững biết đi.

Truyện ngắn: Bài học và tình bạn

Vừa hết giờ làm, Hùng vội phóng xe khỏi cơ quan. Chạy rì rì giữa dòng xe cộ đông đúc, lòng Hùng bồn chồn, chỉ muốn tăng ga vọt lên để mau về nhà. May mà cu Tuấn đã được cô giáo ở cùng tổ hứa chở giúp về chứ không lại chờ bố, rồi khóc. Còn vợ anh, mới mổ ruột thừa xuất viện ngày hôm kia, không biết ở nhà có chịu nằm yên hay lại tham công tiếc việc...

Truyện ngắn: Ngày đầu lên lớp

Sáng, trong khu tập thể giáo viên cạnh trường, Lan thức dậy từ lúc nào. Đã thành thói quen, sáng nào cũng vào giờ này, Lan đều ngồi bên chiếc bàn nhựa cạnh cửa sổ, xem lại giáo án cho một ngày lên lớp. Cô chẳng thể lý giải vì sao mình lại yêu nghề giáo viên đến thế, và càng không hiểu vì sao từ khi được nhận về trường này dạy, cô lại tâm huyết, nhiệt tình đến vậy.

Truyện ngắn: Mình đã thuộc về nhau

Trong buổi lễ trao giải cuộc thi viết về môi trường hôm đó, em tưởng tác giả đạt giải nhất là người trong ngành, nhưng hóa ra không phải. Anh tự giới thiệu cái nghề khảo sát của mình là “nghề đi lang thang”. Trước đây, nhiều lần đọc những bài báo rất hay ký tên anh, em tưởng tác giả là một cô gái bởi lối viết sâu sắc mà đằm thắm đến thế. Hóa ra không phải, mà là anh - chàng trai ngăm ngăm cao lớn, chắc đậm, mái tóc đen lòa xòa trước trán, nụ cười luôn nở trên môi.
Top