Đồng bào dân tộc Khmer cư trú trên đồng bằng sông Cửu Long tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang... Theo tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer từ bao đời nay, đóng góp dựng chùa và duy trì các hoạt động của chùa là khoán ước bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và vĩnh hằng sau này của mỗi kiếp người.
Có thể nói, các phum sóc của đồng bào Khmer đều có chùa. Ngôi chùa của người Khmer được xây dựng ở vị trí trung tâm của sóc, vừa rộng rãi vừa cao ráo với dáng vẻ sừng sững, nguy nga và tráng lệ. Đó là một quần thể kiến trúc và tiêu biểu cho nghệ thuật văn hóa truyền thống của người Khmer. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa dân tộc Khmer, là nơi rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, cũng là nơi giáo dục cho thanh niên người Khmer. Người Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng, nơi tập trung những gì tinh túy nhất của dân tộc, nhiều lễ hội gắn với phong tục tập quán được tổ chức tại chùa. Chùa góp phần tạo sự gắn bó và ổn định niềm tin của đồng bào đối với đạo Phật và là nơi gắn kết, đoàn kết cộng đồng của dân tộc.
Ảnh nghi lễ Khmer
Đồng bào Khmer không tiếc công sức, dùng những vật liệu quý cùng sự khéo léo của đôi tay để làm công quả góp phần xây dựng chùa, vì thế chùa trở thành trung tâm của phum, sóc, gắn bó thiêng liêng cả đời với đồng bào. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Khmer thể hiện tập trung ở các ngôi chùa. Trong nghệ thuật kiến trúc chùa, rồng là con vật trung tâm biểu tượng cho cái thiện, được trang bị trên mái chùa và cột cái trong Phật điện.
Theo quy ước, vào tháng 5 hằng năm, sau khi mừng Tết năm mới Cholchnămthmây xong, ở các phum sóc thanh niên dân tộc Khmer tuổi từ 14, 15 sẽ xin cha mẹ vào chùa xuống tóc để đi tu báo hiếu. Các thanh niên sắp đi tu báo hiếu phải báo trước cho các vị thượng tọa ngôi chùa mình định vào tu biết ngày mình quy y cửa Phật. Trước khi vào chùa tu thanh niên tắm rửa sạch sẽ bụi trần, gia đình của người chuẩn bị đi tu mời các vị thượng tọa, đại đức tổ chức làm lễ xuống tóc, cạo chân mày... cho người đi tu. Và cho đến 4 hoặc 5 giờ chiều ngày hôm sau, thanh niên đi tu báo hiếu sẽ chính thức vào chính điện làm lễ quy y.
Ngoài ra, khi cho con nhập tu thì cha mẹ phải gặp sư cả ở chùa trong phum, sóc nơi gia đình sinh sống, cùng bàn bạc để định ngày tổ chức nhập tu. Thông thường lễ nhập tu được tổ chức cùng một lúc có nhiều người để giảm tốn kém và không phải tổ chức nhiều lần. Sau khi vị sư cả đã thống nhất với gia đình ngày nhập tu thì gia đình phải chuẩn bị áo cà sa, bình bát và một số vật dụng khác cho con mình. Trước lễ chính thức một ngày, người con trai được các sư làm lễ thế phát (cạo đầu), thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một tấm khăn vải trắng khoác lên vai từ trái sang phải. Tấm vải trắng mới này được gọi là Pênexo, một khi khoác tấm vải trắng này tức là anh ta đã từ bỏ thế tục. Trong thời gian này, gia đình người có con đi tu sẽ mời chư tăng về nhà họ để tụng kinh, cúng dường, làm lễ quy. Ngày hôm sau, người con trai sắp sửa nhập tu sẽ bưng mâm áo cà sa đi trình khắp bà con dòng họ để thông báo là mình chuẩn bị xuất gia. Sáng ngày thứ ba, gia đình chuẩn bị một số món ăn đem vào chùa cúng, trưa cùng ngày các sư ở chùa sẽ tiến hành Hoằng pháp tại chánh điện và làm lễ mặc áo cà sa cho các tăng mới vừa nhập tu, từ đây, các tăng sẽ ở lại chùa để tu.
Các tăng mới nhập tu gọi là các Sa Di. Trong thời gian tu, các Sa Di chủ yếu là học kinh, giáo lý nhà Phật bằng tiếng Pali, đồng thời học chữ Khmer do vị sư cả trong chùa giảng dạy. Các tăng ở chùa đều sinh hoạt theo lịch mà chùa đã quy định, mọi sinh hoạt đều theo tiếng kẻng báo hiệu của chùa.
Trong thời gian các Sa Di tu trong chùa gia đình được tới thăm bình thường, nhưng các Sa Di và người thân trong gia đình khi thăm hỏi phải giữ một khoảng cách thể hiện sự kính trọng đối với những người tu. Ngoài ra mỗi tháng các Sa Di được về thăm nhà một ngày.
Sau một thời gian tu hành, người con trai Khmer sẽ được xuất tu. Từ đây, họ chính thức được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có đạo, có thể gánh vác được những trọng trách lớn lao. Ý nghĩa đặc biệt của việc xuất gia báo hiếu của đồng bào Khmer là đi tu không phải để trở thành Phật mà để thành người. Bởi lẽ, việc tu là bước chuẩn bị cho người thanh niên có đủ đạo đức, kiến thức, lòng nhân ái để sau khi rời chùa sẽ biết cách xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam