Chùa Chén Kiểu – Ngôi chùa Khmer độc đáo ở Sóc Trăng
Trong lịch sử phát triển của cộng đồng dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng của đạo phật tới đời sống của đồng bào có vai trò hết sức quan trọng. Phật giáo đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống với nền tảng giáo lý vững chắc, luôn hướng con người đến những giá trị cao cả chân, thiện, mỹ. Bởi vậy, ngôi chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt cộng đồng và lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của người Khmer. Ngôi chùa kết tụ tạo nên một không gian riêng, đặc sắc về văn hóa Nam bộ miền Nam.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây (Cần Thơ)
Phật giáo của người Khmer thuộc Phái Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Nam tông. Đây là Phật giáo gốc mà Đức phật Thích ca khai sinh và các quan niệm phật giáo, giáo lý cũng được người Khmer bảo tồn nguyên vẹn. Chính bởi chùa có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khmer như vậy, nên người Khmer không tiếc công sức vật liệu quý cùng với sự khéo léo của đôi tay để xây dựng chùa thành trung tâm của phum sóc và mỗi ngôi chùa nơi đây đều thể hiện tất cả tinh hoa kiến trúc hội họa của người Khmer ở miền Tây Nam bộ.
Cổng chùa Vàm ray (Trà Vinh)
Ngôi chùa thường nằm trên những khu đất cao, rộng, khô và thoáng. Xung quanh một ngôi chùa thường trồng nhiều loại cây to, sum suê bóng mát. Hầu như các chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng theo cùng một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất. Bên ngoài là cổng chùa cũng là một công trình kiến trúc rất khéo léo. Mỗi nơi lại có kiểu dáng khác nhau được xây dựng theo hình thức một, ba hoặc năm ngọn tháp. Đối với cổng chùa có một ngôi khác hoặc lợp mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau. Hai bên cổng thường có hai vị thần bảo hộ, tượng sư tử hoặc đầu thần rắn Naga uốn lượn trên tường rào, đầu ngẩng lên trời với ý nghĩa bảo vệ những báu vật bên trong chùa. Còn cổng chùa có ba ngôi tháp tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo), tháp giữa thường được trang trí rất chi tiết, màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho đức Phật. Cổng chùa xây dựng theo kiểu năm ngôi tháp hình búp sen, phần dưới trang trí gần giống như nhau, nhưng phía trên năm ngôi tháp thì có một ngôi cao nhất, nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo hơn - năm ngọn tháp minh họa cho năm vị Phật, đỉnh cao nhất là cõi Niết Bàn.
Ngôi chính điện uy nghi thể hiện rõ nét nhất kiến trúc của chùa Khmer Nam Bộ
Trong tổng thể kiến trúc, ngôi chánh điện có vị trí quan trọng nhất, đây là nơi thờ phụng đức phật, nơi tôn nghiêm linh thiêng nhất, đồng thời cũng tập trung các nét kiến trúc đặc sắc tiêu biểu nhất. Ngôi chánh điện thường nằm trên nền cao, bởi công trình này được xem như là trung tâm của vũ trụ, nơi hội tựu ý thiên của trời đất. Nơi đây, đức phật tối cao ngự trị, hiển thị uy quyền của phật pháp.
Ấn tượng đặc sắc của chánh điện chùa Khmer là hệ thống mái có độ dốc cao, lại được phân ra nhiều cấp. Mái chùa được lợp ngói tráng men màu vàng hoặc đỏ điểm xuyến với màu xanh tựa như những chiếc vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trên bờ nóc, bờ chảy, nghệ nhân Khmer trang trí các hình tượng rắn thần Naga với chiếc đầu vươn lên tạo vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng cho mái. Rắn thần Naga cũng có một ý nghĩa rất quan trọng trong tâm thức người Khmer. Rắn Naga được coi là vị thần có sức mạnh ban phát những nguồn nước là biểu tượng của những dòng sông mẹ.
Bên trong chính điện là gian phòng dùng trong những dịp lễ lớn. Thông thường cách bày trí chính điện đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Cách thể hiện hình ảnh Đức Phật của đồng bào Khmer mang những nét đặc trưng riêng. Người Khmer chỉ thờ Phật Thích Ca gồm những hóa thân khác nhau trong kiếp tu hành.
Chùa của đồng bào Khmer đều mang phong cách kiến trúc đặc biệt
Với người Khmer, phật giáo gần gũi và có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng và trong quan hệ ấy ngôi chùa Khmer được coi là điểm hội tụ mọi hoạt động đời sống của người Khmer lúc sinh ra đến lúc mất đi đều gắn liền với tôn giáo, với ngôi chùa.
Theo phong tục của người Khmer, người con trai đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu một thời gian để báo hiếu cho cha mẹ, để học kinh phật, trau dồi đạo hạnh, trang bị tri thức và cách sống làm người.
Người đã trải qua thời gian tu hành ở chùa được cộng đồng người Khmer nhìn nhận và đánh giá cao mới dễ lập gia đình và dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội. vì vậy, từ lâu chùa đảm đương vai trò là ngôi trường dạy nhân cách, tri thức, đạo đức cho thanh, thiếu niên, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội và phong tục. Ngoài ra, chùa còn dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Khmer cho con em trong phum, sóc.
Mừng tết Chol Chnam Thmay tại một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh
Người Khmer cũng như các nơi khác có rất nhiều lễ hội trong năm: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Phật đản, lễ An cư Kiết hạ, lễ Ok Om bok, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ Dâng y. Mỗi lễ hội có những ý nghĩa khác nhau, nhiều nghi thức độc đáo diễn ra, và luôn lấy chùa làm trung tâm tổ chức nghi thức lễ hội. Đến ngày lễ hội, bà con Khmer quần tụ về chùa tụng Kinh niệm Phật và nghe giảng kinh, tổ chức vui chơi múa hát các loại hình nghệ thuật truyền thống chào mừng lễ hội. Bởi vậy, người Khmer rất tôn kính các vị sư trong chùa.
Đúng như câu nói: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, người Khmer khi chết không địa táng như các dân tộc khác mà họ đem vào chùa hỏa thiêu. Sau đó lấy cốt gửi vào chùa phụng thờ, ngụ ý để vong hồn người chết sớm hôm nghe kinh Phật, kề cận bên ánh hào quang của Phật sớm được siêu thoát về cõi Niết Bàn.
Có thể nói chùa là chiếc cầu nối giữa đạo với đời, là nơi an nghỉ của linh hồn của những người đã khuất. Và đây cũng là nét đặc sắc của những ngôi chùa Khmer Nam bộ. Thông qua nghệ thuật kiến trúc xây dựng trên các ngôi chùa, người Khmer muốn giữ gìn nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo cùng tinh thần hướng thiện đến cộng đồng./.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam