Thờ cúng tổ tiên là tục lệ của nhiều dân tộc ở châu Á, đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước Đông Nam Á. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một thứ tín ngưỡng, được thể chế hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang tính phổ biến đối với người dân Việt Nam, hầu như người Việt Nam nào cũng có tâm thức thờ cúng tổ tiên và thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Không gian văn hóa thờ cúng làng xã Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa hẹp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thờ cúng cha mẹ, ông bà và các thế hệ tổ tiên đã qua đời, có cùng huyết thống với chủ thể thờ cúng. Nghĩa rộng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ trong phạm vi huyết thống từ gia đình đến họ tộc mà còn mở rộng ra cả tổ tiên làng xã, đất nước, bao gồm thờ những người có công lập làng, dựng nước, giữ nước và những vị thần linh liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người.
Hoạt động thờ cúng tổ tiên được người Việt thực hiện vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) được tính theo âm lịch. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ, Tết trong năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Một số gia đình còn thắp hương trước bàn thờ tổ tiên hằng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ. Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.
Hoạt động thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời trong văn hóa người Việt. Về hình thức thể hiện, các lễ vật cúng bái có thể thay đổi theo thời gian, theo vùng miền; về ý nghĩa thì tục lệ thờ cúng tổ tiên càng về sau càng được bổ sung, hoàn thiện. Đó là, lòng biết ơn, sự hiếu thuận của con cháu đối với các bậc sinh thành, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có ý nghĩa duy trì, tăng cường tình thân trong quan hệ gia tộc. Những ngày lễ, Tết hoặc ngày kỷ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi hội tụ, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, và những người còn sống.
Theo tâm thức dân gian thì tín ngưỡng thờ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một
Thờ cúng tổ tiên có chức năng giáo dục. Sự tin tưởng vào linh hồn ông bà cha mẹ ngự trên bàn thờ, có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ linh hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta không muốn làm cho linh hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình mà mang tội bất hiếu. Những hoạt động xuất sắc của người đã chết trở thành tấm gương sáng, niềm tự hào của gia tộc, được con cháu đời sau học tập noi theo.
Thờ cúng tổ tiên là chuẩn mục đạo đức của người Việt. Người Việt coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành, là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Thờ cúng tổ tiên ở cấp độ làng xã, quốc gia – Thờ cúng thành hoàng, tổ nghề, vua Hùng, mẫu tổ Âu Cơ… có chức năng cố kết cộng đồng làng xã, hướng người dân về cội nguồn, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước.
Nền kinh tế tiểu nông theo kiểu tự cung tự cấp đã tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất độc lập, cũng là nơi tiêu thụ chính sản phẩm do họ làm ra. Vì vậy, tâm thế, tình cảm của người Việt thường hướng vào gia đình nhỏ của mình. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình ra đời, tồn tại và phát triển.
Một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến sự hình thành tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng là trình độ tư duy, nhận thức của con người. Để tín ngưỡng hình thành thì trình độ nhận thức, tư duy trừu tượng của con người phải đạt đến một mức độ nhất định. Khảo cổ học Việt Nam đã có những phát hiện rằng người Việt cổ đã có những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai.
Ngoài yếu tố nhận thức, còn có một số yếu tố tâm lý góp phần hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt. Đó là sự kính trọng và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Truyền thuyết về sự tích bánh dầy, bánh chưng thời Hùng Vương đã cho thấy lòng hiếu thảo, sự kính trọng và biết ơn của con cái đối với các bậc sinh thành đã có từ rất lâu trong văn hóa người Việt, là cơ sở tâm lý cho sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Các tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình hình thành và phát triển, giáo lý tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng trong quá trình hình thành và phát triển đều có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa của các nền văn hóa khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có cốt cách riêng: đối tượng thờ cúng là tổ tiên người Việt, lễ vật dâng cúng là các sản vật do người Việt làm ra, lễ nghi thờ cúng do người Việt thực hiện, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hoàn thiện phù hợp với văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. Trong xu thế hội nhập văn hóa của thế giới ngày nay, việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một giải pháp góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ban Nghiên cứu văn hóa