banner 728x90

Tết quê ngày ấy

25/01/2025 Lượt xem: 2581

Một mùa xuân mới lại về, ngoài trời lây phây mưa bụi. Lòng tôi lại nao nao nhớ đến Tết quê. Tết quê của thời bao cấp cách đây gần năm chục năm về trước, với cái Tết của thời bao cấp.

Vào thời điểm đầu tháng chạp, bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu trừ lùi từng ngày, mong đến Tết. Không biết người lớn lo chạy chợ kiếm tiền thế nào, chứ bọn nhóc chúng tôi thì mong Tết đến cháy lòng.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết ấy, mẹ tôi đi suốt, hôm nào cũng từ sớm mai đến tối mịt. Hôm thì bà gánh đỗ đi bán ở chợ huyện, hôm thì gánh lá dong đến chợ tỉnh. Anh trai tôi (khi ấy là sinh viên) mang một can nước mắm 20 lít về, hôm sau mẹ tôi tất tưởi gánh đi bán rong khắp làng. Hồi ấy mọi thứ đều thiếu, người ta phải lo chuẩn bị từ trước Tết cả tháng ngay cả những thứ bình thường như gói hạt tiêu, mì chính, nước mắm…. (Mỗi nhà cũng chỉ dám mua vài thìa nhỏ mì chính (bột ngọt), một cút nước mắm, nhà nào khá giả mới mua nổi nửa lít). Đến chiều 28 Tết, mẹ về sớm, lục trong túi ra một mảnh vải phin, tranh thủ dắt tôi đến ông thợ may làng cắt cho tôi cái áo mới. Khỏi cần nói tôi sướng đến thế nào, nhảy chân sáo khắp đường làng. Ông thợ may làng dịp Tết đông khách lắm, nhưng toàn cắt cho trẻ con thôi. Hồi ấy tôi cứ thắc mắc người lớn hình như không thích quần áo mới hay sao ấy, đa phần họ vẫn mặc những bộ quần áo cũ, đến mấy năm rồi mẹ tôi chưa may cái áo nào.

Năm ấy nhà tôi mổ heo, con heo chừng 50kg, có 4 nhà cùng góp tiền mua chung. Sớm 29 Tết, ông thợ mổ đã đến, trói ghì con heo lôi ra khỏi chuồng, đặt lên cái chõng tre. Mổ heo là một ngày rất vui, mấy đứa trẻ con chúng tôi lăng xăng đun nước và xí phần cái bong bóng lợn để thổi làm bóng bay. Chiều ấy được ăn một bữa lòng lợn đã đời. Tiếng giã giò kí cốp vang khắp làng khiến những con tim trẻ nhỏ lâng lâng rộn ràng.

Chiều 30 tết, mẹ ngồi gói bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh, xin mẹ vài cái lá con gói mấy cái bánh nho nhỏ rồi gửi vào nồi, thích lắm. Mẹ sai chị Tư đun một nồi to nước mùi già để mấy chị em tắm tất niên. Trời rét, nhà tắm không có phải tắm ở vườn, cắm mấy cái cọc tre rồi quây lá chuối khô, gió lạnh thổi ù ù, vừa tắm vừa run lập cập. Nhưng mà thích, người nhẹ thoáng hẳn, phơi phới như muốn bay lên cùng mùa xuân.

Rồi Tết đến thật. Từng tràng pháo nổ giòn giã, mùi thuốc pháo trộn với mùi hương trầm ngan ngát lá hương vị đặc trưng của Tết suốt đời không thể nào quên. Xong bữa cỗ sáng, gia đình xum họp linh đình, tôi là út ít, được theo mẹ đi “lễ cụ” (ở quê người ta gọi đi chúc Tết là đi lễ cụ, đến nhà nào thủ tục đầu tiên là vái trước ban thờ), được đầy một túi tiền xu mừng tuổi. Chiều, chúng tôi thích nhất là được ra chơi cây đu. Từ khoảng 23 tháng chạp, các anh trai làng đã trồng đu. Hồi ấy cây đu nhiều lắm, cứ 1-2 xóm có một cây. Nam nữ thanh niên háo hức xếp hàng để đánh hết lượt nọ tới lượt kia, từ sáng đến chiều tối không lúc nào ngớt. Trai gái thanh lịch thay nhau lên đu, người ở dưới xuýt xoa. Có bà cụ già lắm, tần ngần đứng xem. Cụ lẩm bẩm: “Ngày xưa tôi với ông Phó cũng nhờ đánh đu mà thành vợ chồng đấy, thế mà đã hơn sáu chục năm rồi, nhà tôi khuất núi cũng hơn chục năm…”

Lễ hội Tết hồi ấy ngoài đánh đu còn có đấu vật, đi xe đốt pháo, thổi cơm thi (nồi cơm được đặt trong một cái quang sắt, phải vừa gánh vừa thổi, một người gánh, một người cầm bó đuốc rê ở đít nồi, cứ thế đi vòng quanh đến khi cơm chín). Trò nào cũng vui, cũng hay cả. Nhưng thú nhất có lẽ là trò chèo đò bắt vịt. Trong ao nước, con vịt cứ bơi thoăn thoắt, người chơi chèo một chiếc thuyền nan nhỏ đuổi theo đến khi túm được vịt mới thôi. Người xem vòng quanh ao, reo hò cổ vũ tưởng vỡ trời, mỗi khi con vịt chạy lên bờ, người ta lại cầm cây gậy đầu có buộc túm lá chuối xua xuống. Có khi người chơi mải quài tay bắt vịt mà lộn cả thuyền, ướt lướt thướt, cả đám người xem lại được trận cười sảng khoái.

Bây giờ khi vật chất đã quá đầy đủ thì chẳng còn đâu cái cảm giác đón  Tết ngày xưa. Chẳng còn không khí sắm Tết như xưa, hàng hóa và dịch vụ giờ đầy ắp, nhiều nhà mua luôn bánh chưng cho tiện. Hỏi sao không gói bánh chưng, người ta đáp là ngày Tết ăn vài chiếc chứ mấy, gói làm gì cho mệt. Chính vì vậy bọn trẻ bây giờ ít ai hiểu được cảm giác ngồi quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30 Tết, niềm vui, niềm hạnh phúc ngập tràn khi ngồi chờ vớt cái bánh nóng hổi lên cúng tổ tiên…

Đón Tết bây giờ cũng khác, đa phần thanh niên trai tráng rời làng quê  đi làm ăn xa có khi mấy năm mới về Tết một lần. Ở làng giờ chỉ còn lại người già với trẻ con. Đến ngày 28, 29, có khi đế tận 30 Tết, nhiều người mới về làng. Chẳng còn gốc đu, chẳng còn đấu vật, chẳng còn thi thổi cơm với chèo đò bắt vịt. Hết 3 ngày Tết là nhanh chóng lên đường hòa nhập với cuộc sống công nghiệp thời hiện đại. Hình như ai cũng quay cuồng bận rộn với cuộc sống mưu sinh.

Tết xưa nay còn đâu… Nhắc lại quá khứ để muốn nói đến một điều, đất nước ta đã đổi mới quá nhanh, phát triển quá nhanh…bên cạnh niềm tự hào về công cuộc đổi mới của đất nước, còn có cả sự tiếc nuối những kỷ niệm đẹp, trong sáng, thơ ngây, lắng đọng mãi trong tâm hồn của một lớp  người Việt, một thời quá khứ./.

Hương Lan

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Chia tay

Mùa xuân vừa đi qua cũng là lúc thành phố nơi nàng gắn bó thời ấu thơ tràn ngập ánh mặt trời. Hơi lạnh se se len lỏi trong gió cách đó mấy ngày, giờ không còn nữa.

Truyện ngắn: Tín hiệu tình yêu

Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”.

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.
Top