banner 728x90

Tạp văn: Ký ức hoa đào

26/03/2024 Lượt xem: 2708

Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu như ở Miền Nam không thể không có những cành mai, thì ở Miền Bắc không thể thiếu những cành đào.

Tôi không nhớ rõ đã gắn bó với hoa đào từ khi nào, chỉ biết rằng ngày còn nhỏ, cứ đến chiều 30 tết, tôi thường mặc bộ đồ đẹp nhất theo cha đi chợ hoa, và chọn mua một cành đào chơi Tết.

Chợ hoa ở Miền Bắc những ngày giáp Tết có đủ các loại hoa: Thược dược, cẩm chướng, vi ô lét, cúc đại đóa, vạn thọ… những bông hoa nhìn mà say cả mắt, nhưng đẹp nhất, nhiều nhất, hấp dẫn nhất vẫn là hoa đào.

Mưa xuân bay như bụi phấn rắc đều lên hàng vạn cành đào chi chít. Nắng ấm và gió nồm giục những cánh hoa đào nở rộ, đỏ rực, biến những con đường chợ hoa thành một tấm thảm màu… đào. Hàng trăm cành đào, mỗi cành mỗi vẻ đẹp khác  nhau.  Có cành vươn thẳng, tỏa tròn, sum xuê, đều đặn, cân đối, nhưng cũng có cành lại mảnh dẻ ngoằn ngoèo, trễ hẳn xuống như một cánh tay buông, sát cành là từng chùm hoa đỏ ối như  xôi gấc, từng chùm nụ mập mạp, chúm chím, phô sắc đỏ thắm, chen nhau treo kín trên một chiếc cuống dài.

Hoa đào tỏa ra năm cánh, những cánh hoa được xếp chồng lên nhau, nhị hoa ở giữa như những sợi tóc uốn cong mềm mại màu hồng nhạt. Mỗi lần đi chợ hoa với cha, tôi lại được ông giảng giải cho nghe từng loại đào. Ông bảo: Đào ăn quả khác với đào chơi hoa, đào chơi hoa cây không to, gốc đào thường chỉ bằng cổ tay. Đào chơi hoa cũng có hai loại: đào Bích và đào Phai. Người sành chơi hoa thường chọn đào Phai. Đào Phai màu hồng nhạt.

Hoa đào tượng trưng cho sự may mắn của cả một năm, nên người mua hoa thường chọn cành nhiều nụ. Cành đào mua về cha tôi thường đốt gốc để kích thích cho hoa nở nhiều, nở đều, nở đúng vào ba ngày Tết, nhưng cũng có năm rét đậm, hết Tết, mùng 4, mùng 5 Tết hoa đào mới nở bung lụa

Đêm 30 Tết, anh chị em tôi quây quần ríu rít bên nhau, ngắm hoa, đếm nụ. Cha tôi ngồi trầm ngâm suy tư. Mẹ tôi tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giao thừa. Ai nấy đều hướng về khoảng thời gian thiêng liêng của đất trời. Khi mâm cỗ cúng tổ tiên được bưng ra, tuần hương đầu tiên lan tỏa hương thơm khắp nhà, ấy là lúc giao thừa đang tới gần, không còn ai nói to, cười râm ran nữa. Mọi người đi lại rón rén, nhẹ nhàng…

Trong khói hương nghi ngút của lễ cúng gia tiên, cành đào lúc này sao thấy đẹp và dễ thương đến vậy…

Thế rồi giờ phút thiêng liêng ấy đến… Tưng bừng, râm ran, say đắm lòng người. Trẻ nhỏ giật mình thức dậy, rồi lại chìm vào giấc ngủ ngon lành, người lớn hân hoan, cành đào lung linh tỏa sáng…

Có những phút giao thừa với những cánh hoa đào đỏ rực như thế đọng lại tuổi thơ tôi, đủ để nhớ suốt đời và vang mãi một tình yêu, một nỗi nhớ thương da diết quê nhà. Dẫu không nhiều nhưng ít nhất cũng một đôi lần, tôi đã thức cùng người lớn, háo hức đón giao thừa như vậy… 

Năm nay, cha tôi không còn nữa, nhưng mãi mãi tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm về ông, về tuổi ấu thơ của tôi một thời gắn bó với hoa đào.

Hằng năm, cứ mỗi  mùa xuân đến, đất trời ngập trong sắc hoa, hoa nào cũng đẹp, nhưng tôi vẫn thấy yêu nhất hoa đào. Hoa đào- mang mùa xuân đến với mọi nhà, mang niềm vui xuân say mê đến với mọi người. Hoa đào- một kỷ niệm sâu lắng của tuổi thơ tôi./.

Đào Quốc Thịnh

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top