banner 728x90

Tản văn: Những buổi chiều quê

23/02/2025 Lượt xem: 2615

Tôi lững thững thả lòng trôi theo một chiều đường quê miên man gió. Ánh nắng cuối ngày nhạt dần, chiếu những tia sáng le lói qua từng khóm tre hai bên đường. Trong giây phút ấy, cảnh và người quê hiện ra chầm chậm theo ngày, bình yên, nhẹ nhàng. Dù rằng, cái cơ cực của từng mảng cuộc sống quê nghèo vẫn chạy theo từng vòng bánh xe, nhưng sự yên bình vẫn lan tỏa trong màu nắng nhạt, trong tiếng lá tre xào xạc ven đường.

Nét đẹp quê chiều hè đầu tiên làm say lòng tôi là người mẹ kéo xe bò, chở phía sau hai con nhỏ. Có lẽ đó là một gia đình neo người, không ai chăm con dại, nên người mẹ trẻ ấy phải chở con trên xe bò, cùng ra đồng. Trên chuyến xe ấy, khi trở về, hai con sẽ ngồi một bên, một bên sẽ là lúa, đậu thu hoạch trong mùa này. Người mẹ thì gầy, mồ hôi nhỏ giọt trên vầng trán khắc khổ. Hai đứa bé thì vô tư cười trong gió, trong nắng, trong mênh mông những niềm vui tuổi thơ. Cảnh ấy làm tôi rưng rưng thương về mẹ, cũng một thời đưa tôi ra đồng. Nhà tôi thời ấy chẳng có xe bò đâu, chỉ có đôi quang gánh. Mỗi chiều ra đồng, mẹ gánh tôi một đầu, đầu kia bỏ vào một viên đá cho cân bằng. Khi chiều muộn, mẹ lại gánh tôi về nhà, đầu kia là một mớ bí, khoai hay đậu, tùy theo mùa. Tôi thì vi vu theo gió đồng, theo tiếng chim hót trong bụi lúa trổ. Ấy vậy mà thấm thoát đã nửa đời người...

Ngược gió chiều, tôi và vòng bánh xe trôi tiếp theo những con đường làng. Ánh nắng càng nhạt đi nhiều hơn. Những đám trẻ chăn bò chăn trâu lũ lượt ra về. Sau một buổi chiều hè phụ giúp ba mẹ và vui với những niềm vui nho nhỏ ngoài đồng, các em lại trở về nhà, dẫn theo những con bò, con trâu no bụng tròn căng. Tiếng nói, tiếng cười hòa vào nhau ấy cũng làm tôi chạm tới một vùng thơ dại vốn ở ngay nơi đáy mắt. Cũng từng lăn lóc ngoài đồng, dưới bùn non trong những chiều giữ bò, tôi và chúng bạn đã trải qua những chiều hè đẹp và yên bình như các em chiều nay tôi nhìn thấy. Thả diều, hái sen, chơi các trò chơi con nít trên đồng, nhiều lúc, quay nhìn lại thì con bò nhà mình đã đi ăn ở đâu không thấy được. Có bữa về đến nhà thì người ta đã dắt bò mình đến trước, vì bò vào ăn khoai, ăn lúa của họ. Thế là đêm đó, tha hồ mà sờ vào vết lằn roi ba đánh…

Và, khi nắng đã dường như tắt hết, tầm mắt tôi chạm vào cảnh một cụ ông đẩy một cụ bà trên chiếc xe lăn, đi dạo trên đường quê. Các cụ cũng đã ngoài 80 tuổi. Cụ ông tóc bạc phơ. Trên xe lăn, cụ bà ngồi, cứ nhìn về phía trước, gương mặt không biểu cảm nhiều. Lâu lâu, tôi lại thấy cụ ông ghé sát tai cụ bà nói gì đó, rồi hai cụ cười với nhau. Có lẽ, đây là hai vợ chồng. Người vợ bị liệt do tai nạn hoặc tai biến, thị giác và thính giác đều bị ảnh hưởng, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người chồng. Chiều chiều, chồng lại đẩy vợ trên chiếc xe lăn, ra đường để vừa thư thái, vừa hít thở không khí trong lành. Trong bệnh tật, hoạn nạn của tuổi già, hạnh phúc dù nhỏ nhoi vẫn hiện lên rõ rệt trong chiều, trong từng lời nói, nụ cười của họ. Trên cuộc hành trình xây dựng tổ ấm cũng như mưu sinh, biết bao khó khăn, biến cố đã xảy ra, nhưng tuổi xế chiều, họ vẫn bên nhau, vẫn truyền hơi ấm vào nhau khi một trong hai người đã bị thời gian, tuổi tác, nạn tai bào mòn đi sức khỏe. Chính điều đó khiến lòng tôi cảm thấy ấm áp hơn.

Khói bếp vài nhà hai bên đường đã bay lên, nhập nhòa vào buổi chiều muộn. Tôi trở về khi màu mắt nhuốm màu của sương giăng, của bình an trải khắp cung đường dậy lên mùi rạ rơm. Giữa biết bao sự đời tréo ngoe, giữa bon chen mưu sinh tìm kiếm một con đường cơm áo, đôi lúc, rất cần buổi chiều như chiều nay, để thấy lòng tĩnh lặng. Cái đẹp, cái hiền hòa của hương quê, người quê một chiều ngày hè gió và nắng đều nhẹ dịu sẽ là chút xúc tác để ta thêm yêu quê, thêm yêu những gì tốt đẹp của cuộc sống này.

Thu Hương

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Chia tay

Mùa xuân vừa đi qua cũng là lúc thành phố nơi nàng gắn bó thời ấu thơ tràn ngập ánh mặt trời. Hơi lạnh se se len lỏi trong gió cách đó mấy ngày, giờ không còn nữa.

Truyện ngắn: Tín hiệu tình yêu

Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”.

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.
Top