banner 728x90

Tản văn: Nhớ cha

13/05/2025 Lượt xem: 2392

Nhiều khi, theo dòng đời trôi dạt đến những vùng đất lạ, mỗi lúc cuối chiều, mắt con lại cay xè khi khói bếp làng bên đường bay lên hòa vào sương mờ ảo. Lòng con lại nôn nao nhớ về quê nhà, nơi ba mẹ còng lưng trên cánh đồng khô cằn bạc trắng cát sỏi quanh năm. Và, chiều cũng dội vào lòng con những kỷ niệm thời thơ ấu. Trong đó, con nhớ nhất vẫn là những buổi hoàng hôn được ba tắm cho, ở giếng nhà mình.

Ngày ấy, con còn nhỏ lắm, chưa đi học mẫu giáo trường làng. Nhà mình cùng nghèo lắm. Mái tranh cột tre phên rung lên bần bật trong giông gió, mưa lụt của miền Trung. Ba bị thương sau chiến tranh, vướng vào một trái mìn còn sót lại lúc làm đồng, mất đi bàn tay phải trước lúc chị em con ra đời. Nhưng với bàn tay còn lại, ba cùng mẹ đã vượt qua những ngày đói khổ.

Hồi ấy, trong mắt con, khi chiều dần về tối là một trong những thời khắc đẹp và vui nhất trong ngày. Ba mẹ đi làm đồng về. Mẹ nhen lửa nấu cơm tối, khói bếp lên, lơ lửng nhập vào màn sương chiều, tỏa vào những khóm tre, rặng bạch đàn sau nhà. Ba bồng con ra giếng, tắm cho con. Cái giếng đất đào từ lâu, gàu kéo bằng cần trục tre nên với một bàn tay, kéo được một gàu nước lên từ giếng sâu là một điều không dễ. Nhưng ba làm việc đó rất nhanh. Rồi, với bàn tay trái, ba kỳ cọ khắp người và hướng dẫn con cách tự tắm cho mình. Bàn tay ba vốn thô ráp, chai sần do cầm cuốc cầm cày từ bé, chạm vào da thịt non nớt của con tới đau. Nhưng dần dần, cảm giác ấy quen đi, đến nỗi chiều nào ba làm đồng về muộn, mẹ tắm cho con, lại cảm thấy thiếu điều gì đó rất lạ, rất thân thương.

Những buổi hoàng hôn thơ dại ấy qua đi rất nhanh. Con lớn dần lên, học hành rồi bôn ba nhiều nơi để mong kiếm kế sinh nhai nuôi sống bản thân mình. Những buổi chiều được ba tắm lui dần vào quá khứ. Nhưng rồi, khi những kỷ niệm ấy được chạm vào lại ùa về trong con, như hiện tất cả ra trước mắt thành một đoạn phim quay chậm.

Càng lớn lên, va vấp với đời, con mới thấu hiểu, mới thương ba hơn với từng cử chỉ chăm sóc con, từng lời dạy bảo con từ khi còn bé. Con đã bám vào tình yêu thương của ba, vào những điều quý giá mà ba khuyên răn để rồi vững vàng hơn trên con đường nhiều chông gai phía trước. Và, nếu ai hỏi tuổi thơ con yêu thương gì nhất, con sẽ nói ngay rằng con yêu đôi bàn tay của ba đã từng chiều tắm rửa cho con. Dẫu đôi bàn tay ấy không toàn vẹn như nhiều người cha khác, nhưng nơi ấy hội tụ tất cả tình yêu thương và niềm hy vọng của ba dành cho con trai của mình. Từ đôi bàn tay khuyết ấy, những bước chân con được nâng đỡ, cứng cáp và tự tin bước đi hơn...Hôm nay nhớ cha, con viết những dòng này./.

Phúc Nguyên

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Đề thi: Em hãy phân tích truyện ngắn “Quê hương” của nhà văn Đào Quốc Thịnh.

*Đề thi: Em hãy phân tích truyện ngắn “Quê hương” của nhà văn Đào Quốc Thịnh. Dàn ý tham khảo do thầy Nguyễn Lý Tưởng - GV trường THCS Bình Minh - Thị xã Nghi Sơn - Thanh Hóa

Truyện ngắn: Tình bạn và sự sẻ chia

Tôi với anh là bạn thân. Anh có học thức, kinh tế khá, chỉ phải cái tính "ta đây" tỏ ra hơn người và đố kỵ, nên suốt đời không ngóc đầu lên được. Thỉnh thoảng, tôi và anh thường rủ nhau đi uống cà phê, nhậu nhẹt. Một lần, trò chuyện với nhau, anh than vãn: “Tớ có đứa bạn thân thời trung học, hay rủ đi uống cà phê. Mỗi lần như thế, hắn cứ luôn than thân trách phận, kể nghèo, kể khổ, đủ thứ chuyện trên đời.

Tản văn: Sông quê

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm quê nội. Quê tôi là một làng nhỏ nằm bên bờ sông Cái, con sông hiền hòa chở bao điều nhung nhớ. Có bao điều thích thú và bao nhiêu kỷ niệm về quê nội, nhưng nhớ nhất vẫn là mỗi khi vào dịp trăng tròn, ngồi bên bờ sông hóng mát, ngắm trăng, nghe ông kể truyện cổ tích.

Truyện ngắn: Vì sao họ chung sống với nhau đến già

Chàng tuổi Mão, nàng tuổi Tuất, cách nhau 7 tuổi, cái tuổi mà tử vi nói là hợp. Nhưng ngày hai đứa đến với nhau cũng thật khó nhọc, bởi một số người hai bên nội ngoại xúm lại can, nói: rồi thế nào chúng mày cũng cãi nhau như chó với mèo.

Truyện ngắn: Nơi ấy là quê hương

Cha mẹ chị ở nơi khác đến lập nghiệp ở mảnh đất này. Giới thiệu về mình, chị nói mình là người sinh ra ở nơi này. Chị có đôi mắt to tròn, luôn ánh nét cười dễ làm người khác xao xuyến. Học đến lớp 10, chị vào thành phố trọ học. Học xong, chị đi làm, lập gia đình, ít có dịp về quê dù quê nhà chạy xe máy khoảng một tiếng đồng hồ là tới. Rồi cuộc sống đổi thay, chị theo chồng sang tận bên kia đại dương, cắm cúi làm ăn nuôi con, năm tháng cứ thế trôi đi...

Câu chuyện gia đình: Tìm được việc làm

Ngày trước, khi học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, dù khó khăn đến đâu, hàng tháng ba má cũng gửi cho tôi 2,5 triệu đồng. Tôi chi tiêu tiền nhà, tiền học, ăn uống vừa đủ. Muốn có tiền tiêu vặt, giao lưu với bạn bè, tôi phải làm thêm như giữ xe, đi bán cà phê…

Chuyện kể về Trường Sa thân yêu

Tôi đến Trường Sa vào những ngày tháng 3 âm lịch, khi hoa muống biển nở rộ. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa trời yên biển lặng nhất. Lúc ấy, những cơn sóng đã thôi dữ dội. Nó nhè nhẹ va vào bờ cát, mơn man những dây hoa muống biển. Sóng xanh, thảm dây muống biển xanh với những bông hoa tím, và biết bao loài hoa khác đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về Trường Sa, trái tim của biển đảo quê hương.

Lưu bút: Mùa hoa phượng

Khi con ve sầu cất cao giọng hát báo hiệu những “chùm hoa nắng” đang trải dài trên khắp miền quê hương cũng là lúc những chiếc áo trắng sân trường bịn rịn chia tay bạn bè, thầy cô, chia tay trang sách hồng... Một mùa hạ đang đến với bao cảm xúc hồn nhiên, tinh khôi của lứa tuổi học trò.
Top